Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Biểu quyết thông qua 28 Nghị quyết liên tịch và một số nhiệm vụ trọng tâm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng nay (11-12), kỳ họp thứ 8-HĐND tỉnh Gia Lai khóa X bước vào ngày họp cuối cùng với phiên thảo luận tại hội trường, phiên chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh. Lễ bế mạc kỳ họp diễn ra vào lúc 11 giờ 30 phút cùng ngày.

Quang cảnh ngày họp cuối của kỳ họp thứ 8-HĐND tỉnh. Ảnh: Đức Thụy
Quang cảnh ngày họp cuối của kỳ họp thứ 8-HĐND tỉnh. Ảnh: Đức Thụy

Trong phần trả lời kiến nghị của cử tri và các đại biểu đối với lãnh đạo các sở: Công thương, Giáo dục-Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và PTNT, Nội vụ, Y tế, Lao động-Thương binh và Xã hội, Tài chính, Ban Quản lý Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh,… hầu hết các ý kiến, kiến nghị đều liên quan tới lĩnh vực của sở, ngành mình phụ trách.

Giám đốc Sở Công thương-ông Huỳnh Ngọc Tục đã giải trình tại kỳ họp về các vấn đề liên quan tới sự cố vỡ đê quai tại công trình thủy điện Ia Krêl 2. Ông Tục cho biết, việc thực hiện đền bù thiệt hại chậm là do chưa tìm được sự thống nhất giữa đơn vị chủ đầu tư với người dân. “Người dân đưa ra mức bồi thường quá cao, chủ đầu tư đề nghị xem xét lại. Theo đó, đã thống nhất đưa ra mức hỗ trợ đền bù là 5,87 tỷ đồng và sẽ thực hiện trước ngày 25-12-2014”.

 

Trả lời câu hỏi, có tiếp tục triển khai thi công công trình thủy điện Ia Krêl 2 không? đại biểu Huỳnh Ngọc Tục cho rằng, hiện nay, UBND tỉnh đang giao cho Công an điều tra, xác minh làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm liên quan trong sự cố vỡ đập thủy điện Ia Krêl 2, ngành chức năng và địa phương đang khẩn trương tập trung giải quyết công tác đền bù thiệt hại cho người dân vùng hạ du. Ông Phạm Đình Thu-Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tọa kỳ họp, đưa ra quan điểm: Công trình thủy điện Ia Krêl 2 chỉ có công suất thiết kế là 5,5 MW, chỉ có tác dụng phụ trợ trong việc cung cấp điện năng, không giải quyết được vấn đề thiếu điện của quốc gia. “Công suất nhỏ nhưng diện tích ngập lại lớn, ảnh hưởng đến đất đai sản xuất và đời sống của người dân. Tôi đề nghị UBND tỉnh và các ngành, địa phương liên quan nên cân nhắc xem xét và đưa ra quyết định sao cho phù hợp với lòng dân. Trong các đợt tiếp xúc cử tri ở huyện Đức Cơ, nhiều ý kiến người dân cho rằng, không nên tiếp tục thi công xây dựng công trình này”-ông Phạm Đình Thu, nhấn mạnh.
 

Đại biểu Huỳnh Ngọc Tục Giám đốc Sở Công thương tỉnh giải trình các vấn đề liên quan đến xử lý sự cố vỡ đập thủy điện Ia Krêl 2. Ảnh: Lê Hòa
Đại biểu Hồ Phước Thành-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư giải trình một số vấn đề. Ảnh: Lê Hòa

Về ý kiến hiệu quả việc đầu tư, sử dụng một số trang-thiết bị dạy học hiện đại như: phòng lab, phòng vi tính, thiết bị dạy học thông minh… còn nhiều hạn chế; chất lượng thiết bị không đảm bảo, hiệu quả khai thác chưa cao, thậm chí có đại biểu còn cho rằng, máy móc bên ngoài vỏ là thật, bên trong thiết bị đã bị đánh tráo và thay thế bằng hàng không đảm bảo chất lượng. Ông Phạm Ngọc Thạch-Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo, cho rằng: Trước thông tin thiết bị dạy học có vấn đề, chúng tôi đã tiến hành kiểm tra việc mua sắm, sử dụng trang-thiết bị trong 3 năm (2011-2013) và báo cáo lên UBND tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh đã có kết luận: “Không có sai sót, cần phải tập trung nâng cao hơn nữa hiệu quả khai thác hệ thống thiết bị đã được đầu tư”. Còn về thông tin thiết bị bị thay thế linh kiện kém chất lượng, đại biểu Thạch cho rằng, đây là lần đầu tiên nghe thấy phản ánh vấn đề này và hứa sẽ xem xét, kiểm tra và báo cáo lại trong thời gian sớm nhất.
 

