Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Bí thư Tỉnh ủy lội rừng tháo "nút thắt" cho ngành Du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong hai ngày (4 và 5-4), Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai Dương Văn Trang đã đến Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh (huyện Mang Yang), trực tiếp khảo sát và nghe các đơn vị báo cáo nhằm tìm cách tháo “nút thắt” cho ngành Du lịch. Bí thư Tỉnh ủy đã có những chỉ đạo thực tế, cụ thể và giao nhiệm vụ cho các đơn vị bằng mọi cách phải tạo chuyển biến để đưa Gia Lai trở thành một điểm đến hấp dẫn của du lịch Tây Nguyên.

“Rừng mà không có thì ai tới”

Tại Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, trong chuyến khảo sát cùng với Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Công ty cổ phần Gia Lai CTC và Ban Quản lý Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang đã dành nhiều thời gian để trực tiếp quan sát thực tế. Bí thư Tỉnh ủy nói trong cuộc làm việc: “Tôi đã từng đến Vườn Quốc gia này nhiều lần. Trước đây, các dãy núi sát nhà làm việc của Ban Quản lý rừng mọc sát bìa rẫy nhưng hôm nay tới đây thì đã thay đổi nhiều. Tôi đi dạo một vòng và thấy rừng bị phá lên đến lưng chừng núi rồi. Hôm nay, chúng ta họp ở đây để bàn về du lịch sinh thái, nhưng rừng mà cứ bị phá như thế thì du khách người ta tới để làm gì?”.

 

Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang (thứ ba từ trái sang) cùng các thành viên của đoàn khảo sát tại Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh. Ảnh: L.D.N
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang (thứ ba từ trái sang) cùng các thành viên trong đoàn khảo sát tại Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh. Ảnh: L.D.N

Ban Quản lý Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh cho biết, hiện nay, rừng ở Kon Ka Kinh là một trong những tài sản đang được yêu cầu giữ nghiêm. Nhiều năm nay, tình trạng người dân ở nơi khác lén vào rừng săn bắn, người dân đốt rừng làm rẫy đã gây ra rất nhiều khó khăn cho công tác quản lý bảo vệ rừng. Dù nhân lực Vườn Quốc gia chỉ chưa tới 100 người nhưng đang gồng mình quản lý, bảo vệ một diện tích rộng lớn từ Mang Yang kéo qua đến tận huyện Kbang.

Ban Quản lý Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh cũng cho biết: Hiện nay, kinh phí cấp để phục vụ trồng lại rừng còn hạn chế. Vườn Quốc gia đang cần kinh phí để phủ lại một số diện tích đã bị người dân xâm chiếm, trồng trọt trái phép. “Ban Quản lý đề xuất với Tỉnh ủy, UBND tỉnh được sử dụng số tiền 1,7 tỷ đồng hiện đang giữ tại Sở Tài chính để làm kinh phí trồng rừng. Đây là số tiền từ khoản đấu giá 2 cây gỗ hương cổ thụ bị chặt phá trái phép trước đây, đã được cơ quan pháp luật làm rõ và truy tố. Số tiền này sẽ trực tiếp giao về cho dân để trồng lại rừng”-Giám đốc Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh Nguyễn Văn Hoan nói.

Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Phan Xuân Vũ cho biết, theo tinh thần cuộc họp xúc tiến đầu tư vào tỉnh Bình Định diễn ra vào ngày 1-4, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã đồng ý để 4 tỉnh gồm: Gia Lai, Đak Lak, Bình Định, Phú Yên ký kết quy chế phối hợp, hợp tác đầu tư du lịch. Nhiều năm nay, du lịch của Gia Lai đang khó khăn vì nhiều lý do khách quan và chủ quan. Dù nhiều tiềm năng nhưng doanh thu từ du lịch hàng năm chỉ đạt 200 tỷ đồng. “Đây là điều làm chúng tôi rất trăn trở. Tôi đã trình bày điều này với Bí thư Tỉnh ủy và được ông trực tiếp chỉ đạo mời các chuyên gia giỏi trong ngành về để tham vấn làm sao đưa du lịch Gia Lai đổi mới. Các chuyên gia đã đưa ra rất nhiều gợi mở có giá trị, trong đó nội dung thiết thực nhất là hướng đến du lịch sinh thái, tận dụng tiềm năng rừng, khí hậu, môi trường”-ông Vũ cho biết.

Ông Vũ cho biết thêm, Tập đoàn FLC đang đầu tư rất mạnh vào du lịch Bình Định bằng một chuỗi khách sạn cao cấp, resort… Bình Định kỳ vọng sẽ đón trên dưới 5 triệu du khách hàng năm. Hướng đi của Gia Lai là sẽ liên kết với Bình Định, Phú Yên để tạo thành chuỗi du lịch “lên rừng xuống biển”, giữ du khách ở lại lâu hơn, tạo thêm sản phẩm và quảng bá vùng đất giàu tiềm năng của tỉnh. “Chỉ cần đón được 1 triệu trong tổng số 5 triệu du khách của Bình Định thì chúng ta cũng đã thành công rồi”-ông Vũ nói.

