Phóng sự - Ký sự

Bên 9 miệng Rồng - kỳ cuối: Sứ mệnh Trần Đề

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Là 'miệng rồng thứ 9' - cửa Trần Đề nơi cuối dòng sông Hậu ngày nay đóng vai trò quan trọng ở Đồng bằng sông Cửu Long. Trong khi định hướng vận tải qua cửa Định An đang gặp nhiều trắc trở, cửa Trần Đề đang được kỳ vọng hội tụ đủ những yếu tố cần thiết, là cửa ngõ để miền Tây vươn ra biển lớn, kỳ vọng tạo nên đột phá cho tỉnh Sóc Trăng nói riêng và đất Chín Rồng nói chung.

“Siêu làng chài” nơi cửa biển

Trần Đề là 1 trong 3 cửa đổ ra biển của sông Hậu (cùng với cửa Định An, Ba Thắc) và là nhánh thứ 9 (cuối cùng) của Cửu Long giang. Trần Đề cũng là tên của thị trấn thuộc huyện Trần Đề thành lập năm 2010 trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính của hai huyện Mỹ Xuyên và Long Phú.

Tàu cá cập cảng Trần Đề

Tìm về quá khứ của thị trấn nơi cửa biển, chúng tôi được ông Nguyễn Hoàng Tánh (ấp Cảng, thị trấn Trần Đề) tiếp chuyện cởi mở và nhiệt tình. Ông là thế hệ thứ 3 trong gia đình đã 3 đời hành nghề đi biển ở xứ này. Theo ông, nghề biển nơi này đã có từ lâu, trước đây gọi là xóm Lưới và xóm Đáy. Xóm Lưới là xóm chuyên đánh lưới, bẫy cá… Còn xóm Đáy thì chuyên đóng đáy. Đóng đáy thì có muôn hình vạn trạng, từ dùng cây cắm làm trụ, cột đáy căng ra trên sông gọi là “đáy sông” hay dùng dây neo đáy gọi là “đáy neo”. Nếu dùng thuyền kết bè để căng đáy gọi là “đáy bè”, còn đem ra xa bờ dưới 10 hải lý gọi là “đáy hàng cạn”. Giăng ra trên biển từ 10 đến 20 hải lý, nước sâu trên 10 sải tay được gọi là “đáy hàng khơi”…

“Cảng biển nước sâu Trần Đề sau khi được xây dựng hoàn thiện sẽ đáp ứng nhu cầu luân chuyển xuất khẩu hàng hóa, nông sản của cả khu vực ĐBSCL. Đồng thời, là cửa ngõ quốc tế phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh - quốc phòng của vùng. Các dự án cao tốc, cảng biển nước sâu sau khi hoàn thiện, kết hợp với đầu tư xây dựng hoàn thành cầu Đại Ngãi, sẽ tạo nên sự thay đổi đáng kể về phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội của huyện Trần Đề”.

Ông Lưu Hữu Danh, Bí thư Huyện ủy Trần Đề

Trên chiếc ghe cũ, cũng là “cần câu cơm” của gia đình nhiều năm qua, ngư phủ Trần Văn Thanh nổ máy chạy phăng phăng ra biển thăm đáy cách bờ chừng vài cây số, nơi ngư dân xóm Đáy mưu sinh. Ông bảo, đi thăm thôi chứ giờ này chưa có gì, cỡ hơn tuần nữa mới đúng vụ. Quay ghe trở vào bờ, ông Thanh tâm sự, thường qua mùa cá, các ngư phủ cũng lên Sài Gòn làm thuê, tới mùa lại quay về bám biển. “Nghề đã đeo, không bỏ được, có lẽ chưa “dứt nghiệp” với cái xóm Đáy này. Nhưng cũng nhờ nó, mà hai đứa con tôi cũng đã vào đại học”, ông Thanh chia sẻ.

Mưu sinh ở cảng cá Trần Đề

Cửa biển Trần Đề được thiên nhiên ưu đãi với nguồn thủy, hải sản dồi dào, phong phú, đa dạng chủng loại, có giá trị kinh tế cao. Khai thác hải sản cũng là nghề chính của cư dân bao đời ở xứ chài này, từ vài chục tàu, thị trấn hiện nay có hơn 410 tàu đi biển, trong đó có 334 chiếc đánh bắt xa bờ, còn lại là tàu hậu cần chuyên vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm cho các tàu đánh bắt. “Đa số người dân cửa biển này làm ngư phủ. Chồng đi đánh bắt thì vợ ở nhà lựa cá, cũng từ đó mà hình thành nghề làm khô. Trước kia chưa có đánh bắt xa bờ, về sau có tàu công suất lớn và hậu cần nghề cá phát triển nên ngư dân có thể ra khơi hằng tháng trời. Sản lượng đánh bắt gần bờ về sau càng sụt giảm nên bà con ngư dân cũng phải “lên đời” tàu cá công suất lớn để vươn khơi”, một cán bộ UBND thị trấn Trần Đề chia sẻ.

