(GLO)- Ngày 30-3, đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai đã đến kiểm tra và làm việc với hệ thống chính trị xã Ia Mơr (huyện Chư Prông) nhằm đánh giá tình hình phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 và chỉ đạo triển khai nhiệm vụ năm 2022.
Cùng đi có lãnh đạo các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, các sở, ngành và lãnh đạo huyện Chư Prông.
Kinh tế-xã hội còn khó khăn
Báo cáo với đoàn công tác, Bí thư Đảng ủy xã Ia Mơr Rơ Lan Chim cho biết: Xã có hơn 31 km đường biên giới giáp với Vương quốc Campuchia. Thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc trong xã luôn đoàn kết, chăm lo lao động sản xuất và chung tay bảo vệ biên giới. Toàn xã có 635 hộ với 2.537 khẩu, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 81%. Trên địa bàn xã có các đơn vị như: Đồn Biên phòng Ia Mơr, Đồn Biên phòng Ia Lốp, Trung đoàn Kinh tế Quốc phòng 710...
Hiện nay, toàn xã có 1,8 ngàn ha cây trồng các loại, đàn gia súc hơn 4.000 con; xã trực tiếp quản lý hơn 14 ngàn ha đất lâm nghiệp, trong đó có 10.600 ha rừng sản xuất, hơn 3.400 ha rừng phòng hộ; đã trồng được hơn 65 ha rừng. Trong năm 2021, UBND xã phối hợp với Hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định canh huyện tiến hành kiểm đếm đất đai, hoa màu để đền bù giải phóng mặt bằng Dự án xây dựng 12 tuyến kênh thuộc hồ chứa nước Ia Mơr và đã xây dựng được 10 tuyến. Hiện toàn xã còn 36 hộ nghèo với 134 khẩu, chiếm 5,71% dân số; 88 hộ cận nghèo, chiếm 13,96% dân số. Thu nhập bình quân đầu người đạt 18 triệu đồng/năm. Đến nay, xã mới hoàn thành 11 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Vĩnh Hoàng |
Trên lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị, Đảng bộ xã có 8 chi bộ với 108 đảng viên. Năm 2021, Đảng bộ đã kết nạp 7 đảng viên mới. Để củng cố và xây dựng hệ thống chính trị, Đảng ủy xã đã bổ sung quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2021-2026; tiến hành thực hiện các quy trình công tác cán bộ, bổ sung các chức danh còn khuyết; cử 5 cán bộ tham gia chương trình bồi dưỡng quản lý nhà nước ngạch chuyên viên và 18 người tham gia bồi dưỡng kiến thức pháp luật.
Bí thư Đảng ủy xã Rơ Lan Chim nhấn mạnh: Ia Mơr là địa bàn biên giới nên điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, xã cách xa trung tâm huyện nên giá các mặt hàng nông sản rất thấp. Tuy nhiên, đồng bào các dân tộc trong xã luôn đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của chính quyền. Từ đầu năm đến nay, xã đã đạt được những kết quả tích cực. Theo đó, tổng diện tích lúa Đông Xuân là hơn 98 ha. Xã cũng đã làm các thủ tục giới thiệu nhân sự Phó Chủ tịch UBND xã nhiệm kỳ 2021-2026; xây dựng kế hoạch dự kiến nhân sự chuẩn bị cho đại hội chi bộ, bầu bí thư chi bộ, bầu trưởng/phó các thôn, làng. Năm 2022, Đảng bộ xã phấn đấu kết nạp 6 đảng viên mới. Cùng với đó, hệ thống chính trị luôn được củng cố và kiện toàn, các tổ chức đoàn thể phát huy tốt vai trò vận động, tập hợp hội viên đã góp phần thúc đẩy phong trào thi đua lao động sản xuất.
Cần tìm giải pháp căn cơ
Để thúc đẩy xã Ia Mơr phát triển, Bí thư Huyện ủy Chư Prông Đinh Văn Dũng đề nghị sớm điều chỉnh địa giới hành chính khu vực suối Khôn vì đây thực chất là đất của xã Ia Mơr nhưng người dân thuộc xã Ia Piơr. Cùng với đó, Sở Nông nghiệp và PTNT cần biên chế đủ lực lượng cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Mơr nhằm tạo thuận tiện cho việc quản lý, bảo vệ rừng. Tỉnh cần quan tâm xem xét kiến nghị chuyển đổi gần 11 ngàn ha cao su trên địa bàn huyện đã bị chết hoặc kém hiệu quả để trồng các loại cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn; đầu tư kinh phí để làm kênh mương dẫn nước ra các cánh đồng...
