Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Bộ trưởng Bộ Công thương: Gia Lai sẽ là địa bàn quan trọng để phát triển năng lượng tái tạo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sáng 20-2, đoàn công tác do Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh dẫn đầu đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh về tình hình phát triển công nghiệp, thương mại và triển khai các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Nhiều kiến nghị liên quan đến những vướng mắc trong phát triển các dự án điện mặt trời, điện gió đã được tỉnh đề xuất để sớm tháo gỡ.
Làm việc với đoàn có các đồng chí: Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Bộ trưởng Bộ Công thương làm việc với lãnh đạo tỉnh về phát triển năng lượng tái tạo
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh làm việc với lãnh đạo tỉnh Gia Lai về phát triển năng lượng tái tạo. Ảnh: Hà Duy
Thu hút nhiều dự án năng lượng tái tạo
Theo báo cáo của Sở Công thương, toàn tỉnh Gia Lai hiện có 49 dự án thủy điện đang vận hành với tổng công suất 2.246,15 MW, 1 thủy điện đang triển khai đầu tư xây dựng với tổng công suất 5,6 MW. Ngoài ra, có 25 dự án thủy điện với tổng công suất khoảng 204,6 MW đang được các nhà đầu tư quan tâm, đề xuất UBND tỉnh xem xét, cho phép khảo sát, nghiên cứu đầu tư xây dựng.
Đối với điện mặt trời, UBND tỉnh đã cho phép các nhà đầu tư khảo sát, nghiên cứu đầu tư 41 dự án với tổng công suất 5.578,5 MWp, trong đó có 3 dự án đã được phê duyệt bổ sung quy hoạch với tổng công suất 158 MWp. Ngoài ra, có 12 dự án đã được UBND tỉnh trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt bổ sung quy hoạch với tổng công suất 805 MWp; 26 dự án đang khảo sát, nghiên cứu lập hồ sơ bổ sung quy hoạch với tổng công suất dự kiến là 4.615,5 MWp.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh (thứ 2 từ phải sang) đến thị sát tại 1 dự án điện gió trên địa bàn tỉnh. Ảnh: K.L
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh (thứ 2 từ phải sang) đến thị sát tại 1 dự án điện gió trên địa bàn tỉnh. Ảnh: K.L
Về điện gió, UBND tỉnh cho phép các nhà đầu tư triển khai khảo sát, đo gió 89 dự án với tổng công suất khoảng 13.532,4 MWp. Hiện đã có Dự án Trang trại phong điện HBRE Chư Prông (công suất 50 MW) đang triển khai các thủ tục để đầu tư xây dựng; 56 dự án (tổng công suất 8.178 MW) đã được UBND tỉnh trình cấp có thẩm quyền xem xét bổ sung quy hoạch và 32 dự án (tổng công suất 5.304,4 MW) đang khảo sát, nghiên cứu lập hồ sơ bổ sung quy hoạch. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh còn có 2 nhà máy điện sinh khối từ bã mía là Nhà máy Điện sinh khối Ayun Pa có công suất 34,6 MW và Nhà máy Điện sinh khối An Khê có công suất 110 MW đã đi vào vận hành.
