Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Bất cập trong quản lý các doanh nghiệp, cơ sở chế biến gỗ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở kinh doanh, chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh Gia Lai có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, trong thực tế, việc quản lý, phối hợp thanh-kiểm tra các cơ sở chế biến gỗ tại một số địa phương còn lỏng lẻo, một số nơi xảy ra tình trạng sử dụng gỗ bất hợp pháp, hoạt động không đúng ngành nghề kinh doanh, hoạt động “chui”…
Nhiều cơ sở sai phạm
Thực hiện chương trình giám sát tình hình quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh, từ ngày 25-8 đến 1-9, đoàn công tác của Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh đã tiến hành giám sát tại 6 địa phương trên địa bàn tỉnh. Qua giám sát cho thấy, hầu hết các địa phương đều thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh, chế biến gỗ của các doanh nghiệp, hộ cá thể. Tuy nhiên, ở một số địa phương vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế trong quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, chế biến gỗ.
Tại huyện Ia Pa, qua khảo sát thực tế ngày 26-8, đoàn giám sát phát hiện một cơ sở ở thôn 3 (xã Pờ Tó) có dấu hiệu hoạt động dù đã bị rút giấy phép đăng ký kinh doanh. Tại thời điểm kiểm tra, tại cơ sở này có nhiều bìa gỗ còn rất tươi, mùn cưa còn khá mới.
Ông Hà Quang Tuyến-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ia Pa-xác nhận với đoàn giám sát, cơ sở này là của một hộ kinh doanh cá thể đã bị Phòng Tài chính-Kế hoạch huyện thu hồi giấy phép đăng ký kinh doanh. Hạt sẽ chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm địa bàn nhanh chóng phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý.
Cơ sở sản xuất tại thôn 3, xã Pờ Tó dù đã bị thu hồi giấy phép đăng ký kinh doanh nhưng vẫn còn dấu hiệu hoạt động. Ảnh: Quang Tấn
Cơ sở sản xuất tại thôn 3, xã Pờ Tó, huyện Ia Pa dù đã bị thu hồi giấy phép đăng ký kinh doanh nhưng vẫn còn dấu hiệu hoạt động. Ảnh: Quang Tấn


Trước đó, ngày 25-8, đoàn giám sát đã đến khảo sát thực tế tại Doanh nghiệp tư nhân Phát Lợi-Chi nhánh Gia Lai (thôn Đồng Tâm, xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông). Thời điểm đó, phía trong cơ sở vẫn nghe tiếng máy cưa hoạt động nhưng người đại diện doanh nghiệp này không nghe điện thoại của đoàn.

Theo báo cáo của ông Trương Văn Thắng-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Chư Prông, ngày 26-8, Hạt đã tiến hành kiểm tra cơ sở này. Tại thời điểm kiểm tra, doanh nghiệp vẫn đang cưa xẻ củi, tại xưởng còn tồn khoảng 4 ster củi khô có hồ sơ nguồn gốc hợp pháp khai thác từ lòng hồ thủy lợi Ia Mơr.

