Kinh tế

Nông nghiệp

Biến Gia Lai thành 'thủ phủ' các loài cá được không?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Mạng lưới sông suối, hồ đập ở Gia Lai mở ra tiềm năng nuôi trồng, đánh bắt thủy sản. Nhiều loại cá khủng cũng xuất hiện ở đây nhưng về cơ bản, lợi thế này chưa được khai thác đúng tầm.

Diện tích nuôi trồng thủy sản lớn

Phía đông nam tỉnh Gia Lai là hồ chứa Ayun Hạ với diện tích mặt nước hơn 37 km2, dung tích 153 triệu khối nước, được mệnh danh là đại thủy nông Tây nguyên, cung cấp nước tưới cho hơn 13.000 ha cây trồng, điều hòa khí hậu và đặc biệt có nguồn thủy sản dồi dào. Các loại cá trong hồ chứa Ayun Hạ đã cung cấp ra thị trường Gia Lai và một số tỉnh, thành khác dù nghề nuôi trồng thủy sản ở đây chưa được tổ chức quy củ. Khu vực này còn có các hồ chứa lớn như Ia Mláh có dung tích hơn 54 triệu khối nước, hồ chứa Ia Hdreh…

Hệ thống sông Sê San, một dòng sông lớn ở Tây nguyên, cũng có tiềm năng nuôi trồng thủy sản trên các lòng hồ thủy điện Ia Ly (720 MW) với dung tích hơn 1 tỉ khối nước cùng các lòng hồ khác ở những thủy điện bậc thang như Sê San 3, Sê San 3A… Hay ngược lên phía tây Gia Lai là hồ chứa Ia Mơr dung tích 178 triệu khối nước, hồ Plei Pai dung tích gần 21 triệu khối nước. Xuôi về phía đông Gia Lai là sông Ba, lòng hồ C thủy điện Vĩnh Sơn…

Đánh bắt cá tự phát trên lòng hồ Ia Mơr (H.Chư Prông, Gia Lai)

Để tận dụng lợi thế trời cho, ngành chức năng tỉnh này từ nhiều năm qua đã thả xuống nhiều hồ chứa hàng chục vạn cá giống các loại như: rô phi, trắm, mè, chép… Nhiều loại cá ở các lòng hồ có trọng lượng khá lớn, như cá thác lác nặng từ 3 - 4 kg, cá trắm có con nặng gần cả chục kg, cá lăng tầm vài chục kg…Ngoài ra, những loại cá khác như: cá bống, cá lóc, cá sọc dưa hay cá quý anh vũ… cũng phong phú.

Cá lăng khủng trên 10 kg được đánh bắt từ sông Sê San

Với hệ thống sông suối chằng chịt, hệ thống các hồ chứa thủy điện và thủy lợi lớn, tỉnh Gia Lai đang sở hữu diện tích nuôi trồng thủy sản khá lớn, với khoảng 15.000 ha mặt nước có khả năng nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, so với tiềm năng thì lượng thủy sản từ Gia Lai cung cấp cho thị trường vẫn còn rất khiêm tốn.

Những dự án thất bại và tiềm năng chưa được khai thác

Nguyên nhân của tình trạng này theo ông Thái Văn Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Gia Lai, nghề nuôi thủy sản của Gia Lai còn mang tính tự phát, mô hình nuôi nhỏ lẻ, manh mún, phân tán; chưa áp dụng, nhân rộng hiệu quả công nghệ, kỹ thuật mới vào sản xuất. Lĩnh vực này còn chịu nhiều rủi ro do, phụ thuộc nhiều vào yếu tố môi trường, thời tiết, khí hậu…

Nhiều năm trước, ông Trần Anh Kiệt, một doanh nghiệp từ Nha Trang đã đấu thầu, tổ chức nuôi, đánh bắt cá nước ngọt trên công trình đại thủy nông Ayun Hạ. Ông Kiệt đã kỳ công thiết kế một cái sa bắt cá cố định có thể bắt được hàng tấn cá mỗi ngày mà không phải sử dụng thuyền hay lưới để đánh bắt như thông thường. Sáng kiến này của ông Kiệt đã được xét chọn trao giải ba trong cuộc thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Gia Lai lần thứ 3 cách đây hơn chục năm trước.

Thời điểm này, nguồn cá đánh bắt được chở đi tiêu thụ ở các tỉnh thuộc Tây nguyên, duyên hải miền trung và vào tận cả TP.HCM. Song vì nhiều nguyên do, sau khi hợp đồng nuôi trồng, đánh bắt chấm dứt, mọi chuyện cũng kết thúc. Từ đấy, lòng hồ Ayun Hạ trở thành nơi tranh giành giữa một hợp tác xã và người dân sống bên bờ hồ đánh bắt tự phát. Cá vẫn còn nhiều song hoạt động đánh bắt thiếu quy củ, thậm chí có trường hợp lén lút dùng kích điện đánh bắt.

Sa bắt cá khổng lồ của doanh nhân Trần Anh Kiệt

Tại lòng hồ C thủy điện Vĩnh Sơn (H.K'bang, Gia Lai), Phòng Kinh tế hạ tầng H.Kbang đã làm chủ đầu tư dự án, cùng các hộ dân thả 10.000 con cá tầm giống, nuôi trong 10 lồng với tổng kinh phí 4 tỉ đồng, trong đó vốn sự nghiệp khoa học tỉnh Gia Lai 2 tỉ đồng, vốn của 10 hộ dân 2 tỉ đồng. Ông Lê Thanh Sơn, Phó chủ tịch UBND H.K'bang, cho biết: "Dự án này được ký kết với một đơn vị nhập khẩu trứng cá tầm ở Ukraina từ năm 2013. Đến năm 2014, vì nhiều lý do, đơn vị nhập khẩu vẫn chưa tổ chức thu mua được sản phẩm trứng cá tầm".

Cá tầm nuôi lớn hàng chục kg với mục tiêu ban đầu là lấy trứng đã tiêu tan. Mỗi tháng phải tiêu tốn hàng trăm triệu đồng tiền thức ăn cho đàn cá. Cuối cùng dự án thất bại.

Ông Thái Văn Dung cho rằng, lĩnh vực này cần sự hỗ trợ, giới thiệu các doanh nghiệp, các nhà đầu tư có tiềm năng, đủ năng lực đầu tư hoạt động sản xuất, kinh doanh về thủy sản. Tỉnh Gia Lai còn cần đẩy mạnh thu hút đầu tư vào một số lĩnh vực như: sản xuất thức ăn thủy sản công nghiệp, các nhà máy sơ chế, chế biến thủy sản công nghiệp, các dự án nuôi trồng thủy sản công nghệ cao, ứng dụng công nghệ cao gắn với xây dựng chuỗi liên kết và thương hiệu sản phẩm...

Trong khi tỉnh vẫn còn đi tìm giải pháp thì tiềm năng lớn lớn của Gia Lai vẫn chưa thể tối ưu để làm giàu cho bà con nông dân cũng như đóng góp nhiều hơn vào phát triển kinh tế của địa phương.

Theo Trần Hiếu (TNO)

Có thể bạn quan tâm