Phóng sự - Ký sự

Bài 1: “Chân dung” gia đình họ Đặng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm đầu thập kỷ 70 của thế kỷ trước, thời điểm mà người viết bài này có mặt ở vùng đất thiêng, nơi ấy-An Khê, chiến tranh dường như chẳng bỏ sót nhà nào. Ở đây không một giờ nào ngơi tiếng nổ từ đạn bom của Mỹ-Ngụy. Làng mạc, thôn xóm luôn bị chúng càn quét đánh phá. “Tức nước vỡ bờ”, đã không ít gia đình từ cha đến các con bỏ lại ruộng vườn, người thân để thoát ly gia nhập các lực lượng vũ trang cách mạng, chung tay giải phóng quê hương. Gia đình cụ Đặng Để ở Cửu An là một trong những gia đình như vậy.

.



Tôi tìm đến nhà anh Đặng Đạo hiện giờ ở xã Dun của Chư Sê vào một ngày cách đây chưa lâu, vì đã biết trước nên khi thấy tôi anh vội ra tận ngõ đón và câu chuyện “thời xưa” của chúng tôi trở thành đề tài thay cho tất cả những lời xã giao vốn thường có của những người bạn thân lâu ngày gặp lại. Một thời đánh giặc và tránh giặc, những người đồng đội ai còn ai mất, từng gương mặt hiện về…
 

Ông Đặng Đạo xem lại tên các liệt sĩ hy sinh tại An Khê do tác giả chụp. Ảnh: N.G
Ông Đặng Đạo xem lại tên các liệt sĩ hy sinh tại An Khê do tác giả chụp. Ảnh: N.G

Chúng tôi chú tâm đến một người có liên quan đến cả hai chúng tôi-anh Đạo và người viết bài này, mà trước khi nói ra ở đây, tôi thành thật xin lỗi hương hồn anh Lương Văn Có. Đắn đo mãi, tôi lại nhớ lời anh Đặng Đạo “chiến tranh và công việc của thời chiến tranh mà em”, từ câu nói này lòng tôi thấy vơi bớt đi sự ân hận không cùng.

Một ngày giữa năm 1972 (chứ không phải như bia mộ của anh ở nghĩa trang liệt sĩ An Khê ghi là năm 1968) anh Có được lãnh đạo cử đi một chuyến công tác rất quan trọng, từ hôm trước anh Có đã gần như biết được chuyến đi ấy sẽ là “định mệnh”(?) đối với anh, nói vậy bởi vì anh luôn là một trong những chiến sĩ giao liên gan dạ, sẵn sàng nhận và thực hiện nhiều chuyến công tác vào vùng địch hậu an toàn thế mà hôm ấy anh không vui khi được giao nhiệm vụ này, từ sự không vui anh quyết định từ chối nhận nhiệm vụ.

Là một bí thư chi đoàn thanh niên, tôi đã động viên anh nhưng không thành, “giận cá chém thớt” mà tôi đã buột miệng nặng lời với anh một cách vô lý. Không ngờ “sự nặng lời” ấy đã chạm đến lòng tự trọng của anh- một đoàn viên lớn hơn bí thư chi đoàn những… gần bốn tuổi, mà anh đã báo cáo lãnh đạo và nhận tài liệu thực hiện chuyến công tác cùng anh Đặng Đạo ngay sau đó. Và từ chuyến đi ấy anh không bao giờ về nữa, anh ra đi khi tuổi đời chưa đầy 22. Một tuần sau đơn vị mới tìm đến được nơi anh nằm lại, nhưng thi thể của anh đã không còn nguyên vẹn. Sự chậm trễ ấy là bởi suốt cả tuần bọn lính Mỹ không chịu buông tha anh, chúng mở rộng càn quét và phục kích tất cả những vùng lân cận nơi chúng đã giết anh hòng tìm kiếm các con đường hành lang bí mật của ta từ vùng hậu cứ ra vùng địch chiếm và đánh phá những nơi chúng nghi có các đội công tác của ta đang bám trụ ở đây.

…Anh Đạo nhớ lại, buổi sáng “định mệnh” hôm đó hai anh lọt vào ổ phục kích của Mỹ, anh Có là người đi trước và cách anh chưa đầy 10 mét, khi phát hiện các anh chúng bắn như mưa và anh Có đã trúng đạn ngay giữa vòng vây của chúng, vì bất lợi bởi địa hình mà anh Đạo đã không thể kịp phản kháng. Trong tận đáy lòng, anh Đạo cũng thấy mình có lỗi khi mà không thể làm gì được trước sự hy sinh của đồng đội. Đó là một trong nhiều trường hợp hy sinh của đồng đội chúng tôi. An Khê, là một trong những chiến trường ác liệt vào bậc nhất của chiến trường Gia Lai khi ấy, không tuần nào ở đây không có đồng đội chúng tôi ngã xuống.