Họp bàn công việc tại rừng

 

Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang (thứ 3 trái sang) tổ chức họp trao đổi công việc với các đơn vị tại lán trại trong Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh. Ảnh: L.D.N
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang (thứ 5 trái sang) tổ chức họp trao đổi công việc với các đơn vị tại lán trại trong Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh. Ảnh: L.D.N

Trên cơ sở ý kiến đề xuất của các đơn vị liên quan, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang đã trực tiếp cùng Công ty cổ phần Gia Lai CTC, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Bí thư Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện Mang Yang… lội vào vùng lõi của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh. Bí thư Tỉnh ủy muốn trực tiếp kiểm tra công tác quản lý bảo vệ rừng và muốn tận mắt chứng kiến Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh đang chứa đựng những giá trị gì, cũng như thực tế khó khăn vướng mắc của cơ sở để tìm cách tháo gỡ. Sau một đêm ngủ lại trong rừng và nắm bắt sơ bộ tình hình thực tế, sáng 5-4, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang đã tổ chức một cuộc họp ngay tại lán trại trong rừng để chỉ đạo những công việc cụ thể cho các đơn vị. Theo Bí thư Tỉnh ủy, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh là tài sản quý giá của tỉnh. Hệ thống rừng nguyên sinh còn rất dày, nhiều cây gỗ lớn, nguồn nước dồi dào, nhiệt độ trong rừng mát mẻ, hệ động-thực vật phong phú… là những điều kiện rất thích hợp cho hướng đi du lịch sinh thái.
 

Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh được thành lập theo Quyết định số 167/2002/QĐ-TTg ngày 25-11-2002 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở chuyển đổi và nâng cấp từ Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Ka Kinh với diện tích 41.780 ha. Vườn nằm trên cao nguyên Kon Tum, thuộc địa bàn 3 huyện: Mang Yang, Kbang và Đak Đoa của tỉnh Gia Lai.
Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh là 1 trong 4 vườn quốc gia của Việt Nam (cùng Ba Bể, Chư Mom Ray và Hoàng Liên), đồng thời là 1 trong 27 vườn của khu vực Đông Nam Á được công nhận là Vườn di sản ASEAN.

(Nguồn Wikipedia)

Tuy nhiên, tiềm năng này hiện nay chưa được khai thác, tận dụng. Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu Ban Quản lý Vườn Quốc gia bằng mọi cách phải giữ cho được rừng, nếu mất một cây gỗ nào mà có yếu tố lơ là trách nhiệm, chủ quan của cán bộ, lãnh đạo thì tỉnh sẽ kỷ luật nghiêm khắc. “Chúng ta làm du lịch sinh thái thì tiên quyết là phải giữ được rừng. Tôi giao trách nhiệm cho Kiểm lâm, Ban Giám đốc Vườn. Chúng ta có Luật Bảo vệ và Phát triển rừng rồi, cứ chiếu theo luật mà làm”-Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo. Về hướng đi sắp tới, Bí thư Tỉnh ủy nói hiện cơ sở vật chất và các dịch vụ tại vườn còn khá yếu. Tuyến đường dẫn từ ngã ba Lê Bông vào vườn phải đi giáp với một cổng của Trại giam Gia Trung. Trước cổng trại giam này đang để biển cấm. Về nguyên tắc du lịch mà phải đi qua những biển như thế này thì sẽ tạo sự e dè. “Các đơn vị phải ngồi lại rồi dời cái biển cấm đó đi, để du khách người ta vào cho thoải mái. Ở đây không có vướng an ninh bí mật quốc gia gì hết”-Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu.

Sau buổi họp nhanh, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang đã dẫn đầu đoàn tiếp tục ngược lên núi, đi bộ lội rừng khoảng 1 giờ đồng hồ để đến điểm thác Ba Tầng. Tại đây sau khi kiểm tra thực tế, Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo các đơn vị phải ngồi lại, tìm cách khai thác cho được các tiềm năng này, làm sao đưa được du khách tận mắt chứng kiến rừng nguyên sinh nhiều thân cây hai, ba người ôm hay những dòng thác tinh khiết chảy từ trên đầu nguồn xuống. “Sau chuyến đi này, chúng tôi sẽ đánh giá hết, chỗ nào khó khăn, cụ thể ra sao, công ty lữ hành cần gì thì sẽ tính toán để hỗ trợ. Nhà nước sẽ sát cánh cùng doanh nghiệp, xã hội hóa để đầu tư kéo du khách vào không chỉ ở Kon Ka Kinh mà ở Gia Lai nói chung”-Bí thư Tỉnh ủy nói. Đại diện Hội đồng Quản trị, Ban Giám đốc Công ty cổ phần Gia Lai CTC cho biết đơn vị này thống nhất với những chủ trương, chỉ đạo xác thực của Bí thư Tỉnh ủy.

Lê Duy Ngô

Có thể bạn quan tâm