Báo xuân

Ba lần đi dựng nhà ở Trường Sa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- 25 năm trước, anh Phạm Hữu Thạnh là bộ đội Trung đoàn 83 Công binh thuộc Quân chủng Hải quân đã cùng với đồng đội cưỡi sóng lênh đênh trên biển cả, không quản ngại hy sinh để xây dựng những ngôi nhà giàn khẳng định chủ quyền Tổ quốc trên quần đảo Trường Sa.  

Chiều cuối năm, ngồi nhâm nhi tại quán cà phê Làng Văn của gia đình trên đường Nguyễn Huệ, phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa, cựu chiến binh Phạm Hữu Thạnh lật cuốn nhật ký dày 200 trang đã ố màu, ôn lại hành trình 3 lần vinh dự đi xây dựng nhà giàn ở các đảo Đá Lát, Đá Thị, Cô Lin thuộc quần đảo Trường Sa những ngày bão lửa đầu năm 1988.

“Nhà cao cẳng” giữa trùng khơi

Như nhiều bạn bè, tháng 8-1985, học hết cấp 3, anh thanh niên Phạm Hữu Thạnh từ giã quê hương ở xã Phong Thủy, huyện Lệ Ninh, tỉnh Quảng Bình xung phong lên đường nhập ngũ thuộc Đại đội 6, Tiểu đoàn 886, Trung đoàn 83 Công binh (Bộ Tư lệnh Hải quân).

 

Cựu chiến binh Phạm Hữu Thạnh 3 lần đi dựng nhà giàn tại 3 đảo ở Trường Sa vào những ngày bão lửa đầu năm 1988. Ảnh: Đ.P
Cựu chiến binh Phạm Hữu Thạnh 3 lần đi dựng nhà giàn tại 3 đảo ở Trường Sa vào những ngày bão lửa đầu năm 1988. Ảnh: Đ.P

Đầu năm 1987, Trung đoàn 83 từ Đà Nẵng được lệnh cơ động vào Quân cảng Cam Ranh (Khánh Hòa) để thực hiện nhiệm vụ rất quan trọng và cấp bách lúc đó là xây dựng công trình phòng thủ trên các đảo ở Trường Sa. Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân cấp cho Trung đoàn 83 hai nhà giàn DK để huấn luyện cho chiến sĩ lắp ghép thật nhuần nhuyễn trước khi lên đường ra đảo dựng nhà. Đây là nhà giàn bằng sắt thế hệ thứ 2.

Trước đó, đơn vị phải tự làm nhà giàn bằng gỗ, rộng chừng 30 m2; sàn cao 4 mét, mặt sàn ghép bằng các tấm ghi sân bay có nhiều ở Cam Ranh; mái làm vòm lợp tôn, xung quanh thưng gỗ. Nhìn từ xa trông nhà giàn tựa như căn chòi canh cá giữa hồ nước rộng. Anh em quen gọi là “Nhà cao cẳng” vì có nhiều cột gỗ dài lỏng khỏng chống đỡ nhà giữa biển khơi. “Vừa tập ghép nhà vừa học chính trị nên anh em ai nấy đều xác định tư tưởng quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, lòng cảm thấy rất vinh dự, tự hào”-anh Thạnh nói.

10 giờ 30 phút đêm 26-1-1988, tàu HQ 661 nhổ neo chở Thạnh cùng 30 đồng đội rời cảng Cam Ranh xé biển đêm lên đường ra Trường Sa làm nhiệm vụ dựng nhà giàn. Tàu chạy được khoảng 1 tiếng đồng hồ thì hầu hết lính trẻ say sóng, nôn thốc nôn tháo. Ba ngày sau tàu ra đến đảo Trường Sa Đông. Biển lặng, cá bơi lội tung tăng dưới mạn thuyền. Anh em thả câu bắt được những con cá thu nặng gần 30 kg.

Khoảng 7 giờ sáng ngày 4-2 tàu đến đảo Đá Lát. Đây là một đảo chìm, khi nước triều lên thì toàn bộ đảo ngập dưới nước biển, còn khi thủy triều rút xuống lại nhô lên một bãi san hô rộng. Tàu phải neo cách đảo chừng 1 cây số, thả xuồng sắt để anh em công binh và thủy thủ đổ bộ lên đảo. Anh Thạnh nhớ: “Đảo hoang sơ không một dấu vết của con người. Thật vinh dự vì mình là những người đầu tiên đặt chân đến đảo này. Các chiến sĩ nhanh chóng dùng xà beng chọc lỗ đóng cọc xuống đảo để cắm cờ Tổ quốc”.  

Công việc xây dựng đảo được triển khai ngay. Buộc dây thừng vào hai đầu xuồng sắt, một đầu nối vào cọc dựng trên đảo, một đầu nối với tàu để kéo xuồng chở vật liệu gồm: sắt, cát, đá, xi măng và các mảnh ghép nhà giàn DK bằng gỗ lên đảo. Các chiến sĩ phải chạy đua với thời gian, bất chấp thời tiết nắng mưa, hễ thủy triều xuống là đào móng trụ, thủy triều lên đưa vật liệu từ tàu vào đảo. Do lâu ngày ngâm trong nước biển nên chân tay của anh em bị lột da bạc thếch, tóc ai cũng cứng và đỏ quạch như rễ tre, da đen nhẻm. Dưới cái nắng 40OC và gió rát mặt, các chiến sĩ chỉ nhận ra nhau bởi hàm răng trắng và ánh mắt.

