Dưới mưa bom bão đạn, lũ trẻ con chúng tôi thời đó vẫn học hành và phụ giúp người lớn việc gia đình, thậm chí chống giặc bằng cả niềm vui hào hứng
Thôn Ba Đa thuộc xã Nghĩa Ninh, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Là một địa danh thuộc miền núi, cách trung tâm TP Đồng Hới khoảng 14 km, trong những năm chiến tranh chống Mỹ ác liệt, người dân ở dọc hai bên sông Nhật Lệ lên Ba Đa ở để tránh pháo địch từ tàu chiến bắn vào.
Dưới hầm chữ A
Thời đó, Ba Đa, Bến Cùng ngày đêm bị bom, rốc-két của Mỹ dội xuống, bởi nơi đây xe xích kéo pháo của bộ đội ẩn nấp, là tuyến đường giao thông quan trọng của hậu phương tiếp tế đạn dược cho miền Nam đánh Mỹ. Để bảo đảm an toàn tính mạng cho gia đình mình, người dân ở đây đào hầm chữ A tránh bom. Hầm có kèo là hai cột gỗ to rắn chắc đóng lại thành hình chữ A và dựng cách nhau từ 0,8-1,2 m, được lợp lên mái bằng ván hay những cây gỗ nhỏ xếp chồng nhau, trên đó là bỏ lá cây vộc (loại cây thân màu nâu mà người dân dùng làm vành nón), rồi lấp đất.
Vì hầm đào sâu xuống đất từ 2-2,5 m nên mùa mưa nhiều hầm bị mạch nước ngầm ứa ra, người dân phải đóng sàn cao. Do đó, khi vào ngủ chỉ trườn người theo tư thế nằm và khi ngồi dậy thì phải cúi gập người xuống, kẻo đầu va vào thành hầm. Có nhiều gia đình không làm sàn thì vào mùa mưa phải cử người thức tát nước. Mùa mưa đã khổ, mùa nắng lại cực hơn bởi cái nóng hành hạ.
Do diện tích hầm có hạn, lượng người lại đông, nắp hầm phải đậy kín nên gió không vào được làm căn hầm nóng nực, người lớn tay luôn cầm quạt cho trẻ con. Nhiều gia đình do trẻ con kêu khóc quá nhiều và quạt quá nhiều nên cánh quạt loại xòe ra, gấp vào cũng bị rách. Để có quạt bảo đảm chất lượng, người dân đã nảy ra sáng kiến là dùng cây đương hay tre chẻ ra thành sợi mỏng đan thành quạt hoặc chẻ dày để đan thành hình và cắt giấy dán lên.
Có gia đình thì sáng kiến làm quạt kéo dưới hầm, loại quạt này được làm bằng một tấm bìa cứng, phía trên buộc hai sợi dây vào kèo thành hầm, phía dưới, mặt chính giữa buộc sợi dây dài để cầm kéo. Khi mảnh bìa chuyển động là tạo ra luồng gió.
Thường cạnh miệng hầm là những mâm cơm của gia đình, để khi máy bay địch ném bom là tất cả mọi người xuống hầm cho nhanh. Ở Ba Đa, Bến Cùng này, ban đêm máy bay địch hay thả bom cháy, bom napal, bom bi vào các lùm cây nhằm tìm và đánh phá các xe xích kéo pháo của bộ đội ta. Vì vậy, vào khoảng 18 giờ là tất cả mọi người phải xuống hầm ẩn nấp. Nhờ thiết kế hầm chữ A kiên cố mà người dân được an toàn. Chỉ có gia đình nào bị bom Mỹ dội đúng giữa nóc hầm thì mới thiệt mạng, còn bom cách hầm từ 20 m thì cũng chỉ bị thương.
Nhà văn hóa thôn Ba Đa - nơi đây từng là hầm trú bom thời chống Mỹ |
Học và chơi dưới bom đạn
Thời đó, chúng tôi ở tuổi 9-10, đang học tiểu học nhưng đã tham gia nhiều hoạt động của lũ trẻ con trong việc sinh hoạt, học tập và giúp đỡ gia đình. Đó là những kỷ niệm sâu sắc nhất mà dù đã 53 năm nhưng khi nhớ lại thời khói lửa ấy, trong đầu tôi đã tái hiện những thước phim rõ nét, như mới xem hôm qua.
Ngày đó, lũ trẻ con chúng tôi phải học ở dưới hầm. Hầm học không phải thiết kế theo kiểu hầm chữ A mà vài hầm được đóng thành khung vuông và chỉ đào sâu 1 m. Xung quanh hầm đắp đất và ngụy trang bằng đất cỏ tươi để máy bay địch khỏi phát hiện. Theo thiết kế, hầm chỉ tránh được bom sát thương hay mảnh bom chứ không tránh được sức công phá của bom tạ, bom tấn của Mỹ. Vì vậy, mỗi lần máy bay địch dội bom tấn, bom tạ xuống là chúng tôi phải chạy sang hầm chữ A cạnh đó.
Máy bay Mỹ không chỉ ném bom đánh phá mà còn thả chất độc hóa học. Để tránh ngộ độc, dưới hầm của các hộ gia đình cũng như của lớp học đều có vài quả bí đao. Khi phát hiện máy bay địch rải chất độc hóa học là mọi người cắt quả bí đao ra đưa lên che miệng, lỗ mũi.
