Bài 1: "Bát nháo" hoạt động y, dược tư nhân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bên cạnh hệ thống y tế công lập, bộ phận y-dược tư nhân đã góp sức “chia lửa” với Nhà nước để giải bài toán quá tải bệnh nhân, giúp người dân tiếp cận  với  các dịch vụ y tế thuận lợi hơn. Tuy nhiên, ngoài đóng góp tích cực đó, hoạt động bát nháo của bộ phận y, dược tư nhân thời gian qua đã gây quá nhiều bức xúc cả về khía cạnh y đức và công tác quản lý.

Phòng mạch vô tư bán thuốc, chữa bệnh chui

Rất nhiều người dân có thói quen khi đau ốm thường đến các phòng mạch tư để khám bệnh và mua thuốc về uống chứ ít người “chịu khó” tìm đến cơ sở y tế của nhà nước. Thực tế này như một “luồng gió mát” thúc đẩy các cơ sở hành nghề y tư nhân trong tỉnh có dịp mọc lên nhanh chóng.

 

Thanh-kiểm tra nhà thuốc tại TP. Pleiku. Ảnh: Đ.P
Thanh-kiểm tra nhà thuốc tại TP. Pleiku. Ảnh: Đ.P

Trung tuần tháng 6 vừa qua, Đoàn thanh tra liên ngành của tỉnh về hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; hành nghề dược và trang-thiết bị y tế tư nhân trên địa bàn toàn tỉnh. Tại Phòng khám Đa khoa Cheo Reo (số 20 đường 17-3, thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê) do ông Nguyễn Văn Oan đứng tên chủ cơ sở, tại thời điểm kiểm tra, đoàn phát hiện “Cơ sở bán thuốc cho người bệnh dưới mọi hình thức”, vi phạm điểm a khoản 4, điều 28 của Nghị định 176/2013/NĐ-CP, cơ sở này bị đoàn thanh tra ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 20.000.000 đồng; đồng thời, tước chứng chỉ hành nghề trong thời hạn 6 tháng.

Tương tự, tại Phòng khám bác sĩ Thiên (341 Lê Duẩn, TP. Pleiku) do ông Nguyễn Đình Thiên đứng tên chủ cơ sở và chịu trách nhiệm chuyên môn, khi Đoàn thanh tra liên ngành của tỉnh “ập vào” kiểm tra, phát hiện cơ sở “Bán thuốc cho người bệnh dưới mọi hình thức”. Với lỗi nghiêm trọng trên, đoàn đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 25.000.000 đồng; đồng thời, tước chứng chỉ hành nghề trong thời hạn 6 tháng.

Bằng cách lột trần hết vỏ bảo quản thuốc để người bệnh không còn biết được đâu là thuốc nội-ngoại, chủ các phòng mạch đã đội giá tân dược lên trên trời, gấp bằng mấy lần giá trị thực của nó. Một đơn thuốc cảm sốt bình thường khi khám tại phòng mạch lên đến hai, ba trăm ngàn đồng. Và cũng vì siêu lợi nhuận từ kinh doanh thuốc tây mà đã có dư luận không hay về việc một số bác sĩ làm việc tư nhiều hơn việc công, kéo bệnh nhân trong bệnh viện về nhà chữa trị, thu tiền…

 

Khi đau ốm, người bệnh đặt niềm tin và hy vọng sống của mình vào tay các thầy thuốc, dược sĩ đáng kính. Ấy vậy nhưng lại có không ít thầy thuốc, dược sĩ mở phòng mạch tư, quầy thuốc mà vấn đề y đức bị lu mờ phía sau sự cám dỗ của ma lực tiền bạc.

Ngang nhiên hơn, tại nhiều cơ sở hành nghề y tư nhân dù người chịu trách nhiệm chuyên môn ở đây không có chứng chỉ hành nghề nhưng họ vẫn vô tư khám bệnh, bán thuốc. Chẳng hạn, cơ sở hành nghề bác sĩ Hương (thôn 2, xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê) do bà Nguyễn Thị Hương đứng tên chủ cơ sở và chịu trách nhiệm về mặt chuyên môn; cơ sở hành nghề bác sĩ Long (thôn Hợp Hòa, xã Ia Drăng, huyện Chư Prông) do ông Võ Thành Long đứng tên chủ cơ sở và chịu trách nhiệm chuyên môn. Tại thời điểm kiểm tra, dù có khá đông người đến khám bệnh nhưng cả hai cơ sở này đều không đưa ra được chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật. Với lỗi “hành nghề không có chứng chỉ hành nghề”, đoàn thanh tra ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính cơ sở hành nghề bác sĩ Hương với số tiền 30.000.000 đồng và xử phạt cơ sở hành nghề bác sĩ Long 35.000.000 đồng; đồng thời, tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động trong thời hạn 3 tháng.

