Báo xuân

Ban Lung ngày cuối năm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Còn hai ngày nữa là Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013 nên khác với những ngày trong năm, chuyến xe đò từ Pleiku sang Ban Lung chỉ lèo tèo vài người khách. Không khí lành lạnh và cái ồn ào vội vã ngày cuối năm như đã để lại phía sau-thị trấn Chư Ty của huyện biên giới Đức Cơ.

Sáng Xuân, nắng ấm dù trời vẫn còn sương. Con đường từ Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh chạy dài qua Ozadav, Borkeo xanh mởn lộc non và chồi biếc những vườn đào lộn hột, hồ tiêu, cà phê hai bên đường.

 

Phố Ban Lung. Ảnh: Nguyên Anh
Phố Ban Lung. Ảnh: Nguyên Anh

Ban Lung là thành phố tỉnh lỵ của tỉnh Rattanakri cách biên giới Việt Nam-Campuchia hơn 70 km đã phát triển rất nhanh trong khoảng chục năm trở lại đây với sự xuất hiện của nhiều doanh nghiệp Việt Nam sang trồng cao su, khai thác lâm sản và khoáng sản. Riêng kiều bào có khoảng trên 700 hộ, phần lớn đều từ các tỉnh miền Tây nam bộ sang đây từ những năm 70-80 thế kỷ trước, người sang muộn hơn cũng đã trên dưới chục năm. Tuy sống xứ người đã lâu nhưng bà con vẫn giữ phong tục, tập quán như ở quê nhà, nhất là trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc.

Thấy chúng tôi bước qua cổng, chị Bảy đang lúi húi trên chiếc phản gỗ kê ngoài sân lập tức ngừng tay đon đả mời chúng tôi vào nhà. Tôi lại gần, chị đang chuẩn bị mấy thứ cho mâm cỗ: một con gà vừa vặt xong lông, mấy củ hành tây, miếng thịt heo… Rót nước mời khách, chị Bảy phân trần: năm nay ở lại nên cũng phải chuẩn bị mấy món để cúng ông bà!

Anh Phạm Văn Ninh được bà con tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Việt kiều tỉnh Rattanakiri đã hơn 2 năm nắm rất rõ gia cảnh của từng gia đình người Việt ở thành phố Ban Lung giải thích thêm cho tôi: Chị Châu Thị Liên (tên thường gọi là chị Bảy) quê ở huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Chị tham gia cách mạng từ năm 1968 (làm y tá) ở huyện A 20, Đồng Tháp. Năm 2000, gia đình có chuyện đau buồn (con trai chị bị tai nạn mất) rồi có người bà con mời sang.

Đất lành, chim đậu, thấy ở đây làm ăn được, vậy là anh chị thuê nhà ở và “nấn ná” đã 12 năm. Cứ đến Tết thì về Đồng Tháp, riêng năm nay thêm gia đình cô con gái sang đây mở tiệm uốn tóc nên cả nhà quyết định ở lại ăn Tết bên này. “Vậy là mấy ngày nay công việc cứ búi lên, hổng lo hổng được chú à, Tết mà!”-chị Bảy cười. Đã ngoài lục tuần, người phụ nữ từng trải qua cuộc kháng chiến chống Mỹ gian khổ và đã sang xứ người hơn chục năm nhưng vẫn giữ nguyên nét mộc mạc của người miền Tây Nam bộ, giờ nhận thêm công việc không lương: Phó Chủ tịch Hội Việt kiều tỉnh Rattanakiri.

