Từ ngày 1-7-2009, Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) có hiệu lực thi hành. Luật ra đời đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khám- chữa bệnh (KCB) cho người nghèo, cận nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số vùng khó khăn. Nhưng trong quá trình triển khai luật đã gặp phải rất nhiều vướng mắc, gây không ít khó khăn cho cơ sở y tế và người tham gia BHYT khi đi KCB.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai cùng các sở, ngành liên quan vừa hoàn thành đợt giám sát thực hiện chính sách pháp luật về BHYT trong KCB đối với người nghèo, cận nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn tại huyện Đức Cơ, Kông Chro, Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bảo hiểm Xã hội tỉnh. Những ngày “mục sở thị” cùng đoàn, chúng tôi thấy không ít chuyện bi hài xung quanh việc KCB BHYT cho người nghèo.
Khám bệnh phải có giấy giới thiệu
Đó là luật bất thành văn dành cho những bệnh nhân nghèo khi đi KCB BHYT vượt tuyến. Thông thường họ phải có đủ giấy giới thiệu của 2 cấp là trạm y tế xã và trung tâm y tế huyện… mới được BHYT thanh toán 95% chi phí; thiếu một trong 2 giấy này chỉ được thanh toán 50% chi phí. Tuy nhiên, mẫu giấy giới thiệu phải đúng với quy định của BHYT, nếu sai cũng bị BHYT xuất toán. Để đến được bệnh viện, những bệnh nhân người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa phải vượt hàng trăm cây số. Trong điều kiện nếu không đáp ứng các thủ tục thì họ đành ôm bệnh ra về trong sự đau đớn, bất lực.
Khám- chữa bệnh miễn phí cho hộ nghèo ở huyện Kông Chro. Ảnh: Đinh Yến |
Chính sách lớn nhưng người hưởng lợi chẳng được bao nhiêu
Do ngành Bảo hiểm Xã hội giữ “hầu bao” quá chặt nên chỉ trong 2 năm (từ tháng 7-2009 đến tháng 7-2011) quỹ bảo hiểm y tế Gia Lai còn dư đến 307 tỷ đồng. |
Cũng trước đây, người nghèo được khám điều trị bệnh ban đầu ngay tại tuyến xã, đau ốm nặng mới lên tuyến trên. Nhưng quy định của BHYT cơ sở KCB công lập phải có y- bác sĩ kê đơn mới được hưởng BHYT, còn không có thì không được hưởng. Bà Tuyết cho rằng: Nếu thực hiện đúng như vậy thì rất nhiều người nghèo trên địa bàn tỉnh không được KCB bằng BHYT vì không gặp được bác sĩ. Huyện Kông Chro có 14 Trạm Y tế xã, một Trung tâm Y tế huyện, một Ban Y tế Dự phòng nhưng mới chỉ có 10 bác sĩ. Là huyện thiếu trầm trọng đội ngũ y- bác sĩ, vì thế, 80% dân số ở đây có thẻ BHYT nhưng khi ốm không được KCB bằng BHYT.
Gia Lai có đến 17.038 hộ cận nghèo, Nhà nước hỗ trợ tối thiểu 50% mức đóng bảo hiểm cho các hộ này nhưng mới chỉ có 318 người thuộc hộ gia đình cận nghèo tham gia BHYT. Một phần là những hộ này khi KCB phải đồng chi trả 20% viện phí. Đời sống của các hộ cận nghèo so với hộ nghèo, khoảng cách chênh lệch chỉ là 1.000 đồng. Cuộc sống khó khăn mà KCB phải đồng chi trả như thế nên nhiều người có bệnh mà không dám đến bệnh viện. Chính sách nhà nước luôn tạo điều kiện tốt nhất giúp người nghèo có cơ hội được chăm sóc sức khỏe nhưng với việc đồng chi trả như trên khiến người nghèo lại càng nghèo hơn.
Bên cạnh đó, việc phát thẻ chậm, sai họ, tên, địa chỉ, năm sinh… cũng khiến cho người hưởng lợi gặp không ít khó khăn. Trẻ em dưới 6 tuổi khi KCB ở cơ sở y tế công lập được miễn phí hoàn toàn nhưng trẻ em bị tim bẩm sinh phẫu thuật tại cơ sở KCB công lập cũng chỉ được BHYT thanh toán 60-70% chi phí. Bình quân một ca phẫu thuật tim trẻ em chi phí hết 45-50 triệu đồng. Nếu phẫu thuật ở Bệnh viện Nhi đồng II- TP. Hồ Chí Minh được hưởng BHYT là 32 triệu đồng, còn phẫu thuật ở Viện Tim- TP. Hồ Chí Minh chỉ được BHYT thanh toán 15 triệu đồng (vì Viện Tim dùng thuốc tốt hơn, mà thuốc tốt thì không có trong danh mục thuốc được hưởng BHYT) nên bệnh nhân phải chịu thiệt.
Đinh Yến