(GLO)- Sáng 28-8, đồng chí Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã đến kiểm tra tình hình sản xuất, đời sống của các hộ dân định cư ở khu vực suối Cheng Leng (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện, Gia Lai). Cùng đi có đồng chí Hồ Văn Điềm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành liên quan và lãnh đạo huyện Phú Thiện.
Sớm di dời làng Cheng Leng xuống núi
Làng Cheng Leng nằm biệt lập ở trên đỉnh núi cao, tên làng đặt theo tên con suối gần đó. Toàn bộ khu vực làng Cheng Leng rộng hơn 200 ha, thuộc địa giới hành chính xã Hbông (huyện Chư Sê, Gia Lai), giáp xã Chư A Thai (huyện Phú Thiện, Gia Lai). Nơi đây thế đất bằng phẳng, cây cối xanh tốt. Từ làng Hek (xã Chư A Thai, Gia Lai) theo đường mòn trơn trượt đi bộ ngược lên núi hơn 1 tiếng đồng hồ mới tới làng Cheng Leng. Đây là khu vực định cư và sản xuất ổn định của 36 hộ dân với hơn 90 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào Jrai gốc ở các làng: Dlâm, Hek, Trớ (xã Chư A Thai, Gia Lai).
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang đi bộ lên làng Cheng Leng. Ảnh: Đ.P |
Trao đổi với Bí thư Tỉnh ủy, già làng Rmah Xoan cho hay, hầu hết các hộ dân di dời lên đây từ năm 1990, khi Nhà nước đắp đập ngăn dòng xây dựng công trình đại thủy nông Ayun Hạ. Họ dựng nhà cửa, khai hoang để trồng lúa rẫy, bắp, mì… Trong số 36 hộ dân của làng, 17 hộ có nhà cửa ổn định, sống và sản xuất trên núi; 19 hộ khác có nhà ở dưới làng cũ, chỉ có nhà rẫy và ruộng rẫy để phục vụ sản xuất. Bình quân mỗi hộ có 2-4 ha đất sản xuất. Trong hơn 90 nhân khẩu ở đây có 39 người dưới 18 tuổi không được đi học, không biết chữ. Làng Cheng Leng đích thực là làng “5 không”: không điện, không nước, không đường, không trường học, không trạm y tế.
Trên đường mòn dẫn lên làng Cheng Leng, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang rất lo lắng khi bắt gặp một cặp vợ chồng hớt hải địu đứa con gái hơn 1 tuổi xuống núi để đi bệnh viện. “Con bé bị sốt 2-3 ngày rồi mà trên này không có cán bộ y tế, không có thuốc chữa bệnh, người già cúng hoài mà không khỏi”-người chồng nói.
Họp với dân làng Cheng Leng, Bí thư Tỉnh ủy nghe Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện Rơ Chăm La Ni báo cáo: Huyện đã và đang tiếp tục vận động người dân “hạ sơn” di dời về định cư ở làng Hek, làng Trớ (xã Chư A Thai). Qua nhiều lần khảo sát, vận động, trong số 17 hộ định cư ổn định lâu năm ở làng Cheng Leng đã có 9 hộ đồng ý, 8 hộ còn lưỡng lự. Huyện đã lập đề án chi tiết bố trí đất để lập khu định cư cho các hộ di dời về làng Hek, chờ mùa khô đến sẽ di dời.
Trao đổi với Bí thư Tỉnh ủy, nhiều người dân làng Cheng Leng đã đồng ý dời nhà cửa xuống núi để định cư ổn định ở làng Hek. Người làng bày tỏ mong muốn được hỗ trợ di dời về làng mới để trẻ em được đi học, được chăm sóc y tế. Các ông Ksor Vong, Rmah Xoan và bà Ksor HSam đại diện cho những người già của làng Cheng Leng bày tỏ với Bí thư Tỉnh ủy mong muốn khi dời làng xuống núi định cư thì vẫn được giữ lại chòi rẫy và đất sản xuất trên núi để đảm bảo cuộc sống.
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang cam kết với dân làng rằng tỉnh sẽ huy động bộ đội hỗ trợ bà con di dời nhà cửa xuống núi để ổn định cuộc sống, sản xuất và cho trẻ em được đến trường học chữ, được chăm sóc y tế. Người dân vẫn tiếp tục được sản xuất trên núi và giữ lại chòi rẫy để trông coi hoa màu, phục vụ sản xuất. Bí thư Tỉnh ủy cũng chỉ đạo chính quyền huyện Phú Thiện phải đảm bảo nơi ở mới cho mỗi hộ dân với diện tích tối thiểu 600 m2 để bố trí làm nhà, chuồng trại nuôi nhốt gia súc và làm vườn trồng rau, cây ăn quả, cây bóng mát…
Trước sự quan tâm sâu sát của Bí thư Tỉnh ủy, đông đảo người dân làng Cheng Leng đã vui mừng vỗ tay và hứa sẽ di dời xuống định cư ở làng Hek.
Phải bố trí đất ở cho dân làng
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang (thứ 5 từ trái qua) yêu cầu huyện Phú Thiện (Gia Lai) bố trí đất để di dời dân làng Cheng Leng về làng Hek. Ảnh: Đ.P |
Chiều cùng ngày, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang đã có buổi làm việc với lãnh đạo huyện Phú Thiện, xã Chư A Thai và dân làng Hek. Làng Hek có 92 hộ với 421 khẩu, chủ yếu là người Bahnar. Chính quyền huyện Phú Thiện đang vào cuộc triển khai đề án sắp xếp lại dân cư, bố trí lại sản xuất của làng Hek, dự kiến di dời 76 ngôi nhà của 65 hộ dân. Được sự giúp đỡ của lực lượng bộ đội thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, dân làng cùng với chính quyền địa phương đã chung tay di dời thành công 73 căn nhà của 63 hộ, xây dựng 45 vườn rau, làm và di dời 45 chuồng trại gia súc.
Tại buổi làm việc, Bí thư Huyện ủy Phú Thiện Đỗ Ngọc Thành cho hay, theo đề án sắp xếp dân cư, làng Hek còn lại 15 lô đất dự phòng để sau này dân làng dựng vợ gả chồng cho con cái, có nhu cầu tách hộ sẽ sử dụng đến. Trước mắt, huyện xem xét bố trí để di dời các hộ ở trên núi về nhưng một số hộ dân làng Hek chưa đồng thuận. “Tất cả là vì tập quán của bà con có chỗ khác nhau”-ông Đinh Dinh-Bí thư chi bộ làng Hek-cho biết.
Sau khi lắng nghe bà con trao đổi tâm tư, Bí thư Tỉnh ủy đã biểu dương dân làng Hek thời gian qua đồng tình ủng hộ huyện, tỉnh thực hiện đề án sắp xếp dân cư, bố trí sản xuất để xây dựng làng nông thôn mới, xã nông thôn mới. Về vấn đề di chuyển 17 hộ làng Cheng Leng về làng Hek, Bí thư Tỉnh ủy mong muốn dân làng Hek đồng thuận sẻ chia khó khăn với người dân đang sống biệt lập trên núi để họ được sớm về đây sinh sống, con cháu được đi học, thoát khỏi cảnh mù chữ và được chăm sóc y tế. “Nếu khó khăn về đất ở thì huyện Phú Thiện bố trí khu vực có khả năng nới rộng làng Hek ra để đưa các hộ dân trên núi về”-Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.
Làng Hek hiện còn 7 hộ nghèo. Vì vậy, trong dịp này, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang cho biết sẽ xây tặng 1 căn nhà trị giá 50 triệu đồng cho 1 hộ nghèo của làng.
Đức Phương