Phóng sự - Ký sự

Bên 9 miệng Rồng - Kỳ 4: Hào khí Hàm Luông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong không gian làm việc nhỏ hẹp của Văn phòng Đảng ủy xã Thạnh Hải (Thạnh Phú, Bến Tre), trên tường treo một bức chân dung lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cạnh đó là bức ảnh về một con tàu không số huyền thoại trên đường vận chuyển vũ khí vào Nam. 'Bức ảnh do Hải quân Mỹ chụp, sau này được Hội truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển tặng cho xã', Bí thư Đảng ủy xã Thạnh Hải - Bùi Quang Lương giới thiệu.
Bia tưởng niệm Điểm tiếp nhận vũ khí Bắc - Nam tại ngã 3 mũi tàu thuộc xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú. Ảnh: Hòa Hội

Bia tưởng niệm Điểm tiếp nhận vũ khí Bắc - Nam tại ngã 3 mũi tàu thuộc xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú. Ảnh: Hòa Hội

Dòng chảy anh hùng

Giữa tháng 5, phóng viên Tiền Phong tìm về huyện Thạnh Phú (Bến Tre), nơi có sông Hàm Luông đi vào lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc. Thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nơi đây là vùng căn cứ cách mạng quan trọng, một trong những điểm thuộc đường Hồ Chí Minh trên biển với những đoàn tàu không số, nơi có đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc - Nam và những trận đánh vang dội đi vào lịch sử. Đến nay, nhiều người vẫn chưa hiểu vì sao vùng đất ven sông Hàm Luông, Cổ Chiên trở thành căn cứ cách mạng quan trọng thời kháng chiến. Cùng với “nhân hòa”, nơi đây có “địa lợi” với dải đất dài hơn 25km nằm giữa hai cửa sông bao la rừng mắm, rừng bần ngập nước. Địa hình hiểm trở tạo thế liên hoàn chở che, hình thành vùng “bất khả xâm phạm” đảm bảo an toàn cho những cán bộ hoạt động cách mạng và chuyến tàu “bí ẩn”…

Trò chuyện với phóng viên, Bí thư Đảng ủy xã Thạnh Hải Bùi Quang Lương không giấu được niềm tự hào về truyền thống của quê hương, nơi còn nhiều di tích lịch sử quan trọng. Cách trụ sở xã vài cây số, Khu di tích đường Hồ Chí Minh trên biển hoàn thành mấy năm nay, là địa chỉ đỏ, chứng tích của một thời lịch sử oanh liệt của những người con đất Việt anh hùng. Bên bờ biển, Đài tưởng niệm được đặt ở trung tâm công trình cách điệu hình dáng con tàu. Chân Đài tưởng niệm có hồ nước, giúp liên tưởng đến hình ảnh những con tàu cưỡi sóng vươn khơi chở vũ khí vào Nam. Dọc hai bên đường dẫn, có bia lưu niệm của các đơn vị từng đóng ở Thạnh Phú như Nhà in Chiến Thắng; Binh công xưởng Bến Tre; Trường Đảng Bến Tre... Mặt sau của các tấm bia tưởng niệm ghi danh sách những liệt sỹ hi sinh trong cuộc kháng chiến vĩ đại chống giặc ngoại xâm…

Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Thạnh Phú - Lâm Toàn Thắng chia sẻ, nếu kể hết về các chiến công oai hùng, hay lịch sử đấu tranh cách mạng của vùng đất Thạnh Phong, hay huyện Thạnh Phú và nói rộng ra là tỉnh Bến Tre, có lẽ phải tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị. Lật giở từng trang trong cuốn sách giới thiệu các di tích lịch sử huyện Thạnh Phú, ông Thắng bảo, từ năm 1947 đến 1970, đã có 27 chuyến tàu xuất phát, cập bến chuyển giao gần 4.500 tấn vũ khí và vật chất khác để chuyển đi khắp chiến trường Nam bộ.

Người đầu tiên vượt biển ra Bắc chính là nữ tướng Nguyễn Thị Định thời kháng chiến chống Pháp. Mùa gió nam năm 1946, tại Thạnh Phong (nay là hai xã Thạnh Hải, Thạnh Phong), bà Định làm thuyền trưởng cùng 3 chiến sĩ vượt biển ra miền Bắc xin vũ khí về cho chiến trường miền Nam đánh Pháp. Đến tháng 11/1946, khi gió chướng nổi lên, đoàn quay về với 35 tấn vũ khí, được ngụy trang thành thuyền buôn nước mắm. Chính chuyến đi lịch sử đầu tiên này đã mở ra con đường tiếp tế vũ khí trên biển cho những chuyến sau này.