Còn tại TP. Pleiku, công tác phối hợp trong quản lý nhà nước giữa các phòng, ban chức năng của thành phố cũng như với các sở, ngành của tỉnh thiếu chặt chẽ. Điển hình như trường hợp hộ kinh doanh Lê Văn Tiến (thôn 6, xã Trà Đa) dù đã ngưng hoạt động, dỡ bỏ nhà xưởng nhưng ngành chức năng thành phố vẫn cập nhật cơ sở này đang hoạt động bình thường.
Một số cơ sở tại đây cũng cố tình không hợp tác với đoàn giám sát, đóng cửa không cho đoàn vào khảo sát thực tế. Một số cơ sở sử dụng gỗ rừng tự nhiên, gỗ thông có nguồn gốc không rõ ràng. Đặc biệt, trên địa bàn thành phố hiện có 33 hộ cá thể hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ nhưng chưa được cấp giấy phép kinh doanh.
Theo ghi nhận của đoàn công tác, có khá nhiều cơ sở sử dụng gỗ rừng tự nhiên để gia công, chế biến. Ảnh: Quang Tấn
Theo ghi nhận của đoàn giám sát, có khá nhiều cơ sở sử dụng gỗ rừng tự nhiên để gia công, chế biến. Ảnh: Quang Tấn
Từ năm 2016 đến nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Chi cục Kiểm lâm, Cục Thuế tỉnh và UBND cấp huyện thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc cắt giảm ngành nghề chế biến gỗ đối với 40 doanh nghiệp, chi nhánh doanh nghiệp; UBND cấp huyện rà soát, kiểm tra thu hồi giấy phép kinh doanh đối với 49 hộ cá thể và hợp tác xã. Các cơ sở này đều vi phạm về lĩnh vực ngành nghề kinh doanh, không hoạt động kinh doanh, nợ thuế và bỏ trốn khỏi trụ sở hoạt động...

Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm, từ năm 2016 đến nay, lực lượng Kiểm lâm đã kiểm tra 192 cơ sở kinh doanh, chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh. Qua đó, phát hiện 8 cơ sở vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính 201 triệu đồng, tịch thu 8,628 m3 gỗ các loại và 8 ster củi, xử lý hình sự 3 cơ sở.

Cụ thể, Công ty TNHH Duy Nguyên (thị xã Ayun Pa) vi phạm thủ tục hành chính trong kinh doanh, chế biến lâm sản, bị phạt 25 triệu đồng; Doanh nghiệp tư nhân Hùng Ny (huyện Chư Sê) có hành vi mua lâm sản trái pháp luật, bị phạt tiền 30 triệu đồng, tịch thu 2,782 m3 gỗ; Công ty TNHH Sáu Huế (TP. Pleiku) có hành vi cất giữ lâm sản trái pháp luật, bị phạt 30 triệu đồng, tịch thu 1,629 m3 gỗ; Doanh nghiệp tư nhân Phát Lợi vi phạm thủ tục hành chính trong kinh doanh, chế biến lâm sản, bị phạt 25 triệu đồng; Doanh nghiệp Việt Minh (huyện Ia Pa) vi phạm thủ tục trình kiểm, bị phạt 49 triệu đồng…

Đồng thời, lực lượng chức năng đã tiến hành xử lý hình sự 3 cơ sở gồm: Công ty TNHH một thành viên Lâm Anh (huyện Ia Pa), Công ty TNHH Duy Nguyên và Doanh nghiệp tư nhân Hùng Ny về hành vi vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.