Với tiềm năng, lợi thế của vùng cửa biển, từ một làng chài, Trần Đề đã hình thành nên một trong những cảng cá lớn nhất ở miền Tây. Ông Phạm Văn Hứa - Giám đốc Ban Quản lý Cảng cá Trần Đề cho biết, năm 2022, số tàu thuyền cập cảng đạt gần 19.900 lượt, số phương tiện vận tải qua cảng hơn 32.100 lượt, lượng hàng hóa qua cảng hơn 130.400 tấn, trong đó hàng thủy sản là 70.554 tấn, hơn nhiều lần so với cảng cá Định An hay một số cảng cá trong khu vực.

Sứ mệnh Trần Đề

Cảng cá Trần Đề là một trong những cảng cá lớn nhất miền Tây

Cùng với nghề biển, cảng cá, những năm gần đây, bến tàu cao tốc Trần Đề - Côn Đảo đi vào hoạt động đã mở thêm một ngành nghề mới cho địa phương là du lịch và các dịch vụ kéo theo. Theo đại diện UBND thị trấn Trần Đề, từ khi huyện có chủ trương kêu gọi đầu tư bến tàu cao tốc, phát triển du lịch đã giúp mọi người biết đến Trần Đề nhiều hơn. Du khách đến đây được biết về lịch sử, địa danh, nghề đánh bắt cá, nghề làm khô, từ đó, việc mua bán kinh doanh của bà con cũng khấm khá hơn, thương hiệu địa phương cũng được quảng bá. Rồi những dịch vụ như khách sạn, quán ăn, nhà hàng… cũng phát triển theo, địa phương ngày càng thay da đổi thịt.

Trong cuộc trò chuyện vui với phóng viên, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Huyện ủy Thạnh Phú (tỉnh Bến Tre, nơi có cửa biển Cổ Chiên, Hàm Luông) bảo, đôi khi địa phương muốn làm cảng biển, nhưng chắc không cạnh tranh nổi với địa lợi của Trần Đề. Địa phương cũng muốn có tuyến tàu cao tốc kết nối với Côn Đảo, nhưng nếu so về vị trí, chỉ riêng Trần Đề làm được. Có lẽ, tạo hóa đã đặt “sứ mệnh” kết nối vùng Đồng bằng sông Cửu Long với Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) vào tay của Trần Đề.

Trần Đề giờ đây như một “thỏi nam châm” hút các dự án trọng điểm của khu vực miền Tây. Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài gần 200km, nối Châu Đốc (An Giang) - giáp biên giới Campuchia đến Trần Đề (Sóc Trăng) sẽ khởi công giữa năm 2023. Đây là dự án cao tốc trục ngang lớn nhất miền Tây hiện nay. Cùng với dự án cầu Đại Ngãi nối Cù Lao Dung với huyện Long Phú, cách Trần Đề không xa, dự kiến khởi công cuối năm 2023 sẽ kết nối trục dọc ven biển các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đi TPHCM.

Đặc biệt hơn nữa, cảng Trần Đề đã được quy hoạch là cảng nước sâu loại 1A của quốc gia. Đây được xem là cửa ngõ chính của Đồng bằng sông Cửu Long với đường hàng hải quốc tế châu Á Thái Bình Dương. Vùng có 5 địa điểm nước sâu có thể xây dựng cảng là Phú Quốc (Kiên Giang), Hòn Khoai (Cà Mau), Gành Hào (Bạc Liêu), Duyên Hải (Trà Vinh) và Trần Đề. Qua nghiên cứu, đánh giá của các nhà khoa học, Trần Đề có vị trí thuận lợi nhất vì gần trung tâm vùng, có nhiều tuyến đường kết nối.

Nay mai thôi, một khu vực dự kiến rộng khoảng 30.000ha từ cửa Trần Đề đến cửa Mỹ Thanh sẽ có một “siêu cảng”. Trong đó, sẽ có cảng ngoài khơi, có khu dịch vụ hậu cần, cảng logistics, cảng trung chuyển hàng hóa phía bờ. Một cầu cảng nối cảng trung chuyển đến cảng ngoài khơi dài hàng chục cây số. Dự chừng, công suất thiết kế từ 80 - 100 triệu tấn/năm, trong đó giai đoạn đến năm 2030 có công suất khoảng 30 - 35 triệu tấn/năm. Cảng Trần Đề có thể tiếp nhận tàu tổng hợp, tàu chuyên container tải trọng 100.000 DWT hoặc lớn hơn, tàu hàng rời 160.000 DWT…

Nói với phóng viên, bà Khưu Đăng Phượng - Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Đề cho biết, hiện địa phương đang được đầu tư những công trình trọng điểm, trong đó có dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng mà điểm cuối là Trần Đề là khu thương mại phức hợp. Cùng với cảng nước sâu Trần Đề sẽ cộng hưởng mở ra một chặng đường phát triển mới cho địa phương. Trong tương lai, tỉnh Sóc Trăng cũng định hướng phát triển du lịch đột phá khi dự kiến sẽ mở một tuyến cáp treo từ huyện Trần Đề qua huyện đảo Cù Lao Dung.

Có thể bạn quan tâm