Bệnh sốt xuất huyết diễn biến phức tạp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo số liệu từ Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 1.300 ca sốt xuất huyết (SXH) và đã có 1 trường hợp tử vong. Bệnh sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp và có nguy cơ lây lan trên diện rộng.

 Bệnh nhân điều trị SXH tại Trung tâm Y tế huyện Ia Grai. Ảnh: N.T
Bệnh nhân điều trị SXH tại Trung tâm Y tế huyện Ia Grai. Ảnh: N.T

Thành phố Pleiku dẫn đầu danh sách người mắc SXH của tỉnh. Tính đến hết tháng 6-2016, TP. Pleiku ghi nhận 473 trường hợp mắc SXH trải rộng trên 21/23 xã, phường của thành phố. Số người mắc SXH cao tập trung tại phường Hội Phú, Trà Bá và xã Gào, trên 50 người mắc/1 phường, xã. Tính riêng từ ngày 30-5 đến 28-6, trên địa bàn thành phố có 203 người mắc.

Đứng thứ hai danh sách người mắc SXH cao của tỉnh đang là huyện Ia Grai, hiện ghi nhận hơn 232 người mắc SXH, cá biệt có 1 nạn nhân tử vong. Xã Ia Tô và thị trấn Ia Kha đang là tâm điểm của bệnh SXH. Từ ổ dịch được phát hiện đầu tiên tại xã Ia Tô với 115 người mắc, SXH lây lan nhanh đến các xã, tổ dân phố lân cận. Hiện nay, thị trấn Ia Kha trở thành tâm điểm của dịch SXH. Số người mắc SXH tại xã khác như Ia Yok, Ia Krái có xu hướng tăng.

Đang nằm điều trị SXH tại Bệnh viện Đa khoa huyện Ia Grai, ông Đoàn Minh Viên (trú tại xã Ia Krái) cho biết, gia đình ông có 5 người thì có 4 người mắc SXH. “Mấy ngày trước, tôi bị sốt nặng, trên da nổi mẩn đỏ li ti, người nhà đưa vào viện xét nghiệm thì dương tính với SXH. Mấy bữa sau thì vợ, con dâu và cháu gái cũng phải nhập viện điều trị SXH. Chưa thấy năm nào có nhiều người mắc như năm nay”-ông Viên nói.

Ông Lý Tiến Thành-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ia Grai cho biết: Hiện tại, Trung tâm Y tế huyện Ia Grai có 16 bệnh nhân điều trị SXH. “Bệnh nhân tăng đột ngột, chúng tôi phải kê thêm giường để bệnh nhân điều trị. Các năm trước, bệnh nhân mắc SXH ở huyện Ia Grai không nhiều như năm nay. Trung tâm Y tế huyện đã triển khai nhiều biện pháp tổ chức xử lý các ổ dịch, tuy nhiên do thời tiết thay đổi nên công tác dập dịch gặp nhiều khó khăn”-ông Thành chia sẻ.

Bệnh nhân mắc SXH tăng nhanh khiến các cơ sở y tế trong tình trạng quá tải. Những ngày này, tại Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) có rất đông bệnh nhân đến điều trị SXH. Theo thống kê của Khoa Bệnh nhiệt đới, 6 tháng đầu năm 2016, tại khoa tiếp nhận gần 600 ca mắc SXH, cao điểm nhất là tháng 5 và tháng 6.

Theo Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, những địa phương có người mắc đông ở các năm trước lại có bệnh nhân mắc ít, ngược lại những địa phương trước đây ít người mắc SXH lại bùng phát. Khi bệnh SXH diễn biến phức tạp, ngành Y tế đã cùng với các đơn vị liên quan nhanh chóng tổ chức các biện pháp phòng-chống. Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh đã cử cán bộ xuống các huyện, thành phố có số người mắc cao hỗ trợ dập dịch. Cấp hóa chất phun thuốc đồng thời vận động người dân dọn vệ sinh môi trường.

Nhiều năm nay, Gia Lai là một trong những tỉnh có số bệnh nhân mắc SXH cao của cả nước. Mỗi năm, tỉnh ta ghi nhận hàng ngàn lượt trường hợp mắc SXH. Hết năm 2015, toàn tỉnh có hơn 1.900 ca mắc SXH. Trong 6 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh ghi nhận 1.300 ca. Hai năm liên tiếp xảy ra 2 bệnh nhân tử vong do SXH. Ngành chức năng của tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất số người mắc SXH, góp phần nâng cao sức khỏe của người dân toàn tỉnh. Tuy nhiên một giải pháp khả dĩ để hạn chế đến mức thấp nhất người mắc SXH đang là điều người dân mong mỏi.    

 Nguyễn Tú

Có thể bạn quan tâm