Bài 1: Trạm đạt chuẩn mà chưa chuẩn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Công tác xây dựng xã đạt chuẩn quốc gia về y tế đã được thực hiện tại Gia Lai từ năm 2005 đến nay; hiện tổng số xã, phường, thị trấn (gọi chung là xã) đạt tiêu chí quốc gia về y tế là 84/222 xã (chiếm tỷ lệ 38%), trong đó, 64 xã được công nhận theo tiêu chí cũ và 20 xã được công nhận theo tiêu chí mới. Tuy nhiên, có một thực tế là, ngay cả những xã đã được công nhận đạt chuẩn (chủ yếu theo tiêu chí cũ) thì hiện nay cơ sở vật chất đã xuống cấp, trang-thiết bị, máy móc khám-chữa bệnh lạc hậu, chưa được bổ sung, một số trạm còn thiếu bác sĩ...

Cái khó của huyện điểm

Ngay từ khi bắt đầu triển khai thực hiện công tác xây dựng xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế trên địa bàn tỉnh, ngành Y tế đã chọn Kbang là huyện điểm, do đó các cấp ủy đảng, chính quyền huyện Kbang và Sở Y tế đã có sự quan tâm, đầu tư cho công tác này. Theo đó, UBND huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện; Huyện ủy đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện về chỉ tiêu này, phấn đấu đến năm 2015 có 100% xã đạt. Hiện nay, 100% xã đều đã thành lập Ban Chỉ đạo chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trên địa bàn huyện hiện có 1 trung tâm y tế huyện, 1 trung tâm y tế dự phòng, 14 trạm y tế xã (riêng Trạm Y tế thị trấn chưa xây dựng); tổng số cán bộ y tế xã trên địa bàn huyện là 75 người, trong đó: 13 bác sĩ, 21 y sĩ, 28 điều dưỡng và 15 nữ hộ sinh; 100% thôn, làng, tổ dân phố có nhân viên y tế hoạt động và được bồi dưỡng chuyên môn theo quy định.
 

Khám-chữa bệnh cho người dân tại Trạm Y tế xã Nghĩa An, huyện Kbang. Ảnh: T.B
Khám-chữa bệnh cho người dân tại Trạm Y tế xã Nghĩa An, huyện Kbang. Ảnh: T.B

Tính đến tháng 9-2013, Kbang có 12/14 xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế (trong đó 8 xã được công nhận theo tiêu chí cũ, 4 xã công nhận theo tiêu chí mới), đạt 85,7% (chỉ còn xã Krong và thị trấn Kbang chưa đạt); là huyện có tỷ lệ xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế cao thứ 2 toàn tỉnh (sau TP. Pleiku: 18/23 xã). Cơ sở vật chất, trang-thiết bị và điều kiện làm việc ở xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu chăm sóc, khám-chữa bệnh ban đầu cho nhân dân từ tuyến cơ sở trên địa bàn.

Tuy nhiên, theo báo cáo của ngành Y tế huyện Kbang cho thấy, ở hầu hết các trạm y tế xã đạt chuẩn theo tiêu chí cũ hiện nay, cơ sở vật chất đã xuống cấp, trang-thiết bị, máy móc khám-chữa bệnh lạc hậu, chưa được bổ sung, nếu xét theo tiêu chí mới thì nhiều chỉ tiêu không đạt yêu cầu. 100% trạm y tế của huyện chưa được trang bị các loại máy móc thiết yếu theo quy định như máy điện tim, máy siêu âm đen trắng xách tay, máy đo đường huyết. Xã Nghĩa An đã được công nhận xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế năm 2012 nhưng hiện nay không có bác sĩ, không được trang bị máy móc tối thiểu theo quy định.

Tỷ lệ xã đạt chuẩn quốc gia về y tế thấp

Tìm hiểu thực tế tại huyện Chư Pưh của Đoàn giám sát cho thấy, hiện nay trên địa bàn huyện có 1 trung tâm y tế, 1 trung tâm y tế dự phòng, 8 trạm y tế xã, toàn huyện có 7 bác sĩ (trong đó có 3 bác sĩ làm công tác quản lý, 4 bác sĩ vừa làm công tác khám-chữa bệnh tại Trung tâm Y tế huyện, vừa luân phiên phụ trách trạm y tế từ 2 đến 3 ngày/tuần); 35 y sĩ, dược sĩ; 2/8 trạm y tế có y sĩ y học cổ truyền, 82 nhân viên y tế thôn làng hoạt động tại 82 thôn, làng, đạt 100%. Số xã đạt tiêu chí quốc gia: 3/8 xã (1 xã công nhận theo tiêu chí cũ, 2 xã công nhận theo tiêu chí mới), đạt tỷ lệ 37,5%; hiện đang phấn đấu đến cuối năm 2013 có thêm 2 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế.

Tuy nhiên, đối với thực trạng của huyện hiện nay, nhân lực cần và đủ để đạt trong bộ tiêu chí còn hạn chế, đặc biệt là đội ngũ y-bác sĩ, ngay cả ở các xã đạt chuẩn quốc gia về y tế thì vẫn chưa có bác sĩ làm việc thường xuyên tại trạm); cơ sở vật chất, trang-thiết bị yếu, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt thấp (70%), tỷ lệ nhân viên y tế thôn, làng chưa qua đào tạo còn nhiều, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng còn cao (21,37%).

Tại huyện Chư Sê, việc xây dựng xã đạt chuẩn quốc gia về y tế còn gian nan hơn khi cả huyện mới chỉ có duy nhất xã Ia Blang được công nhận đạt chuẩn vào năm 2006, theo bộ tiêu chí cũ (đạt tỷ lệ 7%) nhưng hiện nay Trạm Y tế xã Ia Blang không có bác sĩ, chưa có trạm trưởng, các điều kiện khác chưa được đầu tư xây dựng để đạt theo tiêu chí mới.  Bên cạnh đó, cơ sở vật chất tại 14 trạm y tế xã đều đang trong tình trạng xuống cấp, chưa có kinh phí đầu tư, sửa chữa, hầu hết các trạm y tế đều thiếu các phòng chức năng; máy móc, trang-thiết bị không đảm bảo được điều kiện chăm sóc, khám-chữa bệnh ban đầu cho nhân dân. Hiện huyện đang phấn đấu đến hết năm 2015 xây dựng được 4 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế.

Lãnh đạo Sở Y tế cho biết: Đến tháng 9-2013, tuyến tỉnh có 5 bệnh viện, tuyến huyện có 17 trung tâm y tế, tuyến xã có 222/222 xã có trạm y tế (7 trạm y tế chưa có nhà trạm); toàn ngành có 4.292 cán bộ y tế (trong đó 608 bác sĩ (238 bác sĩ có trình độ sau đại học), 298 dược sĩ (30 dược sĩ đại học), bác sĩ công tác tại trạm y tế thường xuyên và tăng cường là 157 bác sĩ) đạt tỷ lệ 70,72%, 100% trạm y tế có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi, có 2.085 nhân viên y tế thôn làng/2.160 thôn, làng, tổ dân phố.

Cho dù công tác xây dựng xã đạt chuẩn quốc gia về y tế đã được thực hiện tại tỉnh ta từ năm 2005 đến nay nhưng hiện tổng số đơn vị đạt tiêu chí quốc gia về y tế là 84/222 xã (chiếm tỷ lệ 38%). So với các tỉnh trong cả nước nói chung và các tỉnh trong khu vực miền Trung-Tây Nguyên thì tỷ lệ xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế của tỉnh ta còn thấp.

Thái Bình

Có thể bạn quan tâm