Cồn Bửng, xã Thạnh Hải điểm tập kết vũ khí từ Đoàn tàu không số vào chi viện năm xưa. Ảnh: Hòa Hội

Cồn Bửng, xã Thạnh Hải điểm tập kết vũ khí từ Đoàn tàu không số vào chi viện năm xưa. Ảnh: Hòa Hội

Cảm hứng vươn mình

Trong cao điểm kháng chiến chống Mỹ, tháng 6/1961 tại khu rừng ấp cồn Tra, một thuyền mang bí danh 106 NB lặng lẽ rời đất liền. Khoảng 2 tháng sau, thuyền thứ 2 cũng tiếp tục rời bến Thạnh Phong, vượt vĩ tuyến 17 ra Hà Nội an toàn. Học tập một thời gian hai đội thuyền của Bến Tre được sáp nhập với đội thuyền Trà Vinh, Cà Mau về công tác tại Đoàn 759 vận tải đường biển. Đến đầu năm 1964, lực lượng này chuyển về Đoàn 125 Hải quân. Từ cửa Hàm Luông, ngược dòng vài chục cây số về thành phố Bến Tre, 55 năm trước, các chiến sĩ Đặc công thủy Bến Tre có trận đánh vang danh, được sử sách phong tặng tám chữ vàng “Cưỡi sóng Hàm Luông nhấm chìm hạm Mỹ”, gắn liền với tên tuổi anh hùng Hoàng Lam cuối năm 1967…

Truyền thuyết kể lại, sông Hàm Luông trước có tên gốc là Hàm Long nhưng dưới thời phong kiến nhà Nguyễn, do tránh chữ Long (Long là rồng, tượng trưng cho vua), người ta gọi chệch là Luông, lâu ngày thành Hàm Luông, quen gọi cho đến ngày nay. Sông bắt đầu từ địa phận xã và Tân Phú, huyện Châu Thành, theo hướng Đông Nam, chảy qua huyện Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc, thành phố Bến Tre, Giồng Trôm, Mỏ Cày Nam, Thạnh Phú, Ba Tri đổ ra biển tại cửa Hàm Luông. Sông dài 70km, lòng sông sâu từ 12 - 15 m, rộng trung bình từ 1.200 đến 1.500 m, đoạn gần cửa biển rộng đến hơn 3.000 m. Sông Hàm Luông được đánh giá có lưu lượng nước dồi dào nhất so với các sông khác trên địa bàn tỉnh Bến Tre, góp phần tạo nên sự trù phú của các vùng đất nó đi qua.

Sông Hàm Luông, hình ảnh nữ tướng Nguyễn Thị Định, các chiến công vang dội ở Bến Tre đến nay vẫn là nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm thơ, văn. Trong cuộc thi thơ và bút ký văn học tỉnh Bến Tre vài năm trước, hai từ “Hàm Luông” xuất hiện dày đặc. Báo Đồng Khởi của tỉnh Bến Tre giới thiệu nhiều tác phẩm tưởng nhớ công lao của tiền nhân thời mở cõi đất phương Nam.

Đặc biệt, bài thơ Nghe lại tiếng xưa của tác giả Đặng Thuần Phong có ý tưởng nhớ nữ tướng Nguyễn Thị Định: “Buông câu rặng bần hoa trắng/Ngắm dừa chảy tóc đưa duyên/Trăng lên ngân bài vọng cổ/Tạo nguồn đuốc rực đời sau/Ta nghe quê nhà đang gọi/Vươn lên thoát bỏ kiếp nghèo/Hàm Luông muôn đời sóng bạc/Làm người ơn nghĩa phân minh”…

Hàm Luông chảy về biển Đông. Bến Tre nhiều năm nay cũng xác định phát triển hướng Đông, hướng ra biển. Trong định hướng đó, Hàm Luông đóng vai trò quan trọng, nhưng, cũng không ít thách thức, khó khăn. Một năm trước, Bí thư, Chủ tịch Bến Tre, cùng đoàn công tác cấp cao của tỉnh đã thị sát hơn 70km sông Hàm Luông, khảo sát hệ thống thủy lợi, bến cảng nội địa và các dự án điện gió, phân luồng đường thủy; đánh giá khả năng khép kín, ngăn mặn của các cống. Từ kết quả này, tỉnh cân nhắc việc đề xuất Bộ NN&PTNT đầu tư thêm một số cống trên địa bàn. Ngoài ra, chuyến đi còn giúp lãnh đạo tỉnh nắm tình hình sạt lở ven sông, đặc biệt tại các cồn như: Cồn An Bình (Ba Tri), cồn Hưng Phong (Giồng Trôm), cồn Thành Long (Mỏ Cày Nam). Tại cửa sông Hàm Luông thông ra biển Đông, việc nạo vét, duy tu luồng đường thủy nội địa quốc gia kết hợp tận thu sản phẩm trên sông vẫn còn nhiều khó khăn, trắc trở. Gỡ được những nút thắt này, Hàm Luông sẽ trở thành một trong những động lực chủ chốt phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bến Tre với du lịch sinh thái, năng lượng tái tạo, khai thác thủy sản… Trong đó, việc tận dụng được thế mạnh phát triển du lịch cộng đồng trên cơ sở khai thác và phát huy các giá trị văn hóa bản địa đặc sắc, giá trị lịch sử hào hùng, hướng tới những sản phẩm du lịch đặc trưng, tạo thương hiệu cho du lịch Bến Tre là hướng đi bền vững.

(Còn nữa)

Có thể bạn quan tâm