Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Bế mạc kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII: Thông qua 31 nghị quyết quan trọng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chiều 8-7, kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII (nhiệm kỳ 2021-2026) tiếp tục với nhiều nội dung quan trọng. Sau khi nghe lãnh đạo UBND tỉnh giải trình một số vấn đề cần làm rõ, đại biểu HĐND tỉnh đã biểu quyết thông qua 31 nghị quyết và tiến hành bế mạc kỳ họp.

“Nóng” câu chuyện thiếu nhân lực

Mở đầu phiên làm việc, lãnh đạo một số sở, ngành tiếp tục giải trình về các vướng mắc, tồn tại. Đặc biệt, vấn đề thiếu nhân lực trong một số ngành đã thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu.

Về tình trạng thiếu giáo viên, đặc biệt giáo viên mầm non, nhân viên kế toán, văn thư, thư viện, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lê Duy Định xác nhận: Tình trạng thiếu giáo viên, Sở Nội vụ đã chủ trì phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện xác định nhu cầu giáo viên, nhân viên để tham mưu UBND tỉnh báo cáo với Bộ Nội vụ xem xét, đề xuất Chính phủ bổ sung đủ biên chế giáo viên nhằm đáp ứng quy mô phát triển trường, lớp và nhu cầu học tập của học sinh trên địa bàn tỉnh.

Chủ tọa điều hành kỳ họp. Ảnh: Đức Thụy
Chủ tọa điều hành kỳ họp. Ảnh: Đức Thụy


Theo đó, số giáo viên, nhân viên thiếu trong năm học 2022-2023 lên đến 4.481 người (3.414 giáo viên, 1.067 nhân viên). “Chúng tôi đang tiếp tục phối hợp với Sở Nội vụ, UBND các huyện xây dựng kế hoạch số lượng người làm việc và đề xuất tuyển dụng giáo viên, nhân viên cho năm học 2022-2023 trong biên chế được giao chưa tuyển dụng (787 biên chế). Trong đó, ưu tiên tuyển dụng các vị trí giáo viên mầm non, tiểu học, giáo viên các môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và nhân viên y tế, kế toán”-Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thông tin thêm.

Mặt khác, nhiều đại biểu nêu ý kiến về việc phân bổ biên chế viên chức sự nghiệp giáo dục cho các huyện, thị xã, thành phố chưa hợp lý, dẫn đến tỷ lệ giáo viên/lớp theo từng bậc học có sự chênh lệch khá lớn. Việc phân bổ biên chế của UBND cấp huyện cho các trường trên địa bàn quản lý của một số huyện cũng chưa hợp lý, tỷ lệ giáo viên/lớp giữa các trường trong cùng bậc học còn có sự chênh lệch khá lớn.

Đối với vấn đề này, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng: Theo phân cấp quản lý, việc tham mưu phân bổ biên chế hàng năm cho các huyện do Sở Nội vụ chủ trì, UBND cấp huyện quyết định phân bổ cho từng cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý. Trước ý kiến của đại biểu, Sở cũng đã nhiều lần có văn bản đề nghị UBND các huyện thực hiện việc phân bổ biên chế hợp lý, đảm bảo tương quan giữa các cấp học và giữa các trường. Năm 2018, đơn vị và Sở Nội vụ đã tham mưu giúp UBND tỉnh điều tiết biên chế giữa các huyện để giải quyết một phần tình trạng mà đại biểu nêu. Tuy nhiên, ở hầu hết địa phương, biên chế đến nay đều thiếu; trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Nội vụ và các địa phương để khắc phục.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành đã làm rõ một số nội dung quan trọng được các đại biểu và cử tri quan tâm. Ảnh: Đức Thụy
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành đã làm rõ một số nội dung quan trọng được các đại biểu và cử tri quan tâm. Ảnh: Đức Thụy


Cũng liên quan đến vấn đề nhân lực, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Nguyễn Đình Tuấn cho biết: Năm 2021, có 110 cán bộ y tế nghỉ việc. Riêng 6 tháng đầu năm 2022, tiếp tục có thêm 23 người. Hiện Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch tuyển dụng bác sĩ và bác sĩ cử tuyển cho các đơn vị trong ngành Y tế trong năm 2022 và trình UBND tỉnh phê duyệt. Cùng với đó, UBND tỉnh đã giao Sở nghiên cứu đề xuất cấp thẩm quyền chính sách đặc thù đối với cán bộ, nhân viên y tế để thu hút nguồn nhân lực y tế gắn bó lâu dài tại tỉnh.