Gia đình anh Đạo chỉ trong 3 năm đã có đến 4 người vĩnh viễn ra đi, thì trong đó 3 người là anh em ruột và 3 người nằm lại trên mảnh đất An Khê này. Hôm anh Đặng Phùng, người thứ 3 trong gia đình hy sinh ở ngoại ô Pleiku, đơn vị nhận được tin buồn này nhưng không thể nào thông báo thật cho cụ Để, người rất mực yêu thương các con trai mình, nhưng rồi không thể giấu được, Bí thư huyện ủy Hồ Ngọc Năm đến nơi cụ Để ở để thông báo tin buồn, sau khi nghe tin chính thức được lãnh đạo báo, cụ đã không còn nước mắt để khóc con, cụ đau đớn nói với Bí thư: “Con tôi chết thì nói chết, còn bảo là hy sinh gì nữa, chiến tranh mà”. Cụ Để có hai đời vợ, mười hai người con, 6 người theo cha làm cách mạng trong thời kháng chiến và cụ đã mất hồi năm 1977.

Anh Đặng Hạnh (em kế anh Đạo), người mà tôi hay chuyện trò với anh trong những khi rỗi việc, coi anh như một người bạn dù anh hơn tôi đến hơn một giáp, ngược lại anh coi tôi như đứa em trai của mình, hay chỉ bảo điều hay lẽ phải, kể những câu chuyện buồn vui trong cuộc sống và nhất là chuyện về gia đình họ Đặng của anh; hôm anh ra đi tôi sững sờ đến mấy ngày vì không tin sự ra đi vĩnh viễn của anh là sự thật. Trong lời điếu văn lễ truy điệu vĩnh biệt anh do lãnh đạo soạn mà tôi là người đánh máy, nhiều đoạn văn làm tôi không thể cầm nổi nước mắt của mình.

Mấy tuần lễ sau khi anh hy sinh thì đơn vị mới tìm đến chỗ anh nằm, theo hiện trường nơi anh bị Mỹ giết thì anh đã lọt vào ổ phục kích của chúng khi chỉ một mình trên đường công tác ra vùng địch chiếm. Anh Đạo kể lại hôm tìm thấy và chôn cất anh Hạnh mới thật là thương tâm, chẳng biết vì sao mà thi thể anh ấy không còn nguyên vẹn, tuy vậy với linh tính mách bảo từ người thân ruột thịt mà anh Đạo đã khẳng định là em ruột của mình! Về phần mình, anh Đạo bảo rằng qua bao nhiêu trận đánh đồn, bao lần bị rơi vào ổ phục kích của lính Mỹ mà anh đều thoát nạn là sự may mắn vô cùng, “chỉ có đạn bom tránh người chứ người không thể tránh nó được”-anh cho là thật vậy do suy từ anh mà ra.

Giờ đã về nghỉ hưu, gia đình anh vẫn chưa thoát được nghèo, dù vậy “cuộc sống hôm nay mà anh có được là vô cùng quý giá, em ạ”, rồi anh lại bảo “bao anh em, bạn bè, đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại ngoài các chiến trường thì sao?”. Nói về đồng đội, những người đã ngã xuống giọng anh chùng xuống, lòng anh như se lại; còn kể về mình, chuyện sau ngày giải phóng lênh đênh lận đận mãi rồi mới lấy được vợ, trở thành “cha già con muộn…”, tính chuyện làm ăn gầy dựng tổ ấm nhưng “ông trời chẳng phù hộ” nên anh đành chia tay với xứ sở của mình để tìm vùng đất mới-Chư Sê này, giờ chưa hết nghèo nhưng cuộc sống đã ổn định, không đủ đầy nhưng ở đây cũng có anh có em, tối lửa tắt đèn còn có nơi nương tựa… anh cười rung lên cả hàm râu, mái tóc bạc phơ làm tôi cũng bớt chạnh lòng khi từ giã gia đình anh.

 

*
Anh Đặng Phong giờ là Đại tá-Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh khi biết tôi tìm anh Đặng Đạo của anh, và là người “trong cuộc” là người “cùng thời” của anh Đạo nên anh ấy đã sẵn sàng chỉ dẫn. Kết thúc “cuộc tìm kiếm” không mấy khó khăn hôm 24-7-2012, ngồi lại với nhau quanh cốc bia, bao câu chuyện đời cũ mới như sắp sẵn trong từng người của chúng tôi cứ vậy mà… tuôn ra, chủ đạo của sự “tuôn ra” ấy cứ xoay quanh chuyện về ngày 27-7.

Năm tháng sẽ làm cho những vết thương chiến tranh lành lại, cuộc sống thường nhật bộn bề sẽ làm vơi đi nỗi đau của quá khứ, nhưng có một sự không thể được quên, không thể để lu mờ theo thời gian, đó là công ơn của những người đã ngã xuống cho chúng ta hưởng an bình hạnh phúc-ấy cũng là một trong những câu chuyện “đậm nét” giữa chúng tôi với Đặng Phong-một trong những người con của cụ Đặng Để đã noi gương gia đình và thành đạt trên cương vị được giao đảm trách trong thời xây dựng hòa bình!

Bích Hà

Có thể bạn quan tâm