Bí thư Đảng ủy xã Ia Mơr mong muốn lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành quan tâm kiến nghị cấp thẩm quyền xem xét sớm chuyển đổi diện tích đất lâm nghiệp trong khu vực vùng tưới thành đất sản xuất nông nghiệp để tận dụng lợi thế của công trình thủy lợi Ia Mơr. Hiện nay, Trường THPT Pleime chưa có ký túc xá để các em học sinh không có điều kiện ở lại. Do đó, các sở, ngành cần xem xét đầu tư xây dựng nhằm giảm tỷ lệ học sinh đồng bào dân tộc thiểu số bỏ học.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên (thứ 3 từ trái sang) nghe lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT báo cáo về diện tích sản xuất được hưởng lợi từ hồ thủy lợi Ia Mơr (huyện Chư Prông). Ảnh: Vĩnh Hoàng |
Trên địa bàn xã Ia Mơr vẫn còn tình trạng phá rừng. Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa cho biết: Sở đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường lực lượng để quản lý, bảo vệ rừng tốt hơn. Đặc biệt, hồ thủy lợi Ia Mơr có thể tưới cho 1.000 ha đất, chủ yếu là xã Ia Mơr. Chính vì thế, địa phương cần vận động người dân tích cực khai hoang xây dựng đồng ruộng. Sở sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tìm nguồn để hỗ trợ địa phương về lĩnh vực này. “Bên cạnh huy động các nguồn lực của tỉnh, huyện Chư Prông cần bố trí các nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp và vốn khuyến nông để đầu tư các mô hình nhằm nâng cao đời sống cho người dân, từ đó cải thiện chỉ tiêu thu nhập trong xây dựng nông thôn mới”-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT nhấn mạnh.
Giải đáp những đề xuất của địa phương, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Hữu Nguyên cho hay: Để xây dựng ký túc xá tại Trường THPT Pleime, huyện cần khảo sát đánh giá và có kiến nghị đề xuất, riêng kế hoạch vốn đầu tư trung hạn đã được phê duyệt nên không thể bổ sung. Hàng năm, nếu địa phương có nguồn vốn khác thì Sở sẽ tham mưu để thực hiện. Ngoài ra, tỉnh lộ 665 đã thi công đạt 71%, phấn đấu cuối tháng 12 sẽ bàn giao. Khi con đường này hoàn thành sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của các xã trên tuyến, trong đó có xã Ia Mơr.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên lưu ý: Là địa bàn biên giới, điều kiện kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn, dân tộc thiểu số chiếm hơn 81% dân số, nhưng so với trước đây, Ia Mơr đã có sự phát triển. Trên địa bàn xã hiện có nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đứng chân. Vì vậy, cấp ủy, chính quyền cần phát huy lợi thế này. Ngoài ra, đường biên giới của xã chiếm hơn 1/3 đường biên giới của tỉnh, diện tích rộng, dân cư ít, sống phân tán nên công tác xây dựng nông thôn mới còn nhiều khó khăn. Vì vậy, xã cần xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm. Sĩ số học sinh đến lớp thấp, hộ nghèo và hộ cận nghèo còn cao, năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ quản lý ở địa phương còn những hạn chế. Chính vì thế, địa phương phải nhìn nhận thực tế để tập trung các giải pháp khắc phục. Đồng thời, Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị lãnh đạo các sở, ngành cần có chương trình, kế hoạch cụ thể để giúp đỡ xã Ia Mơr trong thời gian tới nhằm tạo chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao đời sống người dân trên địa bàn.
Bí thư Tỉnh ủy cho rằng: Hiện nay, hệ thống đường giao thông, điện, nước đã được giải quyết. Do đó, xã và huyện cần tập trung quy hoạch lại dân cư, khu sản xuất để phát huy hết tiềm năng, lợi thế. Xã cần tập trung phát triển chăn nuôi với quy mô lớn hơn và phải coi đây là một lợi thế để phát huy. Tăng cường quản lý đất, tài nguyên khoáng sản, bảo vệ rừng và trồng rừng, phải bảo vệ bằng được diện tích rừng hiện có khi chưa có quyết định chuyển đổi. Coi công tác giảm nghèo là việc làm thường xuyên, liên tục, tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân, hạn chế mức thấp nhất học sinh bỏ học. Huy động cả hệ thống chính trị tham gia giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn trên địa bàn, tập trung giảm tai nạn giao thông. “Xã cần tập trung nâng cao chất lượng hệ thống chính trị, phát triển đảng viên có chất lượng, tăng cường bám nắm cơ sở, giải quyết tốt những vấn đề phát sinh từ cơ sở, những ý kiến, kiến nghị của người dân. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; từng cơ quan, đơn vị phải coi đây là việc làm thường xuyên liên tục; tập trung nâng cao đời sống người dân. Nhân dân có giàu thì cán bộ, công chức mới hoàn thành nhiệm vụ của mình”-Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu.
Trước đó, Bí thư Tỉnh ủy và đoàn công tác đã đến khảo sát, kiểm tra hồ thủy lợi Ia Mơr. Tại đây, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu địa phương và các đơn vị liên quan khi chưa có chủ trương chuyển đổi diện tích rừng thì cần tập trung giữ bằng được diện tích rừng hiện có.
VĨNH HOÀNG