(GLO)- Ngoài dùng để đựng nước và đựng hạt giống, quả bầu khô còn được các họa sĩ xem như một chất liệu mới để sáng tạo thành những tác phẩm giàu tính nghệ thuật. Bầu khô không còn đơn thuần nằm trên gác bếp, trong góc nhà sàn mà được nâng tầm giá trị, vươn mình mạnh mẽ ra thị trường.
Tranh sơn mài trên quả bầu khô
Trên trang Facebook cá nhân của họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu (TP. Pleiku) đăng khá nhiều hình ảnh những quả bầu được khoác lên tấm áo “sơn mài” hết sức độc đáo. Chúng hoàn toàn khác với những quả bầu thường thấy trên gác bếp hay góc nhà sàn của người Bahnar, Jrai. Dưới lớp sơn mài được nữ họa sĩ tỉ mỉ cẩn, khắc, mài giũa, trái bầu khô như lột xác. Thay vào vẻ ngoài giản dị, mộc mạc thường thấy là vẻ đẹp đầy quý phái, thâm trầm. Họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu cho hay, bà “bén duyên” với chất liệu mới này từ nhiều năm trước. “Năm 2016, tôi đã vẽ sơn mài lên bầu khô và thường đem theo để trưng bày trong các triển lãm tranh trong và ngoài nước, được nhiều họa sĩ, khán giả yêu thích”-họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu tâm sự.
Họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu bên những tác phẩm sơn mài trên quả bầu khô. Ảnh: Phương Duyên |
Trên nền nâu bóng của bầu khô, họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu dành tâm huyết để cẩn, khắc, phối màu làm nên nhiều tác phẩm với đủ loại đề tài: phụ nữ Jrai, Bahnar, mái nhà rông, hoa văn thổ cẩm, mặt nạ… Bằng tình yêu với mảnh đất cao nguyên, bà đã thể hiện rất tinh tế chất Tây Nguyên lên những quả bầu khô. Đường cong của quả bầu tạo cho bức tranh sự chuyển động, uyển chuyển độc đáo. Triền đồi thoai thoải, con đường quanh co hay tấm khăn choàng thổ cẩm vì vậy thêm mềm mại, cuốn hút. Nữ họa sĩ tâm sự: “Tôi nhận ra quả bầu khô rất thích hợp với sơn mài. Lớp sơn mài sau khi được cẩn, khắc lên vỏ bầu thì bám rất chắc, khó bị bong tróc. Khi đưa sơn mài lên quả bầu khô như vậy là biến chúng thành một món đồ mỹ nghệ, có giá trị thẩm mỹ cũng như kinh tế cao hơn”.
Cũng từng thử “mặc áo” cho bầu khô, chị Lê Vi Thủy-giáo viên Mỹ thuật Trường Tiểu học Lương Thạnh (TP. Pleiku) sử dụng màu acrylic để mô phỏng những đường nét hoa văn, thổ cẩm. Những quả bầu khô khoác trên mình tấm áo mới là hoa văn quả trám, con cá, đường zic zắc… đầy sắc màu, vừa mang vẻ đẹp giản dị vốn có, vừa thêm phần tươi tắn, đáng yêu, mới mẻ. Chị Thủy bày tỏ: “Nhằm tạo thêm điểm nhấn cho quả bầu khô, tôi trang trí lên chúng hoa văn thổ cẩm của người Bahnar, Jrai. Để có bề mặt lớp vẽ mịn, lên màu đều, tôi thường phải phủ đi phủ lại 4-5 lớp màu nên tốn khá nhiều thời gian mới hoàn thiện một sản phẩm”.
Tác phẩm tâm huyết
Là vật dụng thân thuộc trong đời sống của các dân tộc bản địa, cùng với các sản phẩm đan lát như gùi, mô hình nhà rông, các sản phẩm thổ cẩm hay mô phỏng nhạc cụ truyền thống…, quả bầu khô có kích thước nhỏ nhắn, xinh xắn là món quà được nhiều du khách chọn làm vật lưu niệm. Giờ đây, khi trở thành tác phẩm nghệ thuật, bầu khô được nâng tầm thành sản phẩm du lịch có giá trị cao. Họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu bộc bạch: “Mỗi bức tranh hay họa tiết vẽ lên quả bầu đã là một tác phẩm nghệ thuật “độc nhất vô nhị”. Nếu làm theo hướng “công nghiệp”, một quả bầu có họa tiết sơn mài cũng có giá khoảng 500 ngàn đồng. Còn đầu tư như một bức tranh hoàn chỉnh, công phu thì không đơn thuần là bầu khô nữa mà nó mang giá trị của một bức tranh hoàn chỉnh”.
Những tác phẩm sơn mài trên quả bầu khô. Ảnh: Phương Duyên |
Những quả bầu khô qua trang trí của chị Thủy cũng nhận được sự ủng hộ của bạn bè và người yêu thích văn hóa bản địa. “Sau khi đăng hình ảnh những quả bầu khô đã được trang trí lên Facebook, tôi rất vui vì chúng được nhiều người quan tâm, đón nhận. Nhiều bạn cũng đặt hàng để làm quà lưu niệm, vật trang trí trong không gian sống, quán cà phê”-chị Thủy cho hay. Quả bầu khô như có thêm sức sống mới trong những bộ “trang phục” do các họa sĩ trao tặng.
Một thoáng trầm lặng, họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu trăn trở: Cuộc sống trong các buôn, làng đang dần hiện đại hóa, quả bầu khô cũng dần vắng bóng. Mỗi lần nhìn thấy ở đâu quả bầu hình dáng đẹp, có thể tạo thành tác phẩm nghệ thuật, bà đều cố gắng mua lại làm “của” để dành. Theo nữ họa sĩ, mặc dù thị trường ở Gia Lai chưa có nhu cầu nhiều song những tác phẩm sơn mài trên bầu khô của bà được các nghệ sĩ cũng như người yêu nghệ thuật ở nhiều tỉnh, thành trong nước và cả nước ngoài yêu thích, đặt hàng. Vì thế, bà đặt nhiều tâm huyết, công sức sáng tạo cho từng tác phẩm sơn mài trên quả bầu. Nữ họa sĩ chia sẻ sắp tới, bà dự kiến đưa một số tác phẩm ưng ý trưng bày tại gallery của mình để giới thiệu với công chúng yêu nghệ thuật, khách tham quan, thưởng lãm như một cách để giới thiệu hình ảnh, văn hóa Tây Nguyên.
PHƯƠNG LINH