Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Bảo quản và phát huy giá trị tài liệu Châu bản triều Nguyễn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đề án “Bảo quản và phát huy giá trị tài liệu Châu bản triều Nguyễn - Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
 

Triển lãm văn bản hành chính Nhà nước nhìn từ Châu bản triều Nguyễn tại Thừa Thiên-Huế.

Đề án nhằm bảo quản an toàn tài liệu Châu bản triều Nguyễn, hạn chế sự hư hỏng của tài liệu nhằm gìn giữ tài liệu lâu dài; phát huy giá trị khối tài liệu Châu bản triều Nguyễn thông qua việc đổi mới và mở rộng các hình thức quảng bá, tuyên truyền nhằm giới thiệu cho công chúng trong và ngoài nước tiếp cận, hiểu được giá trị nội dung, ý nghĩa của tài liệu Châu bản triều Nguyễn; phục vụ công tác nghiên cứu lịch sử, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam; góp phần giáo dục truyền thống lịch sử và văn hóa Việt Nam cho thế hệ trẻ thông qua khối Di sản tư liệu thế giới quý hiếm này.

Giai đoạn I của Đề án từ năm 2016-2020 tổ chức thực hiện công tác bảo quản tài liệu Châu bản triều Nguyễn.

Cụ thể, tu bổ các tài liệu bị hư hỏng; xử lý tài liệu Châu bản bị hư hỏng nặng; ghi phim bảo hiểm tài liệu; bổ sung trang thiết bị bảo quản tài liệu.

Bên cạnh đó, tổ chức thực hiện công tác phát huy giá trị tài liệu Châu bản triều Nguyễn như biên soạn, xuất bản các ấn phẩm giới thiệu tài liệu; trưng bày, triển lãm ở trong nước và nước ngoài; làm phiên bản; xây dựng các bộ phim tài liệu; hội thảo chuyên đề; làm các sản phẩm quà tặng quảng bá tài liệu.

Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý, khai thác tài liệu Châu bản: Xử lý 64 cuộn microfilm do Mỹ thực hiện từ những năm 60 của thế kỷ XX để bổ sung cho những tập Châu bản gốc bị thiếu; số hóa tài liệu Châu bản; bổ sung, hoàn thiện Mục lục hồ sơ tài liệu Châu bản bằng tiếng Việt và tiếng Anh để phục vụ công tác quản lý, tra tìm và khai thác sử dụng.

Đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, kỹ thuật cho những người làm trực tiếp công tác bảo quản và phát huy giá trị tài liệu; hợp tác, trao đổi với các nước, các tổ chức quốc tế về bảo quản và phát huy giá trị tài liệu Châu bản.

Giai đoạn II của Đề án từ năm 2021-2025 hoàn thiện cơ sở dữ liệu, nâng cấp phần mềm quản lý và khai thác tài liệu Châu bản; mở rộng trang thông tin điện tử giới thiệu tài liệu Châu bản bằng tiếng Trung, tiếng Pháp; tiếp tục thực hiện trưng bày, triển lãm tài liệu; làm phiên bản; xây dựng các bộ phim tài liệu; hội thảo chuyên đề; làm các sản phẩm quà tặng quảng bá tài liệu Châu bản triều Nguyễn; giới thiệu tài liệu Châu bản triều Nguyễn vào các trường học; hợp tác trao đổi với các nước, các tổ chức quốc tế về quảng bá, phát huy giá trị di sản tư liệu thế giới; tiếp tục đào tạo bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ trực tiếp thực hiện Đề án.

Theo TTXVN

Có thể bạn quan tâm