Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Bài cuối: Truy tìm nguồn gốc gỗ lậu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Để vận chuyển gỗ bằng đường thủy về tập kết tại địa bàn xã Ia Khai (huyện Ia Grai), lâm tặc chỉ có thể khai thác rừng 2 bên hồ. Phóng viên Báo Gia Lai đã ngược dòng Sê San lên thượng nguồn truy tìm dấu vết gỗ và phát hiện một điểm lâm tặc khai thác gỗ ở rừng Chư Pah.

Ngược Sê San tìm gỗ

Theo nguồn tin mà chúng tôi có được, để vận chuyển gỗ về vị trí tập kết tại hồ Sê San, lâm tặc đã dùng xà lan và thuyền loại lớn kéo gỗ trên lòng hồ. Sáng 4-1, được sự giúp đỡ của Công ty Thủy điện Sê San 3A và lãnh đạo huyện Ia Grai, chúng tôi đi ca nô ngược lên thượng nguồn tìm địa điểm khai thác gỗ trái phép.

 
Bến tập kết gỗ tại suối Nước Ly giáp ranh giữa huyện Chư Pah và Ia  Grai. Ảnh: V.H
Bến tập kết gỗ tại suối Nước Ly giáp ranh giữa huyện Chư Pah và Ia Grai. Ảnh: V.H

Hơn 30 phút ngược dòng Sê San, chiếc ca nô rẽ vào nơi giáp ranh giữa huyện Ia Grai và Chư Pah. Trên đường đi, nhiều can nhựa trắng treo ở một số gốc cây bên hồ, dấu hiệu của việc lâm tặc chỉ dẫn luồng lạch để thuận tiện cho xà lan vận chuyển gỗ vào ban đêm. Vào sâu trong suối Nước Ly chừng 2 km, chúng tôi phát hiện khu vực tập kết gỗ. Đây là tiểu khu 227 (xã Ia Kreng, huyện Chư Pah) thuộc lâm phần của Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ia Ly.

Bến tập kết gỗ suối Nước Ly khá hoành tráng, được xe ủi, xe múc san phẳng, thoáng đãng, vẫn còn vết bánh xe cơ giới vận chuyển gỗ. Ngay tại mép nước, hàng chục lóng gỗ nổi lều phều. Cuối buổi sáng 4-1, chúng tôi tình cờ gặp ông Vũ Văn Thảo-Phó Trưởng ban Quản lý Rừng phòng hộ Ia Ly. Khi chúng tôi hỏi về số gỗ ở bến này thì ông bảo chưa phát hiện. Chúng tôi dẫn ông Thảo đến và đếm được 16 lóng gỗ đường kính 40-60 cm, một lóng dài 2 m, còn lại 4-6 m, lâm tặc chưa kịp tẩu tán. Phía trên bãi tập kết là con đường dẫn lên tiểu khu 227. Dấu vết xe in rõ trên mặt đường mới rợi. Lâm tặc mở đường, đưa máy múc gia cố những vị trí xói lở. Cách bến tập kết gỗ ở mép hồ chừng 100 m, một lán trại dựng lên với 4 chiếc võng mắc đó, lửa vẫn lên khói, ấm nước đang sôi nhưng không thấy ai.

Đi sâu vào rừng, con đường ngoằn ngoèo, dốc dựng đứng vẫn còn những dấu vết của lâm tặc như: can đựng dầu, vỏ thuốc lá, dấu bánh xe… Theo tìm hiểu của chúng tôi, phải dùng xà lan hoặc thuyền thì mới vào được tiểu khu 226 và 227.

Phó Trưởng ban Quản lý Rừng phòng hộ Ia Ly cho biết: Các ông cũng nhận được nguồn tin nên cho người đi kiểm tra. Khi chúng tôi lên rừng thì gặp nhóm cán bộ Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ia Ly đi ngược lại. Chúng tôi hỏi số gỗ phát hiện trên rừng là bao nhiêu thì một người cho rằng tổng cộng 10 lóng. Tuy nhiên, khi chúng tôi yêu cầu đưa số liệu thống kê ghi chép thì thấy số đã đo đếm đến 40 lóng gỗ đường kính 25-60 cm, dài 2-8 m, đa số gỗ đường kính 40-50 cm, dài 5-6 m, lâm tặc vẫn chưa kịp vận chuyển xuống. Không biết lâm tặc giấu những chiếc xe có dấu vết lên núi sáng 4-1 và xà lan vận chuyển gỗ ở đâu?

 

Con đường lâm tặc mở để lên rừng khai thác gỗ. Ảnh: V.H
Con đường lâm tặc mở để lên rừng khai thác gỗ. Ảnh: V.H

Cơ quan chức năng nói gì?

Sau khi phát hiện vụ phá rừng và tập kết gỗ trái phép trên địa bàn huyện Chư Pah, chúng tôi đã có buổi làm việc với lãnh đạo huyện để tìm hiểu thêm sự việc. Ông Nguyễn Ngọc Quang-Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Lãnh đạo huyện đã nhận được thông tin về vụ phá rừng này. Chúng tôi đã chỉ đạo lực lượng Công an, Kiểm lâm và đơn vị chủ rừng đến hiện trường để tiến hành đo đếm và điều tra vụ việc. Tuy nhiên, các tiểu khu 226, 227 nằm trên địa bàn xã Ia Kreng, thuộc lâm phần của Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ia Ly, sát với huyện Ia Grai nên rất khó tiếp cận. Đến được vị trí này phải dùng thuyền hoặc ca nô đi trên hồ Sê San 3A, sau đó mới lên rừng. Hiện nay, UBND huyện đang tính các phương án đưa lượng gỗ này ra khỏi rừng nhưng rất khó khăn vì phải có xà lan chở người và phương tiện vào kéo gỗ. Để bảo vệ khu vực này, huyện sẽ thành lập tổ liên ngành chốt chặn, tránh tình trạng lâm tặc vận chuyển gỗ ra khỏi địa bàn.

Liên tục những tháng gần đây, địa bàn do Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ia Ly và một số nơi khác ở Chư Pah xảy ra nhiều vụ phá rừng. Ông Nay Vân-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Chư Pah, cho biết: Lực lượng chức năng đã tiến hành đo đếm số gỗ bị lâm tặc chặt hạ. Hiện nay, các lực lượng của huyện và tỉnh vẫn đang tiến hành đo đếm, khám nghiệm hiện trường để điều tra xử lý vụ việc.

 

Trong năm 2017, các lực lượng chức năng huyện Chư Pah phát hiện 24 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, khối lượng gỗ vi phạm là hơn 210 m3. Cơ quan chức năng đã xử lý hành chính 19 vụ, xử lý hình sự 4 vụ và 1 vụ đang tiếp tục điều tra.

Ông Phạm Thành Phước-Trưởng ban Quản lý Rừng phòng hộ Ia Ly thì than thở: Địa điểm lâm tặc khai thác và tập kết gỗ rất hiểm yếu, đơn vị không có phương tiện đường thủy, nếu muốn đi kiểm tra phải thuê thuyền. Cùng với đó, khu vực này không có sóng điện thoại nên đơn vị gặp không ít khó khăn trong việc quản lý.

Chắc chắn số lượng gỗ đã bị chặt hạ ở tiểu khu 227 của Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ia Ly sẽ không dừng lại ở con số mà chúng tôi phát hiện. Rất mong các cơ quan chức năng sớm vào cuộc làm rõ.

Nhật Cường - Vĩnh Hoàng

Có thể bạn quan tâm