Bệnh viêm gan lây nhiễm hơn 30% dân số thế giới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
 
Ngày 27-7, nhân Ngày chống bệnh viêm gan thế giới đầu tiên (28-7-2011) do Liên minh bệnh viêm gan thế giới phát động, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết khoảng 2 tỷ người, chiếm 1/3 dân số thế giới đã bị lây nhiễm bệnh viêm gan và trung bình mỗi năm có khoảng 1 triệu người chết vì căn bệnh này.


Tổng Giám đốc WHO, Margaret Chan, nhấn mạnh bệnh viêm gan virus là một trong số ít bệnh lây nhiễm nghiêm trọng và thịnh hành nhất thế giới cần được con người chú ý, hiểu biết và hành động tích cực và khẩn cấp hơn nữa vì căn bệnh này đã trở thành vấn đề y tế nghiêm trọng của nhân loại.

Mặc dù hầu hết người mắc bệnh viêm gan không biết họ mang bệnh nhưng bệnh vẫn âm thầm lây truyền sang người khác và có thể phát bệnh và gây tử vong bất cứ lúc nào.

Chuyên gia WHO về bệnh viêm gan, Steven Wiersma, lưu ý đây là bệnh mãn tính lây truyền trên phạm vi toàn cầu nhưng hầu như không ai, thậm chí cả các nhà hoạch định chính sách, nhận thức được đầy đủ hiểm họa này.

Bệnh viêm gan thực sự đã gióng lên hồi chuông báo động các hệ thống y tế quốc gia và quốc tế trên toàn cầu vì có khả năng bùng phát thành dịch với quy mô rộng và là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh xơ gan và ung thư gan.

WHO hưởng ứng Ngày chống bệnh viêm gan thế giới đầu tiên nhằm nâng cao nhận thức toàn cầu về căn bệnh này. Bệnh viêm gan, do 5 loại virus A, B, C, D và E gây bệnh, phần lớn lây nhiễm qua nước, thực phẩm, máu, tinh dịch và các dịch lỏng khác của người bị nhiễm virus.

Các virus viêm gan có tốc độ lây nhiễm cao gấp 50-100 lần virus HIV. virus E lây truyền chủ yếu qua nước và thực phẩm là nguyên nhân chính gây bùng phát bệnh viêm gan ở các nước đang phát triển nhưng mối đe doạ này cũng đang tăng lên ở các nước phát triển. Virus B có thể lây truyền từ mẹ sang con khi sinh hoặc trong thời gian nuôi con.

WHO nhấn mạnh các chiến dịch tiêm vắcxin phòng bệnh viêm gan đã thành công đáng kể ở nhiều nước trong đó 180 trong 193 nước trên toàn cầu đã đưa vắcxin chống virus B vào các chương trình tiêm chủng phổ cập đối với trẻ sơ sinh. Các loại vắcxin hiệu quả đã được phát triển để chống các virus A, B, D.

Vắcxin chống virus E đã được phát triển nhưng chưa phổ biến rộng rãi trong khi chưa có vắc xin chống virus C.

Tuy nhiên, điều quan trọng cấp bách hiện nay là thực hiện các biện pháp ngăn chặn và kiểm soát bệnh để đảm bảo người nhiễm virus được xét nghiệm, chăm sóc y tế có chất lượng và được điều trị không chậm trễ.

Theo TTXVN

Có thể bạn quan tâm