(GLO)- Trận đại hồng thủy hoành hành trong suốt tuần qua đã cướp đi sinh mạng hàng trăm người và đẩy hàng triệu người dân miền Trung vào cảnh khốn khó, nguy nan. Ngoài chịu ảnh hưởng từ áp thấp nhiệt đới và những cơn bão hình thành từ Thái Bình Dương, nhiều người cho rằng, tình trạng ngập lụt, sạt lở đất và lũ quét tại khu vực này xuất phát từ nguyên nhân mất rừng.
Khác với khu vực duyên hải miền Trung, người dân Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng không phải đương đầu trực tiếp với những cơn bão hay áp thấp nhiệt đới ập vào từ biển cả. Tuy nhiên, những năm qua, tại một số vùng ở Tây Nguyên đã xuất hiện lũ lụt, sạt lở đất gây thiệt hại về người và tài sản. Theo dự báo của các nhà khoa học, thời tiết sẽ cực đoan hơn, thiên tai sẽ hung dữ hơn nếu những cánh rừng ở Tây Nguyên vẫn tiếp tục bị xâm hại.
Lực lượng nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng xã Ia Kreng (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) tổ chức tuần tra. Ảnh: Nguyễn Diệp |
Lâu nay, người ta thường gắn Tây Nguyên với những cánh rừng bạt ngàn nơi dãy Trường Sơn hùng vĩ. Trên thực tế, rừng Tây Nguyên là tổ hợp điều hòa khí hậu và nguồn nước cho cả khu vực duyên hải miền Trung và vùng Đông Nam Bộ. Vì vậy, những năm qua, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đến công tác bảo vệ và phát triển rừng trên cả nước, trong đó có Tây Nguyên.
Từ năm 1992, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) đã ký ban hành Quyết định số 327-CT về một số chủ trương, chính sách sử dụng đất trống, đồi núi trọc, rừng bãi bồi ven biển và mặt nước. Triển khai thực hiện quyết định này, Chính phủ và chính quyền các địa phương đã đầu tư kinh phí thực hiện nhiều chương trình, dự án phủ xanh đất trống, đồi núi trọc và trồng rừng.
Tiếp theo đó, Chính phủ đã triển khai hàng loạt chủ trương, chính sách về phát triển rừng như: thu-chi tiền dịch vụ môi trường rừng; đánh giá tác động môi trường đối với các công trình, dự án ảnh hưởng đến rừng; đầu tư kinh phí trồng rừng và trồng cây phân tán; thu hồi đất rừng bị lấn chiếm để chuyển cây trồng phù hợp mục đích lâm nghiệp và trồng rừng…
Cùng với phát triển rừng, Chính phủ cũng ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm tăng cường quản lý, bảo vệ rừng. Đặc biệt, tại Hội nghị bàn giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020 được tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột (tỉnh Đak Lak), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố đóng cửa rừng tự nhiên, không chuyển 2,25 triệu ha rừng tự nhiên còn lại sang mục đích khác kể cả các dự án được phê duyệt, trừ các dự án liên quan đến quốc phòng-an ninh; không có chủ trương chuyển rừng nghèo kiệt sang trồng cây công nghiệp.
Mặc dù Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp và đầu tư nhiều kinh phí cho công tác bảo vệ và phát triển rừng, nhưng rừng Tây Nguyên vẫn suy giảm nghiêm trọng. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và PTNT, tổng diện tích có rừng của các tỉnh Tây Nguyên là 2.559.956 ha, chiếm 17,5% diện tích có rừng cả nước. Tỷ lệ che phủ rừng toàn khu vực Tây Nguyên hiện chỉ đạt 45,92%, nhưng rừng nghèo và rừng nghèo kiệt chiếm tới 70%, diện tích rừng giàu và trung bình chỉ còn tập trung ở một số khu vực rừng đặc dụng và rừng phòng hộ đầu nguồn.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến mất rừng ở Tây Nguyên, trong đó đáng chú ý là tình trạng khai thác rừng trái phép và lấn chiếm đất rừng làm trang trại, nương rẫy diễn ra tràn lan; các công trình, dự án (trong đó có dự án thủy điện) chiếm đất rừng; việc chuyển đất rừng nghèo sang trồng cây công nghiệp… “Công cuộc” phá rừng diễn ra với tốc độ chóng mặt, trong khi đó, công tác trồng rừng vẫn đang gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường cảnh báo: “Nếu không bảo vệ được rừng thì việc phát triển kinh tế-xã hội ở khu vực Tây Nguyên sẽ rất khó khăn và chịu ảnh hưởng do thiên tai”.
Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của công tác bảo vệ và phát triển rừng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra chỉ tiêu: Trong nhiệm kỳ 2020-2025, Gia Lai phấn đấu trồng mới 40.000 ha rừng và nâng độ che phủ rừng lên 47,75%.
Đây là một trong những chỉ tiêu thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà. Vấn đề còn lại là ngành chức năng và cấp ủy, chính quyền các địa phương cần có chương trình, kế hoạch thật cụ thể, căn cơ để công tác bảo vệ và phát triển rừng đạt hiệu quả.
DUY LÊ