Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên: Tập trung làm rõ tồn tại, hạn chế để thực hiện tốt nhiệm vụ 6 tháng cuối năm (*)

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 4-7, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai khóa XVI (nhiệm kỳ 2020-2025) đã tổ chức Hội nghị lần thứ 8 (mở rộng). Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên đã có bài phát biểu khai mạc chỉ đạo hội nghị. Báo Gia Lai điện tử xin trân trọng trích đăng bài phát biểu này.

Thực hiện Chương trình công tác năm 2022, hôm nay, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tổ chức Hội nghị lần thứ 8 để thảo luận, đánh giá tình hình thực hiện thực hiện nhiệm vụ công tác 6 tháng đầu năm và xác định nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022. Đồng thời, cho ý kiến đối với 2 dự thảo báo cáo: (1). Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 12-4-2017 của Tỉnh ủy về giảm nhanh và bền vững tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến năm 2025. (2). Báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 3-7-2019 của Tỉnh ủy về bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Gia Lai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Về kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm: 6 tháng đầu năm 2022, mặc dù tiếp tục chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng các cấp ủy, chính quyền của tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, thống nhất, triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp nên đã cơ bản thực hiện tốt công tác phòng-chống dịch, gắn với phục hồi phát triển kinh tế-xã hội, góp phần thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của tỉnh và đạt được những kết quả khả quan trên tất cả các lĩnh vực.

 

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Đức Thụy
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên đề nghị các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và đại biểu dự hội nghị phát huy tinh thần trách nhiệm, tập trung phân tích, bám sát gợi ý để thảo luận, tham gia ý kiến để hội nghị đạt kết quả. Ảnh: Đức Thụy


Kinh tế-xã hội của tỉnh cơ bản được duy trì ổn định. Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội theo chủ trương của Trung ương và Chính phủ. Giá trị sản xuất công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ; thu ngân sách đạt kế hoạch đề ra; hoạt động văn hóa, du lịch có nhiều khởi sắc. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân được triển khai kịp thời, đúng đối tượng. Chỉ số PCI năm 2021 tăng 12 bậc so với năm 2020. Các lĩnh vực văn hóa-xã hội được quan tâm; thực hiện kịp thời, đầy đủ các chế độ, chính sách cho các đối tượng thụ hưởng.

Nhất là đã chuẩn bị chu đáo, tổ chức thành công Tuần lễ các sự kiện chào mừng 90 năm Ngày thành lập tỉnh Gia Lai; Diễn đàn kết nối Tây Nguyên, Hội nghị xúc tiến đầu tư; Chương trình “Gặp gỡ Gia Lai-Nhật Bản 2022”; buổi làm việc với đoàn công tác của Trung ương do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì.

Triển khai thực hiện nghiêm, có hiệu quả nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương. Tình hình an ninh chính trị, an ninh biên giới, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh giữ vững ổn định. Thực hiện tốt công tác đối ngoại, kêu gọi hợp tác đầu tư quốc tế.

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đề ra. Công tác tuyên giáo, tổ chức cán bộ, kiểm tra, giám sát, dân vận tiếp tục được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Công tác tổ chức, cán bộ được thực hiện kịp thời, đúng quy trình, quy định; sửa đổi, bổ sung, ban hành một số văn bản về công tác cán bộ; tiếp tục triển khai thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; chỉ đạo hoàn thành Kỳ thi tuyển dụng công chức, viên chức các cơ quan Đảng, MTTQVN các tổ chức chính trị-xã hội tỉnh và cấp huyện của tỉnh năm 2021 đảm bảo theo tiến độ đề ra. Công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh, ngày càng đảm bảo thực chất, hiệu quả. Hoạt động của MTTQVN và các tổ chức chính trị-xã hội tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, phù hợp với tình hình, diễn biến dịch Covid-19.

Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc cần phải nhìn nhận, đánh giá, tập trung tháo gỡ nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị đã đề ra.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt thấp so với 6 tháng đầu năm 2021 (đạt 6,87%, 6 tháng đầu năm 2021 đạt 9,7%).

Thực hiện và giải ngân xây dựng cơ bản rất chậm (chỉ đạt 18,86% kế hoạch). Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 chậm tiến độ đề ra; tổng vốn đầu tư toàn xã hội giảm (các dự án điện gió chủ yếu triển khai trong năm 2021).

Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình hình an ninh chính trị thế giới, giá xăng dầu, vật liệu xây dựng, vật tư nông nghiệp và nhiều loại hàng hóa cơ bản khác có xu hướng tăng cao làm tăng chi phí sản xuất, vận tải, logistics...; hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục gặp khó khăn.

Công tác phối hợp giữa một số sở, ngành với các địa phương chưa tốt. Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính SIPAS năm 2021 giảm 17 bậc so với 2020. Chỉ số cải cách hành chính PAR Index năm 2021 giảm 21 bậc so với 2020.

Tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp, trật tự an toàn xã hội; tình trạng đầu cơ, thổi giá, thu gom-phân lô bán nền đất nông nghiệp vẫn còn tiếp diễn nhưng chưa được xử lý triệt để.

