(GLO)- Ngày 4-3, Thường trực Tỉnh ủy Gia Lai đã có buổi làm việc với Sở Tài chính, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch về tình hình thực hiện nhiệm vụ ngành năm 2020, nhiệm vụ năm 2021 gắn với chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025).
Chủ trì buổi làm việc có các đồng chí: Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.
Ngành Tài chính quyết tâm tăng thu ngân sách
Báo cáo với Thường trực Tỉnh ủy tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Anh Dũng cho biết: Năm 2020, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 4.582 tỷ đồng, tăng 0,3% so với dự toán Trung ương giao, đạt 88,1% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 0,6% so với năm 2019. Tổng chi ngân sách nhà nước là 12.912,8 tỷ đồng, đạt 99,9% dự toán Trung ương giao, đạt 94,7% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 1,9% so với năm trước.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Sở Tài chính đã tham mưu giúp UBND tỉnh triển khai thực hiện dự toán chi ngân sách đảm bảo tiết kiệm, phát huy hiệu quả nguồn kinh phí, đảm bảo nhu cầu chi thường xuyên và chi đột xuất, đặc biệt là kinh phí phục vụ phòng-chống dịch cũng như thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
Quang cảnh buổi làm việc của Thường trực Tỉnh ủy với Sở Tài chính. Ảnh: Sơn Ca |
Theo Giám đốc Sở Tài chính, trong năm 2021, Sở tiếp tục tham mưu giúp Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI; phấn đấu tăng thu ngân sách bình quân hàng năm 9-10%.
Riêng trong 2 tháng đầu năm 2021, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng tổng thu cân đối ngân sách trên địa bàn đạt 1.060,8 tỷ đồng, đạt 23,3% so với dự toán Trung ương giao, đạt 21% so với dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm 2020. Đối với chi ngân sách trong 2 tháng đầu năm đã thực hiện 1.827,2 tỷ đồng, bằng 15,1% so với dự toán Trung ương giao, đạt 14,5% so với dự toán HĐND tỉnh giao, giảm 9,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngành Văn hóa-Thể thao và Du lịch nỗ lực vượt khó
Báo cáo với Thường trực Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Trần Ngọc Nhung cho biết: Dịch Covid-19 đã khiến cho các hoạt động văn hóa, thể thao bị đình trệ, không tổ chức đúng kế hoạch; lượt khách tham quan đến Gia Lai giảm mạnh so với các năm trước. Dù vậy, ngành đã có nhiều nỗ lực để duy trì các hoạt động đạt hiệu quả. Đặc biệt, ngành đã làm tốt công tác tuyên truyền đại hội Đảng bộ các cấp, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Hoạt động bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa cũng để lại nhiều dấu ấn quan trọng. Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 29 di tích được xếp hạng, trong đó có 14 di tích quốc gia, 15 di tích cấp tỉnh. Công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh. Năm 2020, ngành Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã tổ chức thành công 17 giải thể thao tại tỉnh; các đoàn vận động viên tham gia thi đấu tại 27 giải thể thao khu vực và toàn quốc đạt 119 huy chương (25 huy chương vàng, 36 huy chương bạc, 58 huy chương đồng).
Quang cảnh buổi làm việc của Thường trực Tỉnh ủy với Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch. Ảnh: Phương Linh |
Hoạt động kinh doanh du lịch trong năm 2020 và 2 tháng đầu năm nay bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Tổng lượt khách đến tham quan tại tỉnh năm 2020 khoảng 800.000 lượt, đạt 82,5% kế hoạch, bằng 94,5% năm 2019. Tổng doanh thu du lịch ước đạt 380 tỷ đồng.
“Sở đã nhanh chóng xây dựng các kịch bản khôi phục hoạt động du lịch, triển khai các chương trình xúc tiến kích cầu du lịch Gia Lai tại các tỉnh: Bình Định, Phú Yên và TP. Đà Nẵng; phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam xúc tiến “Chương trình kích cầu du lịch Việt Nam năm 2020”; đón đoàn farmtrip của 120 doanh nghiệp du lịch trong nước khảo sát tại tỉnh; tổ chức gặp mặt, kết nối với các doanh nghiệp du lịch, các cơ quan báo chí tuyên truyền, quảng bá Gia Lai là điểm đến an toàn”-Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cho hay.
Tháo gỡ nhiều vấn đề nổi cộm
Làm việc với Sở Tài chính, các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy cho ý kiến về một số vấn đề như: Ngành Tài chính cần chủ động tham mưu giúp UBND tỉnh tìm giải pháp thúc đẩy tăng trưởng nguồn thu ngân sách một cách bền vững, gắn với chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI.
