Thời sự - Bình luận

"Bài toán bánh quẩy" và đồng lương còm đến độ phải hoãn cả sinh con

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sự biến mất của những đồng 200, 500 đang cho thấy mức độ mất giá của đồng tiền. Trong khi đó, lương tối thiểu vùng 2 năm qua chưa hề được “điều chỉnh”.

 

Việc tăng lương tối thiểu vùng đã bị hoãn suốt 2 năm qua khiến công nhân lao động rất chật vật. Món nợ này không thể kéo dài thêm nữa. Ảnh: Phương Chi


“Trước đây, 1.000 đồng mua được 5 cái quẩy. Hiện nay, 1.000 đồng chỉ còn mua được 4 cái. Hỏi giá quẩy tăng hay giảm bao nhiêu %”.

Đây là một bài toán tính % rất phổ thông. Dẫu không xác định rõ thời điểm “trước đây” và “hiện nay”, nhưng có một con số % rất quan trọng, đáp án của bài toán: Giá quẩy đã tăng 20%.

Còn câu trả lời bây giờ, năm 2022, là 1.000 đồng không còn mua nổi một cái quẩy nữa. Giá phổ biến hiện 5.000 đồng/3 chiếc.

Đã từ lâu rồi những tờ 200 đồng, 500 đồng đã biến mất khỏi lưu thông. Trên lý thuyết, nó vẫn có giá trị, nhưng thực tế thì chỉ còn dùng để đi lễ được mà thôi.

Sự biến mất của những đồng tiền mệnh giá thấp cho thấy ảnh hưởng ghê gớm của bão giá đối với thu nhập của người lao động.

Cái quẩy, cũng như mớ rau, con cá, lạng thịt, gói mì, chai dầu…những hàng hoá thiết yếu chỉ trong mấy tháng đầu năm đã tăng giá ở mức “hai con số” %.

Riêng xăng dầu, đã tăng gấp đôi, tăng 200% so với cùng kỳ năm ngoái.

Với người lao động, bão giá là “bình xăng đi lại”: Trước, chỉ cần 200.000 đồng đi cả tháng, giờ thì phải 400.000 đồng.

Bão giá, là giá phòng trọ: Trước chỉ 1,2 triệu đồng/tháng, giờ 1,3 triệu đồng/tháng.

Còn bữa cơm, giờ phải đối phó với bão giá bằng cách: Mớ rau muốn chia đôi.

Theo một khảo sát của Liên đoàn Lao động TP.HCM, có tới 42% công nhân cho biết đang “sống thiếu thốn”.

Thiếu thốn, đến mức “không tiết kiệm được gì từ tiền lương”. Thiếu thốn, ở nghĩa không có khoản nào để chi cho những sự cố bất thường.

Thiếu thốn, đến độ phải thường xuyên phải vay nợ, kể cả “tín dụng đen” để bù đắp thiếu hụt.

Và có những người thiếu đến mức phải hoãn cả sinh con.

Việc lương tối thiểu vùng “hoãn tăng” suốt 2 năm qua và nguy cơ cả năm nay nữa, vì thế là rất không công bằng với người lao động.

Hôm qua, “trần” giờ làm thêm đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định nới lên 60 giờ mỗi tháng. Đó có thể là một giải pháp tháo gỡ khó một phần khó khăn cho người lao động.

Chỉ số giá tiêu dùng, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đã tăng tổng cộng 18% trong 5 năm, từ 2016-2021. Riêng 2 tháng đầu năm nay, đã tiếp tục tăng đến 1,68%.

Trước cơn "bão" giá, phải là tăng lương - không thể trì hoãn thêm nữa, để bù đắp một phần khó khăn cho người lao động; Chứ sao có thể chỉ “bù” bằng việc bán thêm sức, bán mồ hôi ngoài giờ mãi được.

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/bai-toan-banh-quay-va-dong-luong-com-den-do-phai-hoan-ca-sinh-con-1026780.ldo
 

Theo Anh Đào (LĐO)

Có thể bạn quan tâm