Cần siết chặt quản lý
Cũng theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm, trên địa bàn tỉnh hiện còn 321 cơ sở kinh doanh, chế biến gỗ đang hoạt động. Trong đó, có 172 doanh nghiệp, chi nhánh doanh nghiệp, 3 hợp tác xã và 146 hộ cá thể được cấp giấy phép đăng ký kinh doanh. Ngoài ra, còn có hàng trăm hộ kinh doanh nhỏ lẻ làm nghề mộc tại gia đình hoạt động theo thời vụ không có giấy phép đăng ký kinh doanh. Nguồn gốc gỗ nguyên liệu của các cơ sở này chủ yếu là gỗ nhập khẩu, gỗ rừng trồng, gỗ vườn, gỗ khai thác từ rừng tự nhiên trong nước trước đây còn tồn và gỗ thanh lý.
Tuy nhiên, do các quy định về quản lý nhà nước hiện nay còn nhiều kẽ hở dẫn đến các tổ chức, cá nhân lợi dụng trà trộn lâm sản bất hợp pháp vào kinh doanh, chế biến; sau đó hợp thức hóa hồ sơ. Một số doanh nghiệp, cơ sở mua gỗ trôi nổi của người dân địa phương, gỗ không có nguồn gốc hợp pháp, gỗ rừng tự nhiên để gia công, chế biến.
Làm việc với đoàn giám sát, ông Dương Hoàng Nguyện-Trưởng phòng Thanh tra-Pháp chế (Chi cục Kiểm lâm tỉnh) phân tích: Theo quy định tại khoản 1, Điều 6 Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và PTNT ngày 16-8-2018, cơ quan Kiểm lâm chỉ xác nhận bảng kê lâm sản đối với gỗ khai thác từ rừng tự nhiên trong nước chưa qua chế biến (gỗ tròn); các trường hợp khác thì các cơ sở mua bán, chế biến tự lập bảng kê khi xuất bán lâm sản mà không cần xác nhận của Kiểm lâm sở tại. Điều này dẫn đến các cơ sở lợi dụng xoay vòng nhiều lần một bộ hồ sơ lâm sản. Trong khi đó, để chứng minh việc sử dụng hồ sơ xoay vòng này trong mua, bán, vận chuyển, chế biến, kinh doanh, cất giữ lâm sản là điều vô cùng khó với cơ quan chức năng.
Thông tư này cũng không quy định các tổ chức trong và ngoài nước thực hiện báo cáo định kỳ đối với khối lượng lâm sản nhập, xuất còn tồn. Do đó, cơ quan Kiểm lâm không thể theo dõi, nắm được khối lượng lâm sản nhập, xuất của tổ chức này, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong quá trình kiểm tra, truy xuất nguồn gốc lâm sản.
Đoàn giám sát làm việc với UBND huyện. Ảnh: Quang Tấn
Đoàn giám sát làm việc với UBND huyện Chư Prông. Ảnh: Quang Tấn
Còn theo ông Phùng Văn Phước-Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư), hàng năm, Sở chỉ đủ nhân lực và thời gian tổ chức hậu kiểm 4-5 huyện với khoảng 120 doanh nghiệp (chiếm khoảng 2-3% số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh). Chức năng của Sở là hậu kiểm doanh nghiệp (khác với nội dung thanh tra, kiểm tra), không kiểm tra sâu về chuyên ngành, lĩnh vực hoạt động kinh doanh. Cụ thể là hậu kiểm về các thủ tục, hồ sơ pháp lý, hoạt động của doanh nghiệp sau đăng ký thành lập để hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Sở không có chức năng kiểm tra chuyên ngành về kinh doanh, chế biến gỗ. Vì vậy, việc thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh, chế biến gỗ để xử lý vi phạm, Sở phải phối hợp với các sở, ngành (Kiểm lâm, Quản lý Thị trường, Công an, Thuế) và chính quyền cấp huyện nên khó thực hiện.
Tại buổi làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Chi cục Kiểm lâm chiều 3-9 liên quan đến tình hình quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp, cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Đình Phương-Trưởng ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh, Trưởng đoàn giám sát-đề nghị: Thời gian tới, các sở, ngành liên quan và chính quyền địa phương cần tăng cường phối hợp thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động kinh doanh, chế biến gỗ gắn với công tác quản lý và bảo vệ rừng. Kiên quyết triệt phá các đầu nậu chuyên khai thác, vận chuyển gỗ trái phép; chấn chỉnh các chủ rừng buông lỏng quản lý và bảo vệ rừng; tăng cường các chốt, trạm kiểm lâm và cán bộ kiểm lâm địa bàn, kiểm soát chặt chẽ số gỗ tận thu trên diện tích rừng. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc nhập, xuất gỗ; xử lý nghiêm và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với các cơ sở chế biến sử dụng gỗ có nguồn gốc không hợp pháp.
Đồng thời, đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng, ban chức năng, UBND các xã, phường, thị trấn rà soát toàn bộ các cơ sở kinh doanh, chế biến gỗ trên địa bàn nhằm quản lý tốt hơn cũng như chống thất thu thuế của địa phương.
QUANG TẤN

Có thể bạn quan tâm