Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Ban Chấp hành Đảng bộ Gia Lai:Bàn giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sáng 29-9, Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ X (mở rộng) bước sang ngày làm việc thứ 2 . Các đại biểu tiếp tục thảo luận và bàn nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong thời gian tới. 
Chủ trì ngày thảo luận tại hội trường có các đồng chí: Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Hồ Văn Niên-Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Tỉnh ủy.
“Nóng” lĩnh vực xây dựng cơ bản
Theo tổng hợp phiên thảo luận tại các tổ chiều 28-9, các đại biểu đã tập trung phân tích và đề xuất các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc giao chỉ tiêu trong xây dựng nông thôn mới; tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản; tình trạng vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả các loại hình dịch vụ và du lịch trên địa bàn; vấn đề xây dựng hệ thống chính trị cơ sở; sự phối hợp giữa các sở ngành chưa thật sự đồng bộ, còn nhiều bất cập gây khó khăn cho nhà đầu tư trong quá trình làm thủ tục, hồ sơ thực hiện dự án…
Các đại biểu tham gia bàn giải pháp
Các đại biểu tham gia bàn giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã của tỉnh trong thời gian tới. Ảnh: M.N
Đặc biệt, nhiều đại biểu cho rằng, tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản tại một số địa phương còn chậm. Nguyên nhân là do thời gian hoàn tất thủ tục xây dựng, thẩm định hồ sơ, vướng mắc trong giải quyết mặt bằng, năng lực của một số nhà thầu còn yếu kém. Thông tin về vấn đề này, ông Hồ Phước Thành-Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Hiện trên địa bàn tỉnh có 113 dự án đang triển khai thực hiện, trong đó có 42 dự án đã được cấp quyết định đầu tư và 49 dự án đang được nhà đầu tư quan tâm, đăng ký thực hiện. Trong số này, có đến 11 dự án đang vướng ở khâu giải phóng mặt bằng để bàn giao cho nhà đầu tư. 
Làm rõ những vướng mắc trên, ông Phạm Duy Du-Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, một số dự án đầu tư chưa có mặt bằng nên khi triển khai thực hiện một số địa phương phải tiến hành các thủ tục thu hồi đất, thậm chí phải áp dụng các biện pháp cưỡng chế. Trong khi đó, thời gian thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai là 180 ngày nên các trình tự, thủ tục thu hồi, cưỡng chế mất rất nhiều thời gian, gây ảnh hưởng đến quá trình giải phóng mặt bằng. Việc bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất được áp theo khung giá nhà nước, trong khi người dân lại đòi hỏi phải theo giá thị trường dẫn đến ách tắc. “Nhiều dự án triển khai nhưng chưa có quy hoạch hoặc đã có quy hoạch rồi nhưng khi giao cho nhà đầu tư thì họ lại xin điều chỉnh quy hoạch dẫn đến thời gian kéo dài”-ông Du cho biết.  
Tại phiên thảo luận tại hội trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương làm rõ hơn những nội dung liên quan đến vấn đề thu hút đầu tư, lĩnh vực đất đai, quy hoạch, xây dựng các dự án đầu tư. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành, tuyến quốc lộ 19 sẽ được thi công vào năm 2019 và hoàn thành trong năm 2021, do vậy đề nghị 7 huyện dọc theo tuyến đường này cần sớm triển khai các biện pháp chỉ đạo, tập trung tháo gỡ ách tắc về giải phóng mặt bằng. Cùng với đó, dự án quốc lộ 25 cũng đang trình Quốc hội với tổng kinh phí khoảng 850 tỷ đồng; đường 662 đoạn qua địa bàn huyện Ia Pa đã được Bộ Giao thông-Vận tải chấp nhận đưa vào đường quốc lộ và bố trí vốn gần 50 tỷ đồng làm 9 km đường nhựa. Đáng chú ý là dự án đầu tư năng lượng điện mặt trời đầu tiên của tỉnh đã được Bộ Công thương chấp thuận với tổng kinh phí đầu tư trên 1.400 tỷ đồng, dự kiến sẽ tạo ra những tác động rất lớn đối với phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Nhiều giải pháp tháo gỡ
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang yêu cầu các Sở, ngành, địa phương
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang chỉ đạo các Sở ngành, địa phương trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các giải pháp để thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển. Ảnh: M. N
Tại hội nghị, nhiều đại biểu đã đề nghị UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo việc rà soát, quy hoạch các loại cây trồng; nghiên cứu đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất giống cây trồng trong tỉnh đảm bảo về chất lượng. Trước băn khoăn của đại biểu về công tác giao khoán quản lý, bảo vệ rừng, ông Trương Văn Đạt-Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Kbang cũng đặt câu hỏi liệu việc giao khoán bảo vệ rừng theo cộng đồng như lâu nay có phù hợp? Theo ông Đạt, tỉnh nên nghiên cứu mô hình khoán bảo vệ rừng cho từng hộ và có phân định rõ ràng để trách nhiệm của chủ rừng, các hộ giao khoán được nâng lên. “Với việc giao khoán rừng theo kiểu cộng đồng tôi cho rằng trách nhiệm không cao, nếu để mất rừng thì rất khó xử lý. Ngoài ra cần tính đến việc thanh kiểm tra diện tích rừng, đánh giá lại công tác cán bộ tại các công ty lâm nghiệp, xử lý nghiêm các vụ vi phạm”-ông Đạt nêu rõ. 
Trước ý kiến thảo luận của các đại biểu, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang cũng có nhiều trăn trở liên quan đến việc làm trong sạch đội ngũ bảo vệ rừng; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư dự án năng lượng gió, năng lượng mặt trời trên địa bàn; công tác tháo gỡ vướng mắc trong việc giải phóng mặt bằng, các dự án du lịch vào địa bàn và giải pháp phát triển du lịch trong thời gian tới; việc giải quyết đất ở, đất sản xuất cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số; giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo cơ sở của các chi bộ thôn làng… 
tham gia
Đại biểu Phạm Duy Du-Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng một số dự án đầu tư chưa có mặt bằng nên khi triển khai thực hiện một số địa phương phải tiến hành các thủ tục thu hồi đất. Ảnh: M.N
Phát biểu bế mạc hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang cho rằng, từ nay đến cuối năm rất nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ đặt ra phải hoàn thành, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp để thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển; khẩn trương hoàn thành việc xây dựng chỉ tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Chủ động kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình tham gia trồng rừng sản xuất. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, phấn đấu 22 xã đã đăng ký sẽ đạt chuẩn và TP. Pleiku hoàn thành chương trình nông thôn mới trong năm 2017…
“Ngay sau Hội nghị này, đề nghị các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội tùy theo chức trách, nhiệm vụ và phạm vi trách nhiệm của mình mà phát huy tinh thần đoàn kết nhất trí, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ đã đề ra”-Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang nhấn mạnh.
Sau 2 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Hội nghị lần thứ X Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV đã hoàn thành nội dung, chương trình đề ra. Các đại biểu đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng trong việc bàn các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.
Minh Nguyễn

Có thể bạn quan tâm