Thức ăn chủ yếu là đồ hộp và rau muống phơi khô đem từ đất liền ra. Nhiều đêm giông bão, anh em ngồi bên nhau kể chuyện quê nhà, cây đàn ghi-ta bập bùng, lời bài hát “Đời mình là một khúc quân hành” vang lên trong màn đêm, lẫn vào sóng nước…

Một buổi chiều đầu tháng 3-1988, sau gần 1 tháng vật lộn với nắng gió, “nhà giàn cao cẳng” gần hoàn thành, bỗng nhiên, trời nổi cơn giông, sấm chớp ầm ầm, mưa như trút nước. Nhìn căn nhà lỏng chỏng như chòi canh cá giữa biển khơi chưa kịp buộc dây nối vòm mái đã bị mưa gió xô đổ, các chiến sĩ ôm nhau khóc. Mưa tạnh, các chiến sĩ lại khẩn trương bắc giàn giáo trộn hồ xếp từng viên đá vào lòng biển để dựng lại nhà giàn.

Đón Giao thừa trên đảo Đá Lát

“Ở đảo Đá Lát, khoảng 8 ngày thì chúng tôi dựng xong cột, cơ bản những công việc dưới nước đã xong. Lệnh cấp trên truyền xuống: Tối 14-2 anh em chiến sĩ phải tập trung lên đảo ngủ để sáng hôm sau đổ bê tông. Chiều ngày 16-2 (28 Tết) sẽ được nghỉ Tết sớm”-anh Thạnh nói.

Khoảng 2 giờ sáng ngày 15 (27 Tết) chúng tôi đã bắt tay vào làm đến 4 giờ 30 phút là nước lên lớn dù công việc chưa hoàn thành nhưng phải dừng lại. Sáng sớm hôm sau anh em bắt đầu công việc thật sớm, quyết tâm không ăn trưa để đến khoảng 3 giờ chiều thì hoàn thành công việc đổ bê tông dưới nền nhà. Xong việc là anh em túa ra xung quanh bãi san hô bắt cá. “Có lẽ trời cũng thương chúng tôi nên hôm đó anh em bắt được nhiều cá to, hơn ba chục con cá mú, cá thu đủ loại, mỗi con nặng chừng 14-15 kg. Tôi và hai đồng đội nữa lội trên bãi san hô cách xa nhà giàn gần 100 mét thì phát hiện nhiều con ốc lạ mình xoắn to dài cả mét. Vác búa tạ đập ra thấy thịt dày và có mùi thơm liền đem về làm món ăn mới”.

16 giờ 30 phút ngày 16-2 (28 Tết) đơn vị tổ chức liên hoan đón Xuân tuy mâm cỗ chẳng có gì ngoài cá và ốc. “Tôi nghĩ ở đất liền lúc này chưa chắc đã có những món ngon như vậy? Bộ đội Công binh cùng Bộ đội Hải quân trên tàu quây quần bên nhau, không rượu, không pháo nhưng vui đáo để. Chúng tôi dự tiệc liên hoan rồi độc diễn văn nghệ đến 9 giờ tối thì được lệnh tạm dừng đi ngủ để ngày mai xuống tàu bốc hàng lên đảo để tàu đi đảo khác.

“…Ngày 30 Tết dầm mình dưới nước bốc hàng, rét run, đói lả nhưng mãi đến 2 giờ chiều mới được ăn cơm. Ăn xong mỗi người chỉ được nửa bát nước uống. Vì nước ngọt khan hiếm, ngày nào cũng phải tiết kiệm như vậy. Đêm Giao thừa, cả đơn vị vẫn dầm mình dưới nước để khiêng hàng hóa, vật liệu từ tàu lên đảo. Rồi một loạt tiếng nổ rền vang. Chúng tôi ngoi làn nước lạnh ngửa cổ lên trời, từng tia lửa sáng rực từ họng súng 12,7 ly trên bong tàu phun thẳng lên không trung. Chỉ huy tàu cho nổ súng đón Giao thừa. Chiếc radio móc trên cọc gỗ cắm giữa đảo vọng tiếng Chủ tịch nước chúc Tết”.   

Ngày 26-2 đơn vị anh Thạnh hoàn thành nhà giàn bằng gỗ đầu tiên ở đảo Đá Lát rồi bàn giao lại cho đơn vị bộ đội tiếp quản giữ đảo để về lại đất liền. 9 giờ sáng ngày 14-3 khi tàu vừa cập cảng Cam Ranh kết thúc hành trình 1 tháng rưỡi lênh đênh trên biển đảo Trường Sa thì được tin 3 tàu vận tải HQ 604, 605 và 505 của ta bị nạn ở vùng đảo Cô Lin-Gạc Ma-Len Đao trong cuộc chiến không cân sức với đối phương Trung Quốc. Trung đoàn 83 làm lễ truy điệu 64 người con anh dũng vừa hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ đảo chủ quyền giữa biển khơi, trong đó có nhiều đồng đội, đồng hương cùng nhập ngũ một ngày với anh Thạnh.

Tối 16-3 chúng tôi lại xuống tàu tiếp tục hành trình lần thứ hai, rồi đi tiếp lần thứ ba ra xây dựng nhà giàn ở các đảo Đá Thị, Cô Lin thuộc quần đảo Trường Sa. Xác định tâm thế ra đi lần này là có thể hy sinh, nhưng ai cũng tỏ rõ quyết tâm sẵn sàng dâng hiến cuộc đời mình cho Tổ quốc. Nhiều đồng đội cũng đã được vinh dự kết nạp Đảng trong những ngày đi xây dựng đảo Trường Sa như tôi”- anh Thạnh tự hào nói.

Đức Phương

Có thể bạn quan tâm