Theo kết quả khảo sát gần đây nhất của ngành nhãn khoa, tính chung cả nước, tỷ lệ học sinh bị tật khúc xạ vào khoảng 25% đến 30%, tức là cứ 3-4 em học sinh thì có một em bị tật khúc xạ.
Tại các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, tỷ lệ này dao động từ 30% đến 60% và gia tăng đột biến tại các đô thị, các trường chuyên, lớp chọn; có lớp học tới 100% học sinh phải mang kính vì bị tật khúc xạ.
Số lượng học sinh đeo kính ngày càng tăng. |
Cũng theo các chuyên gia nhãn khoa quốc tế, rất nhiều học sinh Việt Nam có tật khúc xạ nhưng không được phát hiện kịp thời; ngay cả những học sinh đã mang kính nhưng không thay kính kịp theo diễn biến của thị lực đã ảnh hưởng rất lớn đến thị lực và chất lượng cuộc sống.
Tổ chức Y tế Thế giới cho biết châu Á là nơi có nhiều người bị tật khúc xạ, bao gồm Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, Trung Quốc, Mông Cổ, Hàn Quốc và Việt Nam. Cư dân khu vực này có mang những gen khiến cho họ dễ bị tật khúc xạ, nhất là khi có tác động của các yếu tố khác.
Các chuyên gia nhãn khoa xác định nguyên nhân của tình trạng trẻ em bị tật khúc xạ tại Việt Nam, đó là yếu tố di truyền (nguồn gen) và sử dụng mắt quá mức. Yếu tố thứ hai là việc sử dụng mắt quá mức do các em học sinh quen nhìn sách vở gần.
Bên cạnh đó, hiện nay nhiều bạn trẻ dành số thời gian ít ỏi còn lại không cho mắt nghỉ ngơi mà lại sa đà vào game, máy tính và các hình thức giải trí khác đòi hỏi mắt phải căng ra làm việc. Hậu quả là mắt lúc nào cũng phải điều tiết quá mức nên bị tật khúc xạ ngày càng nhiều.
Các chuyên gia ngành mắt cũng cho biết có nhiều cách giúp giảm căng thẳng cho mắt như tăng cường chiếu sáng trong lớp học, giảm tải chương trình học, tránh việc học thêm, hạn chế hình thức giải trí bằng xem truyền hình hay chơi game, tăng cường các hoạt động ngoài trời, ăn các thực phẩm giàu vitamin A, vitamin E…
Nếu mắt không được cải thiện, phải nhờ đến phương pháp phẫu thuật hiện nay khá tiên tiến, thuận lợi và an toàn. Theo đó Kỹ thuật femtosecond laser là công nghệ tiên tiến nhất trong phẫu thuật điều trị tật khúc xạ.
Phương pháp này sử dụng tia laser tần số cao, được thiết kế để tạo ra sự tùy chỉnh, chính xác, an toàn và ít đau đớn hơn các phương pháp trước.
Đến nay, trên thế giới đã có hơn 2.500.000 ca điều trị thành công bằng femtosecond laser. Từ đầu năm 2013, tại Việt Nam, kỹ thuật femtosecond laser đã được Bệnh viện Mắt TP. Hồ Chí Minh và Bệnh viện Mắt Quốc tế-DND tại Hà Nội triển khai cho hơn 100 bệnh nhân với độ thẩm mỹ cao.
Kỹ thuật Femto-LASIK-cắt vạt bằng femtosecond laser và điều trị lasik bằng excimer laser với ưu điểm là không dùng dao cơ học; tạo vạt bằng laser với độ chính xác cao; an toàn, hoàn toàn không biến chứng vạt trong mổ.
Còn kỹ thuật SMILE-điều trị toàn bộ bằng femtosecond laser, không cần cắt vạt, đường mổ nhỏ dưới 4 mm; bảo tồn sự bền vững của giác mạc; không biến chứng vạt trong và sau mổ; độ an toàn rất cao.
Đây cũng là nội dung thông tin được thông báo tại Hội nghị khoa học về nhãn khoa vừa tổ chức tại Hà Nội mới đây.
Tại Hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng công nghệ femtosecond laser phẫu thuật điều trị tật khúc xạ, giúp bệnh nhân không phải ra nước ngoài khi muốn điều trị bằng những phẫu thuật cao cấp.
Nhưng điều quan trọng người bệnh cảm thấy rất hài lòng về độ “tự nhiên” của mắt cũng như những khó chịu không đáng có đối với một cuộc phẫu thuật và tiết kiệm triệt để thời gian.
Theo TTXVN