Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm việc tại huyện Chư Pưh và Đak Đoa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 18-10, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Chư Pưh và Đak Đoa để đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ thời gian qua và triển khai các giải pháp trong thời gian tới. Các đồng chí: Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Hồ Văn Niên-Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì các buổi làm việc. Tham dự buổi làm việc còn có lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.

Chư Pưh cần khắc phục một số tồn tại, hạn chế

 

Ảnh: Vĩnh Hoàng
Ảnh: Vĩnh Hoàng

Trong 9 tháng năm 2016, huyện Chư Pưh đã đạt và vượt một số chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, huyện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới như: Toàn huyện mới chỉ có 30% chi bộ, thôn, làng có cấp ủy; 31 hộ gia đình có công khó khăn về nhà ở; tình trạng xâm lấn đất rừng vẫn diễn ra; tai nạn giao thông tăng cả 3 tiêu chí…

Bí thư Huyện ủy Nguyễn Tư Sơn khẳng định: Thời gian tới, Ban Thường vụ Huyện ủy sẽ chỉ đạo các tổ chức cơ sở Đảng tăng cường công tác kết nạp đảng viên, đào tạo bồi dưỡng cán bộ cơ sở. Trong năm 2016, huyện sẽ xây dựng 14 ngôi nhà cho các đối tượng có công khó khăn về nhà ở, số còn lại huyện sẽ bố trí vốn và xây dựng vào năm 2017. Bí thư Huyện ủy Chư Pưh cũng đề nghị tỉnh cấp 3,5 tỷ đồng để nâng cấp đường giao thông tại xã Chư Don.

Về thực trạng lấn chiếm đất rừng, Chủ tịch UBND huyện Lưu Trung Nghĩa cho rằng: Huyện có diện tích rừng tiếp giáp với nhiều địa phương nên dân huyện Phú Thiện, Chư Prông và Ea HLeo (Đak Lak) thường xuyên sang địa bàn xâm lấn để lấy đất sản xuất. Hiện nay, huyện có 6 xã có rừng nhưng chỉ có 2 xã được hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng.

Đại tá Đậu Văn Minh-Trưởng Công an huyện cho rằng: Tình hình an ninh chính trị trên địa bàn huyện diễn biến phức tạp là do công tác nắm tình hình chưa tốt, trong đó có trách nhiệm của Công an huyện. Số vụ tai nạn giao thông tăng là do một bộ phận nhân dân chưa nâng cao ý thức trong khi tham gia giao thông. Cùng với đó, công tác tuyên truyền ở cơ sở còn hạn chế, chưa có sự phối hợp nhịp nhàng giữa Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh và Công an huyện.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang nhấn mạnh: Cấp ủy Đảng, chính quyền cần tập trung các giải pháp để thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương phát triển. Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu huyện Chư Pưh tuyệt đối không để tiếp tục mất rừng, tích cực thu hồi đất rừng bị lấn chiếm. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo từ năm 2017 trở đi, mỗi năm huyện phải có một xã đạt chuẩn nông thôn mới, mỗi năm giảm trên 5% hộ nghèo trên địa bàn. Phát triển các mô hình tổ hợp tác và hợp tác xã kiểu mới, xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Tăng cường công tác phát triển đảng viên để mỗi năm tăng 5% thôn, làng chi bộ có chi ủy. Các cơ quan, ban, ngành của huyện tích cực đi cơ sở, bám nắm cơ sở, chăm lo đời sống cho nhân dân.

Đak Đoa tập trung giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số

 

 Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Đak Đoa. Ảnh: V.H
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Đak Đoa. Ảnh: V.H

Báo cáo tại buổi làm việc, lãnh đạo huyện Đak Đoa cho biết: Đến nay, toàn huyện gieo trồng được 2.791 ha cây trồng các loại, đạt 108% kế hoạch; chuyển đổi 6,7/15,3 ha cây trồng có khả năng ảnh hưởng do nắng hạn. Từ đầu năm đến nay, huyện đã đầu tư hơn 88 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới, có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Toàn huyện có 86 doanh nghiệp, 1.113 hộ kinh doanh cá thể. Đến nay, huyện triển khai 72 công trình xây dựng cơ bản với tổng số vốn hơn 92 tỷ đồng, đã giải ngân đạt 56% kế hoạch; thu ngân sách trên địa bàn huyện đạt hơn 30 tỷ đồng. Về hệ thống chính trị ở cơ sở, 45/156 thôn làng có trưởng thôn là đảng viên; 41/156 chi bộ thôn, làng, tổ dân phố có cấp ủy.

Mặc dù đã đạt được những kết quả khả quan, song huyện Đak Đoa vẫn còn đối diện với một số khó khăn, tồn tại. Một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số bán đất nên thiếu đất sản xuất, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số cao. Để khắc phục tình trạng này, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Hữu Thọ cho biết: Ban Thường vụ Huyện ủy đã ra nghị quyết chuyên đề về việc cấm mua bán đất trái pháp luật, cùng với đó, xây dựng mô hình người Kinh góp vốn và đồng bào dân tộc thiểu số góp đất để hợp tác trồng hồ tiêu, bước đầu đã đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Hiện nay, toàn huyện có 4.455 hộ nghèo, chiếm 17,62%, trong đó hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 91%. Về vấn đề giảm nghèo, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hồ Phước Thành cho rằng: Huyện cần đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng cơ bản; giải ngân nguồn vốn xây dựng nông thôn mới, cùng với đó cần có những giải pháp cụ thể để thành lập mới doanh nghiệp góp phần giải quyết việc làm cho người dân địa phương. Để xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Văn Quân cho rằng: Ban Thường vụ Huyện ủy cần tập trung các giải pháp phát triển đảng viên mới trên địa bàn, tăng cường công tác xây dựng các chi bộ có cấp ủy, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cơ sở để chuẩn bị nguồn cho thời gian tới.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành yêu cầu huyện Đak Đoa rà soát số lượng hộ nghèo, huy động các nguồn vốn xã hội để xây dựng nhà ở cho các gia đình chính sách, không nên trông chờ ỉ lại vào cấp trên. Phát huy, khai thác tốt công trình thủy lợi Đak Sơ Mei và vận động nhân dân hiến đất để xây dựng kênh mương dẫn nước. Phát động các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, phong trào giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo.

Kết luận buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang yêu cầu: Đến năm 2020, huyện phải có 2/3 số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Huyện cần ứng dụng khoa học công nghệ tưới tiết kiệm để tăng năng suất cây trồng, nâng cao thu nhập cho người dân. Các ban xây dựng Đảng của huyện phải vào cuộc để tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới, hiến đất làm các công trình giao thông, thủy lợi. Cùng với đó, huyện cần kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn. Cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để đảm bảo an ninh chính trị trên địa bàn, phát huy mô hình liên kết giữa người có đất và có vốn, nhân rộng các mô hình tổ hợp tác và nhân lên mô hình hợp tác xã kiểu mới.

Vĩnh Hoàng

Có thể bạn quan tâm