Cần đầu tư, nâng cấp hệ thống truyền tải
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành cho biết, với việc nhiều nhà đầu tư quan tâm, triển khai đầu tư xây dựng các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh thì việc đầu tư, nâng cấp hệ thống lưới điện truyền tải để giải tỏa công suất cho các dự án năng lượng tái tạo là rất cần thiết. “Các công ty thủy điện nằm dọc dòng Sê San như thủy điện Sê San, thủy điện Ia Ly... đang có đề xuất nâng công suất. Tôi đề nghị Bộ Công thương có chương trình hỗ trợ cho các đơn vị này, trước tiên là thủy điện Ia Ly. Gia Lai có tiềm năng về gió rất tốt và hiện có khá nhiều nhà đầu tư muốn đầu tư, tỉnh rất mong Bộ trưởng quan tâm tạo điều kiện để các doanh nghiệp có thể tiếp cận dự án và tiến hành thủ tục đầu tư. Bên cạnh đó, Gia Lai đất rất rộng, mật độ dân cư trải rộng, chúng tôi đề nghị ngành Điện quan tâm hơn đến vấn đề an toàn điện, hạn chế tai nạn cháy nổ”.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh (thứ 2 từ phải sang) trao đổi với lãnh đạo tỉnh và Tập đoàn Điện lực Việt Nam về một số vấn đề liên quan đến đường dây 500 kV. Ảnh: K.L
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh (thứ 2 từ phải sang) trao đổi với lãnh đạo tỉnh và Tập đoàn Điện lực Việt Nam về một số vấn đề liên quan đến đường dây 500 kV. Ảnh: K.L
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Duy Lộc-Phó Giám đốc phụ trách Sở Công thương cũng kiến nghị: “Để đáp ứng nhu cầu phát triển phụ tải của địa phương và một số huyện lân cận của các tỉnh Đak Lak, Phú Yên, đồng thời là điểm nút đấu nối với các dự án năng lượng tái tạo xung quanh khu vực lên lưới điện quốc gia, chúng tôi mong Bộ Công thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam sớm triển khai các dự án liên quan đến lưới điện 220 kV và 110 kV. Đối với lưới điện 500 kV, mong các cấp có thẩm quyền phê duyệt bổ sung dự án “Nâng dung lượng tại trạm biến áp 500 kV Pleiku 2 từ 2x450 MVA lên 2x900 MVA”, sớm triển khai xây dựng để tăng khả năng giải phóng công suất cho các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh”.
Trước những kiến nghị của tỉnh, ông Nguyễn Tài Anh-Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam-ghi nhận: “Gia Lai là trung tâm năng lượng lớn của Tây Nguyên, nhất là về thủy điện. Tập đoàn đang triển khai một số dự án liên quan tới lưới điện 220 kV và 110 kV. Chúng tôi rất cảm ơn vì sự ủng hộ rất nhiệt tình của tỉnh. Đối với trạm Pleiku 2 của đường dây 500 kV, đây là trạm hết sức quan trọng, việc đầu tư nâng dung lượng là cần thiết. Vì vậy, chúng tôi sẽ rà soát và báo cáo cụ thể với Bộ Công thương”. Ông Nguyễn Tài Anh cũng cho biết thêm, lưới điện truyền tải hiện hữu không đáp ứng được yêu cầu giải phóng công suất cho các dự án nguồn năng lượng tái tạo hiện đang triển khai, nếu đầu tư thì cần tới 12 tỷ USD. Sắp tới, Tập đoàn sẽ triển khai xã hội hóa.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh làm việc tại Trạm Biến áp 500KV Pleiku 2 của Công ty Truyền tải Điện Gia Lai
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh làm việc tại Trạm Biến áp 500 kV Pleiku 2 của Công ty Truyền tải Điện Gia Lai. Ảnh: Hà Duy
Sau khi lắng nghe các kiến nghị từ phía tỉnh, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá: “Gia Lai là tỉnh năng động và có nỗ lực liên tục trong cải thiện môi trường đầu tư, cải thiện năng lượng, đồng thời cũng là điển hình trong khai thác tốt tiềm năng và cơ hội của địa phương. Vì vậy, tôi tin Gia Lai sẽ trở thành cứ địa quan trọng để phát triển năng lượng tái tạo, là nút quan trọng của hệ thống lưới điện quốc gia, không chỉ phục vụ nhu cầu điện cho khu vực mà có thể kết nối với nước bạn Lào để bán điện. Sắp tới, Gia Lai cần tiếp tục chủ động trong quy trình hoàn thiện pháp lý, khảo sát và có những đề xuất hỗ trợ cho nhà đầu tư; rà soát để tránh xung đột, chồng chéo trong việc sử dụng đất dành cho phát triển năng lượng tái tạo với các mục đích khác. Đặc biệt, khi triển khai các dự án, phải chú ý yếu tố bảo vệ môi trường, bảo vệ đất rừng”.
Bộ trưởng Bộ Công thương cũng chỉ đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cùng Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp với tỉnh rà soát các quy hoạch để có những điều chỉnh chung phù hợp với chiến lược phát triển năng lượng tái tạo quốc gia; sớm hoàn thiện lưới điện 220 kV và 110 kV; mở rộng công suất của trạm Pleiku; làm việc với nhà đầu tư và địa phương để làm tốt việc đấu nối, giải phóng công suất.
 HÀ DUY

Có thể bạn quan tâm