Để tăng nguồn thu ổn định và bền vững cho ngân sách, ngành Tài chính cần tham mưu các giải pháp nhằm tạo sự bứt phá mạnh mẽ về phát triển kinh tế-xã hội, thu hút đầu tư vào các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế; tập trung bám sát các lĩnh vực công nghiệp xây dựng, năng lượng tái tạo, phát triển công nghiệp chế biến... Đồng thời, quan tâm hơn nữa lĩnh vực quản lý về giá, đặc biệt là việc xác định giá đất trên địa bàn TP. Pleiku và giá cả một số mặt hàng khác.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc của Thường trực Tỉnh ủy với Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch. Ảnh: Phương Linh |
Tại buổi làm việc với Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy cũng có nhiều ý kiến về các lĩnh vực như: Thời gian tới, ngành cần nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa”, cần đi vào thực chất bởi việc xây dựng đời sống văn hóa cũng chính là gìn giữ bản sắc dân tộc. Trong 5 năm tới, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cần xác định các nhiệm vụ trọng tâm, hoạch định cụ thể sẽ làm gì, như thế nào, lựa chọn đầu tư du lịch có trọng điểm.
Cùng với đó, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cần xem xét việc phát triển các làng nghề đan lát, dệt thổ cẩm… gắn với phát triển du lịch. Đặc biệt, trong năm 2021, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ngành cần phải chủ động, kiểm soát thật tốt, phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 tỉnh để xây dựng kịch bản phòng-chống dịch trong các chương trình, hoạt động văn hóa, du lịch, nhất là Giải vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong 2021, Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên tại tỉnh Gia Lai lần thứ 2.
Tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm
Phát biểu tại buổi làm việc với Sở Tài chính, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên nhấn mạnh: Thời gian qua, Sở Tài chính đã rất cố gắng tham mưu giúp Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội.
Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu trong thời gian tới, Sở Tài chính tham mưu, đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh sử dụng các nguồn lực để triển khai thực hiện 4 chương trình trọng tâm của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra. Bên cạnh sự hỗ trợ của Trung ương, địa phương cũng phải chủ động nguồn lực thực hiện, tránh trường hợp “trồng cây mà không ra trái”, phải khắc phục chuyện này và phải làm một cách bài bản hơn. Công tác tham mưu, quản lý, điều hành ngân sách phải thực sự hiệu quả, triệt để tiết kiệm, nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu.
Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu: Ngành Tài chính phải xác định được nguồn thu bền vững, xây dựng nguồn thu ngắn hạn và nguồn thu lâu dài. Trong thu ngân sách, phải tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra. Chi ngân sách phải đảm bảo theo đúng pháp luật, đảm bảo hiệu quả nguồn chi hàng năm, khắc phục các vấn đề trong thanh quyết toán hàng năm, quản lý, tham mưu đề xuất sử dụng nguồn dự phòng ngân sách, quỹ dự phòng đúng mục đích, đúng pháp luật. Không chỉ riêng Sở Tài chính mà các sở, ngành, đơn vị chức năng liên quan cũng cần phối hợp thực hiện tốt trong phân bổ dự án, vốn đầu tư công, đồng thời thực hiện kiểm tra, kiểm soát tốt quá trình thực hiện các dự án.
Sở Tài chính cũng cần đánh giá lại hiệu quả lĩnh vực quản lý giá, quản lý công sản, cần kiểm tra lại và làm cho tốt hơn, bài bản hơn; phối hợp cùng với Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức đánh giá lại tình hình hoạt động của doanh nghiệp, việc chấp hành các quy định của pháp luật cũng như mức độ đóng góp ngân sách. Bí thư Tỉnh ủy mong muốn, trong năm mới, nhiệm kỳ mới, ngành Tài chính tỉnh sẽ có đột phá trong việc tham mưu, quản lý tài chính ngân sách.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn phát biểu tại buổi làm việc của Thường trực Tỉnh ủy với Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch. Ảnh: Phương Linh |
Kết luận buổi làm việc với Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu, thời gian tới, ngành cần tiếp tục phát huy giá trị các di sản văn hóa và di tích lịch sử, phải bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số, phát huy giá trị trong điều kiện kinh tế thị trường; phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc xây dựng đời sống văn hóa, khu dân cư văn hóa, gia đình văn hóa; giao Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch xây dựng đề án phát triển thể thao thành tích cao. Về du lịch, ngành cần kêu gọi xã hội hóa để các tổ chức, doanh nghiệp cùng tham gia.
Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch phải thật chuyên nghiệp trong quản lý, đào tạo cán bộ, nhân lực phục vụ các lĩnh vực của ngành; kiện toàn nhân sự quản lý. Cùng với đó, năm 2021, Sở cần tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch trên địa bàn tỉnh để thu hút du khách, phát huy giá trị văn hóa của tỉnh đến với bạn bè trong và ngoài nước đi liền với tâm thế chủ động phòng-chống dịch Covid-19.
SƠN CA-PHƯƠNG LINH