Tai nạn giao thông tuy giảm số vụ, số người chết nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ, xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng (xảy ra 9 vụ tai nạn giao thông rất nghiêm trọng, 3 vụ đặc biệt nghiêm trọng, làm chết 30 người).

Công tác nắm bắt tình hình tư tưởng trong Đảng và dư luận ngoài xã hội có lúc, có nơi chưa kịp thời, chưa làm tốt công tác dự báo tình hình. Ý thức chấp hành nội quy kỷ luật, kỷ cương hành chính của 1 bộ phận cán bộ công chức còn chưa nghiêm.

Tôi đề nghị các đồng chí tập trung làm rõ một số tồn tại, hạn chế nêu trên; từ đó đề xuất các giải pháp khắc phục, góp phần triển khai thực hiện tốt hơn nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm 2022.

Đối với 2 dự thảo báo cáo:

Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 12-4-2017 của Tỉnh ủy về giảm nhanh và bền vững tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến năm 2025:

Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TU, công tác giảm nghèo chung và giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số đã được cấp ủy, chính quyền các cấp xem là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các chương trình, chính sách hỗ trợ giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai thực hiện có hiệu quả; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 12,59%, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm 26,31%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra; người nghèo đã tiếp cận đầy đủ hơn các chính sách hỗ trợ giảm nghèo của Nhà nước; đời sống đồng bào dân tộc thiểu số được nâng cao, bộ mặt vùng đồng bào dân tộc thiểu số chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

 

Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt thấp so với 6 tháng đầu năm 2021 (đạt 6,87%, 6 tháng đầu năm 2021 đạt 9,7%).
Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt thấp so với 6 tháng đầu năm 2021 (đạt 6,87%, 6 tháng đầu năm 2021 đạt 9,7%). Ảnh: Đức Thụy


Tuy nhiên, sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị là thành viên Ban chỉ đạo giảm nghèo các cấp có lúc chưa chặt chẽ. Công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ giảm nghèo ở nhiều nơi chưa được thực hiện thường xuyên. Nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo còn hạn chế, việc huy động nguồn lực, xã hội hoá công tác giảm nghèo gặp nhiều khó khăn. Kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững, chênh lệch mức sống giữa người Kinh và người dân tộc thiểu số chưa được thu hẹp; đời sống người dân ở vùng sâu, vùng xa còn khó khăn; nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

Báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 3-7-2019 của Tỉnh ủy về bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Gia Lai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030:

Từ khi thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU, đã đạt được một số kết quả, nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về tiềm năng phát triển cây dược liệu, đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát triển dược liệu bền vững trên địa bàn tỉnh được nâng lên. Từng bước hình thành một số vùng trồng dược liệu tập trung, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Một số mô hình bước đầu đã cho thấy hiệu quả và mở ra một hướng đi mới góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, ổn định đời sống cho Nhân dân.

Việc phát triển cây dược liệu chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có; sản xuất còn manh mún, mang tính tự phát, quy mô hộ gia đình là chủ yếu. Doanh nghiệp đầu tư vào phát triển dược liệu chưa nhiễu. Tổ chức quản lý về khai thác, bảo tồn và phát triển dược liệu còn nhiều bất cập; khai thác chưa đi đối với bảo tồn. Hiện nay, đang còn nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến tổ chức khai thác dược liệu từ rừng tự nhiên và phát triển cây dược liệu dưới tán rừng mặc dù tiềm năng khai thác, bảo tồn cây dược liệu dưới tán rừng của tỉnh là rất lớn.

Qua quá trình triển khai, trên cơ sở thực tiễn của cơ quan, đơn vị, địa phương mình, đề nghị các đồng chí nêu những khó khăn, vướng mắc, những bất cập trong quá trình thực hiện. Đồng thời, nghiên cứu, cho ý kiến về những nội dung, giải pháp trong thời gian đến.

Đồng thời, hội nghị nghiên cứu các báo cáo: Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022. Báo cáo công tác tổ chức, bộ máy và cán bộ thuộc thẩm quyền Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy 6 tháng đầu năm 2022. Báo cáo những công việc quan trọng Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy đã giải quyết từ sau Hội nghị lần thứ 7 đến Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI.

Hội nghị nghe công bố Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng-chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Gia Lai. Thực hiện Quy định số 67-QĐ/TW, ngày 2-6-2022 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của ban chỉ đạo phòng-chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Ban Nội chính Tỉnh ủy đã chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quyết định thành lập và các văn bản liên quan đến hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng-chống tham nhũng, tiêu cực của tỉnh.


Thời gian của hội nghị diễn ra 1 ngày, tôi đề nghị các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và đại biểu dự hội nghị phát huy tinh thần trách nhiệm, tập trung phân tích, bám sát gợi ý để thảo luận, tham gia ý kiến để hội nghị đạt kết quả.

Với tinh thần đó, tôi xin tuyên bố khai mạc Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI.

 

GLO
 

-------
 (*) Đầu đề do Báo Gia Lai điện tử đặt.

 

Có thể bạn quan tâm