(GLO)- Nằm cách TP. Phan Rang-Tháp Chàm chừng 10 km, làng gốm Bàu Trúc (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) từ lâu đã trở thành địa chỉ hấp dẫn mời gọi du khách bốn phương.
“Mẹ truyền, con nối”
Một ngày cuối năm, cùng với đồng nghiệp Anh Tuấn ở Báo Ninh Thuận, tôi háo hức dong xe máy về làng gốm Bàu Trúc. Qua cổng làng mới xây nằm sát bên quốc lộ 1A, làng gốm hiện ra trước mắt chúng tôi bằng hình ảnh của những chiếc chum nước, lọ hoa, bình trang trí xinh xắn mà người dân hữu ý bày ra bên hàng rào thay cho lời giới thiệu với du khách phương xa.
Nghệ nhân Đàng Xem đang hoàn thành một tác phẩm gốm mỹ nghệ. Ảnh: T.D |
Sau một vòng quanh làng, chúng tôi ghé vào xưởng gốm của nghệ nhân Đàng Thị Bông-người đã có gần nửa thế kỷ gắn bó với nghề gốm. Dù đang bận công việc nhưng khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu về nghề gốm của làng, bà vẫn vui vẻ buông tay tiếp chuyện. Bà bảo, theo lời các cụ truyền lại thì làng gốm Bàu Trúc đã có lịch sử gần một ngàn năm.
Ngày ấy, thấy dân Bàu Trúc lầm than, vất vả, Pô Klong Chan, một cận thần của vua Pô Klong Garai (1151-1205) đã đưa họ đến cánh đồng “Hamu Trok” định cư và dạy dân đào đất sét làm gốm. Tưởng nhớ công lao của Pô Klong Chan, người dân Bàu Trúc đã lập đền thờ và tôn ông làm tổ nghề.
Nghệ nhân Đàng Thị Bông cho biết: Từ thuở xưa, người Chăm ở Bàu Trúc đã quan niệm, nghề gốm là công việc dành cho phụ nữ. Điều này có lẽ bởi người phụ nữ Chăm từ khi sinh ra đã được thần linh ban tặng cho đôi bàn tay khéo léo và óc thẩm mỹ tinh tế. Chính vì vậy, người đàn ông chỉ được tham gia vào những công đoạn nặng nhọc như đào đất, phơi đất, ngâm đất, nhồi đất, nung gốm… Còn việc tạo dáng gốm, trang trí gốm (những công đoạn quan trọng nhất, quyết định giá trị của một sản phẩm gốm) là của phụ nữ. Sự phân công hết sức rạch ròi đó gần đây đã ít nhiều bị phá vỡ khi một số đàn ông như Đàng Xem, Vạn Quan Phú Đoan cũng bắt tay làm gốm song trong tâm thức người dân Bàu Trúc, đây vẫn là công việc của người phụ nữ.
“Ở Bàu Trúc, con gái không biết làm gốm bị coi là con gái hư-nghệ nhân Đàng Thị Bông nói-và sự khéo tay trong nghề gốm của các cô cái được xem là một tiêu chí quan trọng để các chàng trai lựa chọn khi lấy vợ”. Bởi quan niệm ấy, ngay từ khi còn nhỏ, những cô gái Chăm đã phải theo mẹ học nghề. Ban đầu, các cô gái chỉ đứng quan sát mẹ làm và phụ mẹ những việc lặt vặt. Khi đã “thẩm thấu” hết kỹ thuật căn bản của nghề, họ mới được mẹ cho trực tiếp làm gốm. Cứ “mẹ truyền, con nối” như vậy, trải qua biết bao nhiêu thăng trầm, nghề gốm vẫn được gìn giữ như một di sản thiêng liêng của người Chăm ở Bàu Trúc.
Một nghệ nhân ở Bàu Trúc đang tạo dáng gốm. Ảnh:T.D |
“Nắn bằng tay, xoay bằng đít”
Quy trình chế tác gốm của người Chăm ở Bàu Trúc bắt đầu từ việc lấy đất. Nghệ nhân Đàng Thị Bông kể: Từ xưa đến nay, cứ sau mỗi vụ gặt, người dân Bàu Trúc lại kéo nhau ra cánh đồng “Hamu Trok”, nằm cách làng chừng 4 km để lấy đất. Đất được chọn để làm gốm phải là loại đất sét có độ dẻo cao. Để có loại đất này, khi đào lên, người dân phải gạt bỏ lớp phù sa tơi xốp lẫn với rễ lúa, rễ cỏ ở trên mặt và bỏ đi lớp bùn non ở phía dưới, chỉ lấy phần đất ở giữa. Điều kỳ lạ như lời nghệ nhân Đàng Thị Bông là “cánh đồng này giống một món quà mà thần linh ban tặng cho làng, cứ lấy đất xong, đất lại mọc lên như cũ”.
Sau khi đưa đất về nhà cho đến trước khi làm gốm, người dân Bàu Trúc còn phải trải qua các công đoạn phơi đất, ngâm đất và nhồi đất. Trong công đoạn nhồi đất, để giúp cho xương gốm được vững chắc, người ta lấy cát ở sông Quao trộn vào đất với tỷ lệ 1 phần cát trộn với 2 phần đất. Nghệ nhân Đàng Thị Bông cho biết, đây là tỷ lệ bất di bất dịch, nếu ít cát hay nhiều cát thì khi nung, gốm sẽ bị nứt vỡ.
Điều làm nên giá trị độc đáo, thậm chí “độc nhất vô nhị” của gốm Bàu Trúc không nằm ở quy trình làm đất hết sức công phu trên mà chính là ở quy trình chế tác gốm được người dân ở đây gọi vui là “nắn bằng tay, xoay bằng đít”. Nói “độc nhất vô nhị” là bởi trong khi các làng gốm khác ở nước ta đều dùng bàn xoay để làm gốm thì người Bàu Trúc lại chỉ dùng bàn kê. Bàn kê ở đây có thể là mặt bàn, là đáy lu hoặc một khúc gỗ lớn. Khi làm gốm, người thợ Bàu Trúc vừa đi giật lùi quanh chiếc bàn kê vừa dùng tay tạo dáng gốm.
Sau hàng trăm, hàng ngàn vòng xoay như thế, từ đôi tay khéo léo của người thợ gốm Bàu Trúc, khối đất vô tri bỗng hóa thành những bình hoa, lu nước, nồi đất, thạp đựng gạo… xinh xắn, có hồn có vía.
Cùng với quy trình chế tác thủ công 100% bằng tay, cách nung gốm của người Chăm ở Bàu Trúc cũng không giống với bất cứ nơi nào khi họ không dùng lò mà nung lộ thiên. Sau khi đem gốm phơi khô ngoài nắng, người dân Bàu Trúc đem gốm xếp lại thành đống rồi chất rơm rạ, củi, phân bò và đốt. Một lần nung như thế kéo dài khoảng 5-6 tiếng. Sau đó, người ta dùng màu thực vật từ trái thị, vỏ hạt điều phun vào những sản phẩm vừa nung để tạo màu cho gốm. Với cách nung này, tỷ lệ sản phẩm hư hỏng thường rất cao, khi gặp mưa gió bất thường có thể lên đến 50%. Nhưng bù lại, do lửa táp vào thân gốm không đều nhau nên mỗi sản phẩm gốm Bàu Trúc sau khi hoàn thành đều trở thành một “phiên bản độc nhất vô nhị”, màu sắc không cái nào giống cái nào.
Tiến Dũng