Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Báo động tình trạng người vị thành niên vi phạm pháp luật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời gian gần đây, tình trạng người vị thành niên vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Gia Lai có chiều hướng gia tăng cả về số vụ lẫn tính chất nghiêm trọng. Làm thế nào để ngăn chặn tình trạng này đang là nỗi trăn trở của toàn xã hội.
Con số nhói lòng
Theo thống kê của Công an tỉnh, từ ngày 16-11-2017 đến 15-5-2018, toàn tỉnh đã xảy ra 81 vụ người vị thành niên vi phạm pháp luật (tăng 4 vụ so với cùng kỳ năm 2017) với các hành vi như: giết người, hiếp dâm, cưỡng dâm, cố ý gây thương tích, trộm cắp tài sản, cướp, cướp giật tài sản, gây rối trật tự công cộng, đánh bạc, sử dụng trái phép chất ma túy... Trong đó, có 2 đối tượng dưới 14 tuổi, 33 đối tượng từ 14 đến 16 tuổi, 84 đối tượng từ 16 đến 18 tuổi. Cơ quan chức năng đã khởi tố 53 đối tượng; lập hồ sơ xử lý hành chính, kiểm điểm, giáo dục tại xã phường, đưa đi trường giáo dưỡng… 57 đối tượng; tiếp tục điều tra, xử lý 9 đối tượng. Đáng chú ý là hầu hết người vị thành niên vi phạm pháp luật đều không được học hành đến nơi đến chốn (có 8 đối tượng không biết chữ, 43 đối tượng có trình độ Tiểu học, 54 đối tượng trình độ THCS, 14 đối tượng trình độ THPT).
 Giáo dục, tuyên truyền pháp luật cho thanh-thiếu niên thông qua các sân chơi, hội thi. Ảnh: P.L
Giáo dục, tuyên truyền pháp luật cho thanh-thiếu niên thông qua các sân chơi, hội thi. Ảnh: P.L
Từ những con số trên có thể thấy, tình trạng người vị thành niên vi phạm pháp luật ở tỉnh ta đang trở thành vấn đề đáng báo động. Theo phân tích của Công an tỉnh, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó nhiều em thiếu sự quản lý, giám sát của gia đình; bị bạn bè rủ rê, lôi kéo tụ tập ăn chơi, đua đòi. Để có tiền ăn chơi, nhiều em đã đi trộm cắp, cướp giật tài sản. Đặc biệt, việc tiếp xúc quá nhiều và thường xuyên với các loại phim ảnh bạo lực, đồi trụy, các trò chơi mang tính “xã hội đen” dễ làm cho các em có những suy nghĩ, tư tưởng lệch lạc, dẫn đến hành vi phạm tội như các kịch bản trong phim, trò chơi…
Cần sự vào cuộc đồng bộ
Để chủ động ngăn chặn tình trạng người vị thành niên vi phạm pháp luật cần có sự vào cuộc của toàn xã hội. Là lực lượng gần gũi với thanh-thiếu niên, thời gian qua, các tổ chức Đoàn cơ sở trên địa bàn tỉnh đã chủ động kết nối, tạo niềm tin cho những đối tượng vị thành niên từng va vấp, sai lầm. Phần lớn đối tượng từng lầm lỡ khi trở về địa phương có tâm lý tự ti, sợ mọi người xa lánh, không ai nhận vào làm việc. Tâm lý đó ảnh hưởng đến quá trình hoàn lương của các đối tượng, nhiều người vì thế bị kẻ xấu lôi kéo vào con đường cũ. Với mục đích trao niềm tin, tạo sự gắn kết, hòa đồng, những câu lạc bộ “Thắp sáng niềm tin” trên địa bàn tỉnh đã giúp nhiều thanh niên, người vị thành niên có động lực vượt qua lỗi lầm, tái hòa nhập cộng đồng. Hiện tại, toàn tỉnh đang duy trì hoạt động của 146 câu lạc bộ, đội, nhóm “Thắp sáng niềm tin”. Từ năm 2012 đến nay, các câu lạc bộ, đội, nhóm này đã giúp đỡ, cảm hóa được 226 thanh niên chậm tiến và giúp 867 thanh niên mãn hạn tù tái hòa nhập cộng đồng.
Bên cạnh đó, toàn tỉnh hiện có 86 Câu lạc bộ “Tuổi trẻ với pháp luật”, 478 đội tuyên truyền xung kích thanh niên, đội thanh niên tình nguyện tư vấn pháp luật. Điển hình trong số này là Câu lạc bộ “Thanh niên với pháp luật” tại xã Đông (huyện Kbang, Gia Lai). Sau 2 năm đi vào hoạt động, câu lạc bộ đã thu hút được đội ngũ Bí thư, Phó Bí thư chi đoàn thôn, làng cùng đông đảo thanh niên địa phương tham gia. Chị Phùng Thị My Ni-Bí thư Đoàn xã Đông-cho biết: Thế hệ trẻ ngày nay tiếp xúc với rất nhiều thông tin tiêu cực trên mạng xã hội, dẫn đến nhận thức và hành vi bị lệch lạc. Câu lạc bộ đã tuyên truyền thanh-thiếu niên nên nhận thức đúng, tiếp nhận những thông tin chính thống của tổ chức Đoàn. Bên cạnh đó, những thành viên của câu lạc bộ xác định phải tự trau dồi kiến thức nghiêm túc chấp hành pháp luật để làm gương cho thanh-thiếu niên trên địa bàn xã noi theo.
Trao đổi với P.V, chị Hà Thị Giang Thảo-Phó Bí thư Tỉnh Đoàn-cho rằng: Tổ chức Đoàn-Hội-Đội trên địa bàn tỉnh đã chủ động triển khai nhiều phong trào phù hợp với từng lứa tuổi để tuyên truyền, giáo dục pháp luật. Đồng thời, tạo môi trường để tuổi trẻ có cơ hội rèn luyện đạo đức, hăng say học tập, sáng tạo, tránh xa những tệ nạn xã hội. Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm ở lứa tuổi vị thành niên, cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của toàn xã hội. Cùng với Đoàn Thanh niên, các cấp chính quyền địa phương cũng cần chủ động lên kế hoạch giáo dục, định hướng tư tưởng cho các em. Bên cạnh đó, gia đình chính là môi trường giữ vai trò quan trọng nhất trong định hướng, giáo dục các em nhận thức đúng, nâng cao bản lĩnh, biết tránh xa những ảnh hưởng tiêu cực đến việc phát triển nhân cách.
Phan Lài

Có thể bạn quan tâm