Đối với việc một số bệnh viện không có bệnh nhân nên không có lương chi trả cho nhân viên y tế, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế thông tin: Từ năm 2017, ngành Y tế Gia Lai triển khai thực hiện cơ chế tự chủ tài chính. Đến nay, toàn tỉnh có 27 đơn vị sự nghiệp y tế công lập được giao quyền tự chủ (4 đơn vị tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động, 21 đơn vị tự bảo đảm một phần và 2 đơn vị do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi phí). Qua 2 năm (2021 và 2022), các đơn này được chuyển đổi thành bệnh viện điều trị Covid-19, tập trung cho công tác thu dung cách ly điều trị bệnh nhân Covid-19 nên số lượt người dân đến khám, điều trị các bệnh thông thường giảm rất mạnh, dẫn đến nguồn thu thiếu hụt. Đặc biệt, nhiều đơn vị không đủ kinh phí trả lương, UBND tỉnh đã cấp kinh phí chi trả đủ lương, phụ cấp và các khoản phải trả theo lương đầy đủ cho nhân viên y tế đến tháng 6-2022.

Ngoài ra, UBND tỉnh cũng chỉ đạo Sở Y tế kịp thời giải quyết các chế độ, chính sách theo quy định, nhất là tiền lương, tiền công, các chế độ, chính sách, các khoản đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho cán bộ, viên chức, nhân viên của một số bệnh viện, trung tâm y tế do nguồn thu thiếu hụt để kịp thời giải quyết khó khăn, đảm bảo đời sống cho nhân viên y tế. Sở đã phối hợp với Sở Tài chính, Sở Nội vụ đánh giá đầy đủ, nghiêm túc việc giao và thực hiện tự chủ của các bệnh viện, trung tâm y tế; đồng thời nghiên cứu, đề xuất giao tự chủ trong thời gian tới cho các đơn vị trực thuộc phù hợp, hiệu quả, đúng quy định.

Chỉ đạo giải quyết vấn đề nhân lực của ngành Giáo dục và ngành Y tế, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành nêu rõ: Đây là vấn đề cần được quan tâm, giải quyết. Đối với ngành Giáo dục, trong khi chờ quyết định từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, tôi đề nghị Sở tự nghiên cứu và điều phối, xử lý cho phù hợp. Sở Giáo dục-Đào tạo chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; sắp xếp lại trường, lớp theo Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Đối với ngành Y tế, cần tiếp tục rà soát đội ngũ công nhân, viên chức để có chính sách tuyển dụng nhân lực.


Trả lời chất vấn của Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đak Đoa Nguyễn Hữu Thọ về vấn đề trích 10% tiền sử dụng đất đối với các dự án của tỉnh đầu tư trên địa bàn huyện, ông Nguyễn Anh Dũng-Giám đốc Sở Tài chính-thông tin: Tổng số thu tiền sử dụng đất dự án ngân sách cấp tỉnh thực hiện đầu tư và thu tiền sử dụng đất của các tổ chức kinh tế do UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư và tỉnh quản lý thu phát sinh trên địa bàn huyện Đak Đoa là gần 559 tỷ đồng. Đề nghị địa phương rà soát và báo cáo lại đầy đủ các thông tin cần thiết để đơn vị có sơ sở đề xuất phân bổ kinh phí 10% tiền sử dụng đất từ các dự án tỉnh quyết định đầu tư trên địa bàn.

“Hiện tại, Sở Tài chính phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan xác định chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng để trình cấp có thẩm quyền phân bổ kinh phí 10% tiền sử dụng đất từ các dự án tỉnh quyết định đầu tư trên địa bàn huyện cho huyện Đak Đoa theo đúng quy định”-Giám đốc Sở Tài chính nêu rõ.