Trước ý kiến tiến độ thi công một số công trình xây dựng cơ bản còn chậm, ông Hồ Phước Thành-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, khi tiến hành đấu thầu, Sở đã xét duyệt và lựa chọn những nhà thầu và đơn vị thi công có năng lực và trách nhiệm, tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, tiến độ thi công có lúc, có nơi còn chậm. Một trong những lý do dẫn đến tình trạng trên là do công tác giải ngân vốn đôi lúc vẫn còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Ông Thành, cho biết: Trong thời gian tới, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tham mưu cho UBND tỉnh có chính sách điều chỉnh giải ngân vốn đối với những công trình đang có tiến độ thi công chậm vì lý do này.

Về vấn đề xây dựng trụ sở liên cơ quan 2, theo đại biểu Hồ Phước Thành là cần thiết. Bởi, một số trụ sở cơ quan đã xuống cấp, kinh phí sửa chữa sẽ rất lớn. Việc đầu tư xây dựng trụ sở liên cơ quan 2 sẽ nhằm tập trung các cơ quan nhà nước về một mối, tạo thuận lợi cho người dân khi đến liên hệ làm việc. Công trình với quy mô đáp ứng cho 700-750 người làm việc, tạo dấu ấn thẩm mỹ đô thị, tiết kiệm quỹ đất công đang thiếu hụt trầm trọng... Phản hồi vấn đề này, ông Phạm Đình Thu cho rằng: “Ngay thời điểm này mà phá dỡ 2 trụ sở cơ quan là Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ không nhận được sự đồng tình từ người dân. Hơn nữa, nhiều trụ sở xã, phường tại các cơ sở cũng đã xuống cấp trầm trọng, chúng ta nên giãn nguồn vốn để đầu tư xuống các địa phương. Chúng ta phải cân nhắc kỹ thời điểm xây dựng công trình trụ sở liên cơ quan sao cho hợp lý”.

 

 Đại biểu tham gia giải trình tại kỳ họp. Ảnh: Lê Hòa
Đại biểu tham gia giải trình tại kỳ họp. Ảnh: Lê Hòa


Phần giải trình của Phó Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh-ông Trần Văn Đính, cho biết: “Hiện tại, Ban đang phối hợp cùng với chính quyền huyện Đức Cơ giải quyết vấn đề cấp đất ở cho 8 hộ dân có đơn xin giao đất nhưng nhiều năm chưa được giải quyết”. Đại biểu Phạm Đình Thu đề nghị Ban Quản lý Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, Bộ đội Biên phòng tỉnh cùng UBND huyện Đức Cơ giám sát chặt chẽ các hoạt động diễn ra tại khu vực này. Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Đình Thu đặt vấn đề: “Có hay không sự can thiệp của những bàn tay vô hình vào hoạt động tại Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh? Tôi nghĩ là có đấy! Vậy nên, đề nghị các đồng chí phải quản lý, giám sát chặt chẽ các hoạt động này”.
 

Kỳ họp đã thông qua một số chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội chủ yếu trong năm 2015, như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) đạt 12,98%; cơ cấu kinh tế: nông-lâm nghiệp, thủy sản chiếm 36,22%, công nghiệp-xây dựng: 33,61%, dịch vụ chiếm 30,17%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội 15.500 tỷ đồng; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn là 2.700 tỷ đồng; số xã đạt chuẩn nông thôn mới: 15 xã; tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,29%; giải quyết việc làm cho 24.500 lao động…

Cũng trong thời gian tiến hành kỳ họp của HĐND tỉnh lần này, thông qua số điện thoại đường dây nóng (059) 3600556, kỳ họp nhận được 7 ý kiến, kiến nghị của người dân liên quan đến các vấn đề tranh chấp đất đai, khiếu kiện-khiếu nại, đền bù; đề nghị được đối thoại với ông Chủ tịch HĐND tỉnh về các vấn đề liên quan…

Sau 3,5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc với tinh thần trách nhiệm cao, kỳ họp thứ 8-HĐND tỉnh Gia Lai khóa X đã thành công tốt đẹp đúng như kế hoạch đã đề ra. chính thức khép lại. Kỳ họp đã thông qua 28 Nghị quyết liên quan tới các vấn đề liên quan đến tình hình phát triển kinh tế-xã hội, chính trị, an ninh, quốc phòng... Lễ bế mạc kỳ họp diễn ra vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 11-12. Ông Phạm Đình Thu-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, đại diện chủ tọa kỳ họp đã có bài phát biểu quan trọng.

GLO đăng tải toàn văn Phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 8-HĐND tỉnh khóa X đến bạn đọc.

Nhóm P.V

Có thể bạn quan tâm