Đặc biệt, các cơ sở Nha khoa, một lĩnh vực ăn nên làm ra hiện nay cũng bị phát hiện đang làm “lụi”, tức là người chịu trách nhiệm chuyên môn không có chứng chỉ hành nghề. Qua kiểm tra, Đoàn thanh tra liên ngành của tỉnh phát hiện Phòng khám Nha khoa Tâm Đức (148 Hùng Vương, huyện Chư Prông) do ông Đinh Quang Thống làm chủ cơ sở, chịu trách nhiệm chuyên môn và Phòng khám Nha khoa Sài Gòn (cùng ở đường Hùng Vương, huyện Chư Prông) do ông Bùi Tấn Thương làm chủ cơ sở, chịu trách nhiệm chuyên môn vi phạm “Hành nghề không có chứng chỉ hành nghề”. Với lỗi trên mỗi cơ sở bị đoàn thanh tra ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 30 triệu đồng.

Nhà thuốc thuê bằng dược sĩ, bán thuốc hết hạn sử dụng

Theo thống kê, tỉnh Gia Lai hiện có 493 cơ sở hành nghề dược ngoài công lập (473 cơ sở được cấp giấy đăng ký kinh doanh) gồm: 11 cơ sở bán buôn thuốc, 41 nhà thuốc, 284 quầy thuốc và 158 đại lý thuốc. Trong đợt kiểm tra mới đây tại 54 cơ sở hành nghề dược tư nhân thì có 25 cơ sở vi phạm các quy định của pháp luật, chiếm tỷ lệ 46,2%. Trong đó, nổi cộm có 17 cơ sở bán thuốc phạm lỗi “Người quản lý chuyên môn vắng mặt nhưng không thực hiện việc ủy quyền hoặc cử người thay thế theo quy định của pháp luật” mà thực chất là dính vào nghi vấn thuê bằng của các dược sĩ đang công tác trong ngành y tế; 4 cơ sở bán lẻ thuốc đã hết hạn sử dụng…  

Đáng chú ý ngay cả một số nhà thuốc lớn có tiếng của tỉnh cũng vi phạm các quy định hành nghề, chẳng hạn: Nhà thuốc Quang Trung ở 07 Quang Trung (TP. Pleiku) do bà Lê Thị Thu Thủy đứng tên, khi kiểm tra cơ sở có khá đông khách hàng vào mua thuốc, tuy nhiên “Người quản lý chuyên môn vắng mặt nhưng không thực hiện việc ủy quyền hoặc cử người thay thế theo quy định của pháp luật”. Lỗi này, theo giới chuyên môn thì nhà thuốc dính nghi án thuê bằng dược sĩ để kinh doanh thuốc. Đoàn đã xử phạt nhà thuốc 4.000.000 đồng và tước chứng chỉ hành nghề trong thời hạn 1 tháng.


Lý giải cho sự việc này, đại diện một nhà thuốc cho rằng, những quy định mới trong Luật Dược, đặc biệt là điều kiện để “lên đời”nhà thuốc (nhà thuốc đạt tiêu chuẩn thực hành tốt nhà thuốc-GPP-khi đó mới được Sở Y tế cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc) đã khiến cho các chủ nhà thuốc phải sốt sắng tìm thuê bằng dược sĩ để mượn danh đứng tên mở nhà thuốc.

Theo quy định của Nhà nước thì chỉ dược sĩ đại học có thâm niên 5 năm công tác tại cơ sở y tế công lập mới đủ điều kiện được phép đứng tên mở 1 nhà thuốc; và dược sĩ phải có mặt 24/24 giờ tại nhà thuốc. Nhưng trên thực tế, qua nhiều lần kiểm tra các nhà thuốc trên địa bàn tỉnh thì gần như rất ít nhà thuốc có sự hiện diện của dược sĩ. Mặt khác, đội ngũ dược sĩ ở Gia Lai hầu hết đang công tác trong hệ thống cơ sở y tế công lập (44 người), nên đương nhiên họ không thể “phân thân” để đứng bán ở nhà thuốc (41 nhà thuốc). Do đó, mới có chuyện xầm xì trong ngành Y tế là dược sĩ này cho cơ sở nọ thuê bằng đứng tên mở nhà thuốc kinh doanh để mỗi tháng kiếm thêm cả chục triệu đồng...

Đức Phương

Có thể bạn quan tâm