 

Tác giả trên phố người Việt ở Ban Lung. Ảnh: Nguyên Anh
Tác giả trên phố người Việt ở Ban Lung. Ảnh: Nguyên Anh

Chị Bảy tặc lưỡi: Chị còn khỏe, bà con thương nên bầu mình làm, mình cũng phải cố gắng? Thì ra Hội Việt kiều Ratanakiri “mạnh” như nhiều người nhận xét là có sự góp phần của những con người này đây, là anh Ninh có thể quên về nhà nhiều ngày liền để cùng kiều bào lo việc đưa tiễn hài cốt Quân Tình nguyện Việt Nam hồi hương, đón cán bộ Tổng hội ở Phnom Pênh về làm việc; chuyện làm khai sinh của mấy cháu mới sinh; là chị Bảy “đảm đang” với những công việc hậu cần không tên…

Rời nhà chị Bảy, anh Ninh đưa tôi qua xóm chợ, vào thăm nhà anh Nguyễn Nhạn. Bàn thờ đã được anh bày biện trang nghiêm, hai bên treo hai câu liễn bằng giấy. Anh Nhạn quê gốc ở Tây Ninh, năm 1980 sang làm ăn ở Phnom Pênh rồi mới sang Ban Lung vài năm nay.

Anh có một cơ sở gia công đồ mộc mỹ nghệ, chủ yếu là bàn ghế, đôn… toàn gỗ nhóm một. Chà nhám, đánh bóng, phun PU mặt bàn (đường kính 1,2-1,3 mét, dày hơn 10 cm) mỗi chiếc 20-30 USD, đôn thì ít hơn, chỉ 5 USD. Tuy vậy theo anh nói thì “thu nhập cũng được!”. Chúng tôi tiếp tục sang thăm nhà anh Hồ Ngọc Tuấn gần khu chợ Ban Lung.

Tuấn người Tây Sơn, Bình Định, trước đi thanh niên xung phong làm đường bên này. Sau đó về quê, đến năm 1989-1990 qua Ban Lung lập nghiệp. Gia cảnh anh khá sung túc: vợ anh có một sạp hàng trong chợ, còn nhà anh một gian bán cà phê (khách khá đông), gian kia cho một gia đình người Việt thuê lại bán phở. Vẫn bán hàng như ngày thường nhưng bàn thờ gia tiên được anh bày giữa nhà ở phía trong, trên bàn thờ chưng bánh và hoa quả, nghi ngút khói hương. Nếu không có những tấm biển quảng cáo bằng chữ Khơ-me treo hai bên tường nhà, tôi cứ tưởng mình đang ở Gia Lai.

Vòng qua bãi đỗ xe khách, gặp lại anh Chín Biển, người tôi quen hai tháng trước khi mới qua Ban Lung lần đầu. Vẫn nhanh nhẹn như mọi khi, Chín Biển cho biết nhà anh và một số gia đình nữa đã hùn nhau từ trước để nấu bánh chưng “năm nay không đặt mua nữa, làm nhiều để cúng ba ngày Tết và cho sắp nhỏ ăn luôn”, gói xong cả rồi, chiều nay là nổi lửa.

Dạo hết mấy con phố người Việt ở Ban Lung, tuy nhà nào cũng chuẩn bị Tết khá tươm tất nhưng không thấy không khí ngày cuối năm như ở bên ta. Thiếu tiếng còi xe inh ỏi, thiếu hình ảnh tất bật của người đi mua sắm, vội vội vàng vàng mà vẫn cảm thấy như quên chưa mua gì…

Tết này khác với những Tết trước là bà con chuyền nhau mấy tờ báo Xuân Gia Lai do Ban Biên tập báo Gia Lai gởi xe khách Minh Trang chạy tuyến Pleiku-Ban Lung đưa sang (từ tháng 10-2012, báo Gia Lai gởi báo biếu Hội Việt kiều Rattanakiri mỗi kỳ báo 5 tờ). Nhiều người tâm sự, nhờ đọc báo biết được đời sống đồng bào Gia Lai ngày càng khấm khá, bà con rất mừng. Và trong câu chuyện, không ít người bùi ngùi nhắc đến quê nhà bởi Tết Việt ở Ban Lung khá buồn. Mặc dù bà con vẫn tổ chức cúng rước ông bà, vẫn bánh tét, bánh chưng, hạt dưa, vẫn sang nhà thăm hỏi nhau và nâng ly rượu mừng Xuân song vẫn cảm thấy như thiêu thiếu một cái gì.

Phải rồi, đó là quê hương!

Thanh Phong

Có thể bạn quan tâm