Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai: Không nhân nhượng với cơ sở chế biến gỗ vi phạm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 269 cơ sở sản xuất, chế biến lâm sản; trong đó, huyện cấp 174 giấy phép cho hộ gia đình, còn lại tỉnh cấp 95 giấy phép. Mọi tiêu cực, hạn chế trong xã hội xuất phát từ cơ quan nhà nước mà ra. Mình không cấp giấy phép cho họ thì họ lấy cơ sở gì mà chở gỗ lậu trên rừng về. Tôi đề nghị Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy vào cuộc kiểm tra, xem xét việc cấp giấy phép có đúng không? Hoạt động có đúng theo giấy phép không?”.
Ngày 25-9, Thường trực Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị giao ban các cơ quan Khối Đảng tỉnh và các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc nhằm đánh giá tình hình công tác quý III và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý IV-2019. Các đồng chí: Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Hồ Văn Niên-Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.
“Nóng” công tác quản lý bảo vệ rừng
Trên cơ sở tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác quý III-2019, phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang yêu cầu các đại biểu cần đánh giá, nhìn nhận lại công tác xây dựng Đảng. Trong đó, tập trung mổ xẻ những tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng Đảng từ đầu năm đến nay. Đồng thời, Bí thư Tỉnh ủy cũng đặt ra một số vấn đề về vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các tổ chức Đảng trong thực hiện nhiệm vụ các mặt công tác để các đại biểu tập trung thảo luận. Cụ thể như: năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức Đảng, đảng viên còn yếu; vẫn còn cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, cơ quan, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc về tầm quan trọng, sự cần thiết phải gắn việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) và Chỉ thị 05-CT/TW vào sinh hoạt chi bộ; công tác tổ chức cán bộ, quy hoạch nhân sự chuẩn bị cho đại hội Đảng các cấp; vấn đề quản lý bảo vệ rừng, tài nguyên khoáng sản…
 Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Q.T
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Q.T
Một trong những vấn đề “nóng” được các đại biểu quan tâm, tập trung thảo luận, bàn giải pháp xử lý trong thời gian tới là công tác quản lý bảo vệ rừng. Đặc biệt, tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn giáp ranh giữa các huyện Ia Pa, Kông Chro, Mang Yang thời gian qua diễn biến rất phức tạp. Về vấn đề này, Bí thư Huyện ủy Ia Pa Võ Anh Tuấn cho biết: “Với cương vị là người đứng đầu địa phương, trước hết, tôi nhận khuyết điểm trước Thường trực Tỉnh ủy khi để xảy ra các vụ khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn thời gian qua. Dù Ban Thường vụ Huyện ủy đã quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, tuy nhiên, tình trạng vi phạm vẫn diễn biến rất phức tạp, các đối tượng lâm tặc rất manh động, sẵn sàng dùng hung khí để chống trả hoặc nhắn tin, điện thoại đe dọa khi bị lực lượng chức năng vây bắt. Dù năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành thông báo đóng cửa rừng, tuy nhiên, từ cuối năm 2018 đến nay, tỉnh tiếp tục cấp mới 3 giấy phép cho các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn huyện. Những vụ vi phạm vừa qua đều liên quan đến những cơ sở chế biến này, cụ thể như họ tung tiền ra để thuê người dân vào rừng lấy gỗ lậu; rồi xảy ra tình trạng tranh giành của các cơ sở này trong đấu giá dẫn đến xô xát; tình trạng các công ty mua bán hóa đơn để hợp thức hóa nguồn gốc gỗ… Do đó, tôi đề nghị tỉnh xem xét thu hồi giấy phép kinh doanh của các cơ sở chế biến lâm sản này, đặc biệt là các cơ sở ở ngay bìa rừng”.
Bí thư Huyện ủy Ia Pa phát biểu thảo luận tại hội nghị. Ảnh: Q.T
Bí thư Huyện ủy Ia Pa phát biểu thảo luận tại hội nghị. Ảnh: Q.T
Ngoài ra, ông Tuấn cũng cho biết: Từ đầu năm đến nay, huyện Ia Pa rất quyết liệt trong việc kỷ luật, xử lý trách nhiệm các đơn vị, cá nhân liên quan đến những sai phạm trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Cụ thể, huyện đã tiến hành xử lý kỷ luật 10 cán bộ, trong đó có Bí thư, Phó Bí thư chi bộ Ban Quản lý Rừng phòng hộ Chư Mố; xử lý kỷ luật kiểm lâm địa bàn rồi luân chuyển… Tuy nhiên, để xử lý triệt để vấn đề này, Bí thư Huyện ủy Ia Pa đề nghị UBND tỉnh chủ trì tổ chức hội nghị về công tác quản lý bảo vệ rừng tại khu vực giáp ranh để bàn giải pháp, chỉ rõ trách nhiệm cũng như chỉ đạo các địa phương phối hợp thực hiện.
