Kháng thuốc kháng sinh đang là mối lo của các bác sỹ, chuyên gia y tế khi số bệnh nhân nhiễm vi khuẩn kháng thuốc và đa kháng thuốc ngày càng gia tăng đến mức báo động.
Ngày càng tăng
Mới đây, bác sỹ của Bệnh viện quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh cấp cứu kịp thời một bệnh nhi sơ sinh 19 ngày tuổi bị kháng kháng sinh thế hệ mới do lây nhiễm vi khuẩn đa kháng thuốc từ gia đình, cộng đồng. Bác sỹ Đặng Thị Ngọc Chương - Khoa Hồi sức tích cực nhi của bệnh viện xác định, bệnh nhi bị nhiễm vi khuẩn gram dương kháng cả thuốc Vancomycin - một loại kháng sinh bậc cao.
Kháng thuốc kháng sinh đang là mối lo của các bác sỹ, chuyên gia y tế. |
Theo Bác sỹ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, Thành phố Hồ Chí Minh, trẻ mới 19 ngày tuổi nhiễm vi khuẩn đa kháng thuốc bậc cao là trường hợp hiếm gặp. Điều này gióng lên hồi chuông cảnh báo tình trạng kháng thuốc đang ngày càng gia tăng tại Việt Nam hiện nay.
Dẫn chứng thực tế, Bác sỹ Trương Hữu Khanh cho biết, trước đây việc điều trị các bệnh truyền nhiễm khá dễ nhưng những năm gần đây bác sỹ đã phải sử dụng nhiều loại kháng sinh bậc cao vì vi khuẩn đã kháng với nhiều loại kháng sinh. “Gặp phải vi khuẩn kháng nhiều loại kháng sinh chỉ có cách là tăng liều cao hơn. Nếu tiếp tục tăng liều thì nguy cơ đến một ngày nào đó sẽ không còn thuốc để chữa và lúc đó tỷ lệ tử vong do các bệnh truyền nhiễm chắc chắn sẽ tăng cao”, bác sĩ Khanh lo ngại.
Thừa nhận điều này, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, hầu hết các cơ sở khám, chữa bệnh ở Việt Nam đang phải đối mặt với tốc độ lan rộng các vi khuẩn kháng nhiều loại kháng sinh. Trong khi các quốc gia phát triển đang còn sử dụng kháng sinh thế hệ 1 thì Việt Nam đã sử dụng tới kháng sinh thế hệ 3 và 4.
“Tỷ lệ vi khuẩn gram âm kháng với kháng sinh carbapenem - nhóm kháng sinh mạnh nhất hiện nay lên đến 30%. Đáng lo hơn, nước ta đã xuất hiện một vài loại siêu vi khuẩn kháng lại tất cả các loại thuốc kháng sinh mà phổ biến nhất có thể kể đến là nhóm vi khuẩn gram âm đường ruột”, ông Lương Ngọc Khuê cảnh báo.
Nguy cơ không còn thuốc điều trị
PGS.TS Lê Tiến Dũng, Bệnh viện Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh cho biết, kháng thuốc kháng sinh sẽ dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng, trong đó trước mắt có thể kể đến là làm cho chi phí điều trị tăng lên, ngày điều trị kéo dài, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người bệnh. Về lâu dài, với sự lây lan nhanh chóng của các vi khuẩn đa kháng thuốc sẽ tác động không nhỏ đến sức khỏe, y tế của cộng đồng và sự phát triển của xã hội.
Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê đánh giá nguyên nhân của tình trạng kháng thuốc diễn ra ngày càng trầm trọng, phần lớn xuất phát từ việc chưa quản lý được việc mua - bán kháng sinh tự do hiện nay. Người dân có thói quen tự mua thuốc về nhà điều trị và các cửa hàng thuốc tây thì bán kháng sinh một cách tràn lan. Amoxicilin, Cephalexin, Azithromycin là 3 loại kháng sinh phổ biến trên thị trường được bán mà không cần đơn thuốc của bác sỹ. Một khảo sát của Bộ Y tế năm 2015 cho thấy, ở khu vực thành thị có đến 88% kháng sinh được bán ra mà không cần kê đơn, trong khi ở nông thôn tỷ lệ này còn cao hơn, lên đến 91%.
Mặt khác, việc sử dụng kháng sinh rộng rãi, kéo dài trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản và trồng trọt để điều trị, phòng chống dịch bệnh đã tạo điều kiện cho nhiều loại vi khuẩn kháng thuốc.
Theo TS Phạm Thị Ngọc Thảo-Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh), một nguyên nhân không kém phần quan trọng khiến tình trạng kháng thuốc gia tăng là do các bác sỹ sử dụng kháng sinh không hợp lý. Khảo sát của Bệnh viện Chợ Rẫy trong “Chương trình giám sát kháng sinh trong bệnh viện” cho thấy, có khoảng 50% kháng sinh được bác sỹ kê đơn bất hợp lý; 32% bác sỹ chỉ định sử dụng kháng sinh cho các bệnh nhân không nhiễm khuẩn; 33% bác sỹ sử dụng kháng sinh kéo dài và không cần thiết…
Trong khi tình trạng kháng thuốc kháng sinh đang gia tăng thì tốc độ sản xuất kháng sinh những năm gần đây lại đang có dấu hiệu chững lại. Theo TS Phạm Thị Ngọc Thảo, giai đoạn từ năm 2008 - 2011, thế giới chỉ nghiên cứu thêm được 2 loại kháng sinh mới; giai đoạn từ năm 2011 - 2016 có thêm 8 loại kháng sinh ra đời nhưng 8 loại kháng sinh mới này chỉ là sự kết hợp các loại kháng sinh cũ với nhau.
“Do việc nghiên cứu kháng sinh mới là vô cùng khó khăn, tốn kém và lâu dài nên việc kháng thuốc kháng sinh sẽ rất nguy hiểm cho các bệnh nhân nhiễm khuẩn nặng hay bị sốc nặng vì không có thuốc để điều trị đặc hiệu”, TS Phạm Thị Ngọc Thảo lo lắng.
Để phòng ngừa nguy cơ ngày càng xuất hiện nhiều siêu vi khuẩn kháng thuốc, từ năm 2013, Bộ Y tế đã phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về phòng chống kháng thuốc giai đoạn 2013 - 2020 nhằm đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống kháng thuốc; kêu gọi người dân nâng cao ý thức sử dụng thuốc kháng sinh hợp lý; góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh, khám bệnh, chữa bệnh.
Theo TTXVN