Lũ học sinh chúng tôi khi đến trường phải mang theo túi đựng bông, băng, thuốc đỏ, lọ nước tro trong, lọ nước vôi trong cùng hai cặp nẹp bằng gỗ hay bằng tre dài bằng cẳng chân và bằng cánh tay mới được vào lớp. Các thầy cô luôn dặn chúng tôi: "Khi nào trên đường đến trường, các em có bị thương thì tự lấy các thứ đó để băng vết thương hay cố định nẹp vào tay, chân khi bị gãy. Còn lọ nước tro trong và lọ nước vôi trong tẩm vào bông băng, bịt vào miệng, mũi để chống chất độc hóa học".
Cũng nhờ chuẩn bị chu đáo như vậy nên trong lớp có 3 bạn trên đường đến trường, mảnh bom Mỹ làm bị thương nhưng các bạn đã tự băng bó, không bị thương tổn nặng.
Điều lũ trẻ xóm chúng tôi vui nhất là chạy đi lấp vết xe xích kéo pháo của bộ đội. Thường buổi tối, máy bay địch thả pháo sáng, sáng rực trời, sau đó là tiếng máy bay phản lực bay qua kèm theo âm thanh cắc bụp, cắc bụp, cắc bụp… nối nhau, từ to đến nhỏ dần. Đó là tiếng máy ảnh trên máy bay địch chụp xuống mặt đất để tìm vết hằn của bánh xe xích kéo pháo. Từ đó, chúng xác định tọa độ của xe, chỉ điểm cho máy bay ném bom.
Nhằm làm cho máy bay địch khỏi phát hiện chỗ ẩn nấp của xe xích kéo pháo, chúng tôi buổi chiều nào không phải đến lớp là rủ nhau lên gần các lùm cây để lấp các vết bánh xe. Mỗi đứa cầm trên tay chiếc xẻng nhỏ và cái chổi. Khi thấy có vết xe là dùng xẻng lấp đất lại, sau đó lấy chổi quét xóa dấu vết.
Để tạo không khí sôi nổi, chúng tôi thường đề ra chỉ tiêu thi đua bằng cách phân cho mỗi đứa một đoạn, ai lấp xong trước được cưỡi lên lưng đứa bạn lấp xong sau cùng. Vì vậy, không khí vui nhộn hẳn lên. Vui nhất là khi có bạn cưỡi không nổi, cứ cõng bạn mình lên, lại gục xuống hay bị phải cõng nhiều lần... làm cả bọn cười vỡ bụng!
Tuổi thơ, rau má và những trận cười
Thời đó, gạo khan hiếm, mỗi gia đình có đến 6-7 nhân khẩu nhưng một bữa ăn chỉ nấu được một lon gạo, bằng khoảng 0,35 kg. Vì vậy, ngoài việc dùng canh lá rau tàu bay theo mùa vụ, các gia đình quanh năm phải ăn rau má để làm ấm cái dạ dày.
Nhu cầu sử dụng rau má quá lớn nên những đám rau má nằm trên các miệng hố bom hay nương sắn quanh thôn, xóm cũng cạn kiệt. Chúng tôi phải đi lấy rau má cách nhà trên 4-5 km, có khi xa hơn. Có những lúc lũ trẻ chúng tôi đi qua các tuyến đường đất đỏ mà máy bay địch ném bom. Cứ mỗi chuyến lấy rau má xa nhà, chúng tôi rủ nhau một tốp khoảng 6-7 đứa cùng đi. Phương tiện của chúng tôi là chiếc bay, dao và rổ, thúng. Vốn người nhỏ bé, tay ngắn nên mỗi khi có rau, chúng tôi không bê rổ kẹp vào nách như người lớn mà phải đội trên đầu.
Chuyện đội rau cũng gây ra nhiều trận cười vỡ bụng. Vốn là, sau khi xủi rau bỏ vào rổ, để rau sạch hết bụi, đất, chúng tôi đưa rau xuống suối rửa. Vì đường xa nên chúng tôi không đợi ráo hết nước mà vội đội rau lên đầu để về. Đối với những đứa rửa rau chưa sạch, nước còn đọng lại trên lá rau chảy xuống cả đầu, lan xuống mặt, kéo theo là vết nâu hay vàng của đất trông như mặt mèo.
Có nhiều lần, đoàn chúng tôi đi trên đường đất đỏ, máy bay của địch nhào xuống thả bom. Tiếng rít của quả bom bay qua đầu vang lên giữa núi rừng thâm u, tất cả không ai bảo ai, như có phản xạ không điều kiện, đều nhào sang lùm cây cạnh đường, hai tay vẫn giữ chặt thúng, rổ rau trên đầu, mặc dù rau bị bắn rơi vãi khắp nơi. Im tiếng bom nổ là chúng tôi vội nhặt rau rơi vãi và chạy nhanh trên đường.
Khi tiếng máy bay phản lực nhào tới, là tất cả lại như con sóc lao người sang mặt đường, hai tay vẫn giữ chặt cái thúng, cái rổ rau má trên đầu. Nhờ có phản xạ ấy mà có lần mảnh bom nhiều cạnh sắc lẹm, nóng rực nằm trên rổ rau mà cả bọn chẳng ai bị gì. Sau mỗi lần như vậy, cả bọn cười vang...
Bài và ảnh: TRẦN VĂN BÌNH (NLĐO)