Tương tự, Bí thư Huyện ủy Kbang Trương Văn Đạt cũng cho rằng: Cách đấu tranh, ngăn chặn tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp của chúng ta còn chưa có tính chất răn đe cao. Lâm tặc cầm đầu thì vẫn cứ nhởn nhơ, đối tượng bị đưa ra truy tố chỉ có một vài người dân. Tỉnh ủy cần xem xét, nghiên cứu biện pháp toàn diện hơn, ví dụ như quy định trách nhiệm việc xe ra đường không giấy phép, không đủ điều kiện lưu hành mà chở gỗ thì ai chịu trách nhiệm? Thứ 2, rất vô lý khi kiểm tra hóa đơn xác định nguồn gốc gỗ thì Kbang lại ra An Khê mua gỗ, chưa kể gỗ nhập từ Kon Tum hoặc Quảng Ngãi… Đề nghị lực lượng Công an xem thử đường dây này làm như thế nào? Do đó, tôi đề nghị công tác đấu tranh, quản lý bảo vệ rừng cần có những biện pháp mạnh hơn, toàn diện hơn, kiểm tra loại tội phạm không có gỗ mà mở doanh nghiệp làm hóa đơn, xuất hóa đơn, kể cả việc đấu tranh với tiêu cực trong nội bộ của chúng ta.
Cũng liên quan đến công tác quản lý bảo vệ rừng, Bí thư Huyện ủy Kông Chro Trần Cao Nguyên cho biết: Trên địa bàn huyện Kông Chro hiện có 8 cơ sở sản xuất, chế biến lâm sản, trong đó có 2 cơ sở do tỉnh cấp giấy phép. Các cơ sở này hoạt động cầm chừng, đặc biệt là 2 cơ sở do tỉnh cấp giấy phép. Trong 2 cơ sở này thì có 1 cơ sở hầu như không hoạt động, cơ sở còn lại thì cũng không thấy cưa xẻ gì nhưng thỉnh thoảng lại đưa gỗ về. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản lý bảo vệ rừng.
Về ý kiến các đại biểu nêu ra, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 269 cơ sở sản xuất, chế biến lâm sản; trong đó, huyện cấp 174 giấy phép cho hộ gia đình, còn lại tỉnh cấp 95 giấy phép. Mọi tiêu cực, hạn chế trong xã hội xuất phát từ cơ quan nhà nước mà ra. Mình không cấp giấy phép cho họ thì họ lấy cơ sở gì mà chở gỗ lậu trên rừng về. Tôi đề nghị Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy vào cuộc kiểm tra, xem xét việc cấp giấy phép có đúng không? Hoạt động có đúng theo giấy phép không?”
Tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế
Để ngăn chặn, hạn chế tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành đề nghị: Các địa phương cần tiến hành rà soát, xem lại những vùng nào không nhất thiết cấp giấy phép kinh doanh các cơ sở chế biến lâm sản thì đề xuất lên tỉnh để có hướng xử lý kịp thời. Đồng thời, chỉ đạo các ngành, lực lượng chức năng, chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra các cơ sở chế biến lâm sản đang tồn tại, nếu phát hiện vi phạm thì lập biên bản, đề xuất xử lý, thu hồi giấy phép. Chính quyền địa phương, các ngành chức năng cần xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm pháp luật về quản lý bảo vệ rừng cũng như các cá nhân, tập thể có hành vi tiếp tay cho lâm tặc…
Đoàn liên ngành huyện Ia Pa và Kông Chro kiểm tra tình hình phá rừng tại khu vực giáp ranh. Ảnh: internet
Đoàn liên ngành huyện Ia Pa và Kông Chro kiểm tra tình hình phá rừng tại khu vực giáp ranh. Ảnh: internet
Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang nhấn mạnh: Công tác xây dựng Đảng từ đầu năm đến nay đã có những chuyển biến toàn diện hơn so với cùng kỳ năm 2018. Đa số các Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy vẫn tiếp tục giữ vững, phát huy được năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu; nhiều Đảng bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; các ban Đảng của Tỉnh ủy làm tốt vai trò tham mưu của mình và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nhất là trong công tác phòng-chống tham nhũng…
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc, các ban Đảng của Tỉnh ủy khẩn trương làm tốt công tác chuẩn bị để triển khai đầy đủ Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về công tác chuẩn bị đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục và dân vận trong tất cả các lĩnh vực công tác, nhất là tuyên truyền cho công tác chuẩn bị đại hội Đảng sắp đến. Đẩy mạnh và thực hiện nghiêm, đầy đủ, nâng cao hơn nữa hiệu quả của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị. Khẩn trương hoàn thành sớm kế hoạch kiểm tra, giám sát trong Đảng ở tất cả các cấp, các ngành trong năm 2019. Đề nghị Bí thư các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương rà soát, đôn đốc làm sao các chỉ tiêu xây dựng Đảng năm nay phải đạt.
Đặc biệt, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu Bí thư các huyện về chỉ đạo rà soát lại những cơ sở sản xuất, chế biến lâm sản trên địa bàn của mình, cơ sở nào mà vừa qua vi phạm theo giấy phép đăng ký kinh doanh thì nhanh chóng thu hồi giấy phép, không nhân nhượng. Các cơ sở sản xuất, chế biến lâm sản nào mà ở gần bìa rừng (trong đó có rừng tự nhiên, không có rừng sản xuất) thì đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư thu hồi giấy phép kinh doanh và có thể cấp lại cho họ ở một nơi khác không gần rừng. Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu Bí thư các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra hậu kiểm mỗi tháng 1 lần các cơ sở chế biến lâm sản, nếu phát hiện vi phạm thì tiến hành thu hồi giấy phép. Đồng thời, chỉ đạo lực lượng chức năng ngăn chặn tình trạng này ngay từ cửa rừng và các cơ sở chế biến gỗ.
QUANG TẤN

Có thể bạn quan tâm