Thông qua các nghị quyết quan trọng

Sau phiên chất vấn, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành đã làm rõ một số nội dung quan trọng được các đại biểu và cử tri quan tâm. Chủ tịch UBND tỉnh nhận định: 6 tháng đầu năm 2022, tỉnh đã triển khai quyết liệt các nhiệm vụ nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội.


Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành nhấn mạnh: “Bên cạnh thuận lợi thì vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đan xen tác động nhiều mặt đến tình hình phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn. Vì vậy, giám đốc các sở, ngành, thủ trưởng các đơn vị và các địa phương cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể”. Theo đó, cả hệ thống chính trị cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng-chống dịch Covid-19 theo đúng chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, tạo điều kiện để phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Không được chủ quan, thỏa mãn, lơ là; khẩn trương hoàn thành việc tiêm vắc xin theo kế hoạch, đảm bảo an toàn, hiệu quả.


Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành cũng đề nghị từng ngành, địa phương xây dựng các chương trình, kế hoạch để triển khai các Nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy, các chương trình, kế hoạch hành động UBND tỉnh. Đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Các sở, ngành, địa phương cần tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tại các dự án đầu tư nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực; tăng cường công tác phòng-chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; chăm lo làm tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; xây dựng các giải pháp, chỉ tiêu cụ thể để kéo giảm tai nạn giao thông; chủ động ngăn chặn nguy cơ tai nạn thương tích, đuối nước đối với trẻ em.

Các đại biểu biểu quyết thông qua các nghị quyết. Ảnh: Đức Thụy
Các đại biểu biểu quyết thông qua các nghị quyết. Ảnh: Đức Thụy


Phát biểu kết luận kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên yêu cầu: Sau kỳ họp này, UBND tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất trong khuôn khổ pháp luật để phát huy tối đa năng lực sản xuất của tất cả các ngành, lĩnh vực, các thành phần kinh tế, tạo sự đột phá về giá trị sản xuất, bảo đảm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế của cả năm 2022. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các biện pháp tăng thu, phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2022; triển khai thực hiện có hiệu quả việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và phát triển nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn theo chuỗi giá trị; đẩy nhanh tiến độ trồng rừng theo kế hoạch; chăm lo làm tốt công tác quản lý, bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng.


Cùng với đó, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân các dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2022, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030, kế hoạch sử dụng đất năm đầu của quy hoạch sử dụng đất cấp huyện; tăng cường công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, đô thị, trật tự xây dựng và chất lượng công trình.

Tiếp tục rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ các nhà đầu tư, doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ, thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường. Tập trung làm tốt công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho Nhân dân; thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định các chính sách an sinh xã hội và các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng và các đối tượng bảo trợ xã hội.

“Sau khi phân tích kỹ lưỡng, tiếp thu các ý kiến tham gia, thảo luận của đại biểu, thẩm tra có trách nhiệm của các Ban HĐND tỉnh và giải trình của cơ quan liên quan, HĐND tỉnh đã xem xét, thảo luận kỹ lưỡng và quyết định thông qua 31 nghị quyết trên các lĩnh vực. Đây là những nghị quyết quan trọng, liên quan trực tiếp đến đời sống của Nhân dân và sự phát triển của tỉnh. Hội đồng nhân dân tỉnh đề nghị UBND tỉnh sớm cụ thể hóa và nghiêm túc tổ chức thực hiện để sau khi được ban hành, nội dung các nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống”-Chủ tịch HDND tỉnh Hồ Văn Niên nhấn mạnh.

Sau 3 ngày làm việc với tinh thần khẩn trương, dân chủ và trách nhiệm, kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh khóa XII đã hoàn thành nội dung, chương trình đề ra và thành công tốt đẹp.

Nghị quyết chung về tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 nêu rõ: Trong 6 tháng cuối năm 2022, thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: thu ngân sách nhà nước phấn đấu tăng 10% so với dự toán được giao. Tập trung triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (gồm xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030). Thực hiện nghiêm công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; đảm bảo hoàn thành kế hoạch trồng rừng năm 2022; thực hiện có hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo lao động, hỗ trợ giải quyết việc làm...

 

MINH DUNG

 

Có thể bạn quan tâm