Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh: Gia Lai thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chiều 27-4, đoàn công tác do đồng chí Hầu A Lềnh-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Gia Lai. Làm việc với đoàn công tác có các đồng chí: Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Kpă Thuyên-Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan.
Quan tâm thực hiện chính sách dân tộc
Báo cáo với đoàn công tác về tình hình công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh những tháng đầu năm 2022, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Kpă Đô thông tin: Việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc và thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo sâu sát. Công tác tuyên truyền, vận động của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức đoàn thể đã góp phần chuyển tải đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc đến quần chúng nhân dân, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh. Gia Lai có 44 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó, dân tộc Jrai chiếm 30,37%, dân tộc Bahnar chiếm 12,51%. Theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh còn 45.688 hộ nghèo (chiếm 12,09%), trong đó có 40.475 hộ dân tộc thiểu số, chiếm 25,58% tổng số hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; 33.866 hộ cận nghèo, trong đó có 24.839 hộ dân tộc thiểu số, chiếm 15,7% tổng số hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Đức Thụy
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Đức Thụy
Trong 4 tháng đầu năm 2022, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ngành liên quan tổ chức 9 hội nghị tập huấn triển khai thực hiện 2 đề án gồm: “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018-2025”, “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025” và 4 lớp bồi dưỡng kiến thức về dân tộc cho cán bộ, công chức, viên chức. Cùng với đó, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với Bưu điện tỉnh cung cấp báo và tạp chí đến người dân, nhất là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; tổ chức thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, hộ dân tộc thiểu số nghèo và người có uy tín trong cộng đồng nhân các ngày lễ, Tết.
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cũng đã ban hành Chương trình số 29-CTr/TU ngày 20-1-2022 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 17/2022/NQ-HĐND về Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025. Tuy nhiên, do chưa thống nhất được nguồn kinh phí trung ương phân bổ cho chương trình nên tỉnh vẫn chưa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện.
Kiến nghị, đề xuất giải quyết những khó khăn, bất cập
Bên cạnh những kết quả đạt được thì việc thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 861/QĐ-TTg phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025. Đến nay, Gia Lai có 104 xã, phường, thị trấn khu vực I (814 thôn); 29 xã khu vực II (202 thôn); 43 xã khu vực III (233 thôn) được phê duyệt tại Quyết định số 861; có 44 xã, phường, thị trấn không đủ điều kiện được phân định khu vực (327 thôn); có 384/1.576 thôn, làng, tổ dân phố thuộc diện đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được phê duyệt tại Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 16-9-2021 của Ủy ban Dân tộc.
Tham gia ý kiến tại buổi làm việc, Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh Trần Văn Lực nhấn mạnh: Cuối năm 2020, toàn tỉnh có 91% người dân có thẻ bảo hiểm y tế. Trong đó, tỷ lệ người dân tộc thiểu số có thẻ bảo hiểm y tế chiếm khoảng 82%. Tuy nhiên, đến cuối năm 2021, qua rà soát, toàn tỉnh chỉ còn 85% người dân có thẻ bảo hiểm y tế; tỷ lệ người dân tộc thiểu số có thẻ chỉ khoảng 56%. Do đó, đề nghị Ủy ban Dân tộc đề xuất Chính phủ rà soát lại các tiêu chí trong Quyết định số 33/2020/QĐ-TTg về tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển giai đoạn 2021-2025; tạo điều kiện để những hộ dân tộc thiểu số ở những xã đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục tham gia bảo hiểm y tế đến năm 2025. Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh cũng đề xuất: Đối với những tỉnh miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số nếu còn kết dư quỹ khám-chữa bệnh bảo hiểm y tế thì giao lại địa phương để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp tục mua thẻ bảo hiểm y tế.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Đức Thụy
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Đức Thụy
Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Rcom Sa Duyên cũng nhấn mạnh về tác động của Quyết định số 861 đến học sinh, sinh viên và đề nghị Chính phủ, Quốc hội có cơ chế hỗ trợ đối tượng này tiếp tục được vay các nguồn vốn ưu đãi. Liên quan đến công tác đào tạo nghề, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cho hay: Thời gian qua, các địa phương trong tỉnh rất quan tâm đến công tác này. Giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho 59.000 lao động, trong đó có 26.000 lao động dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề vẫn còn nhiều khó khăn. Vì vậy, các cấp, các ngành cần có cơ chế hỗ trợ kinh phí đào tạo, thu hút các doanh nghiệp sản xuất đầu tư vào địa bàn.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành đề nghị các ngành: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và PTNT rà soát các chương trình mục tiêu và lồng ghép triển khai thực hiện sao cho hiệu quả. Chủ tịch UBND tỉnh đề xuất với đoàn công tác tham mưu Chính phủ để có giải pháp phù hợp giúp đồng bào dân tộc thiểu số có thời gian tiếp cận, làm quen với những thay đổi trong cơ chế chính sách liên quan đến Quyết định số 861 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, có chính sách phù hợp trong quá trình đào tạo, tuyển chọn nguồn nhân lực người dân tộc thiểu số.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng mong muốn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc sẽ góp thêm tiếng nói với Chính phủ, Quốc hội để công trình thủy lợi Ia Mơr phát huy hơn nữa hiệu quả; đề xuất với Chính phủ có cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện để đưa dân ra vùng biên giới, vừa có thể sắp xếp dân cư, vừa khai thác các tiềm năng thế mạnh ở khu vực biên giới, góp phần giữ vững an ninh biên giới.
Ảnh: Đức Thụy
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Đức Thụy
Nhân chuyến công tác tại Gia Lai, sáng 27-4, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đã đến thăm, tặng quà đồng chí Hà Sơn Nhin-nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh. 
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh bày tỏ sự vui mừng vì công tác dân tộc và chính sách dân tộc đã được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, triển khai thực hiện có hiệu quả. Đặc biệt, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã có 5 nghị quyết chuyên đề rất quan trọng, trong đó có 3 nghị quyết liên quan trực tiếp đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, tỉnh thành lập bộ máy quản lý, điều hành để chuẩn bị cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia một cách đồng bộ, thống nhất và rất cụ thể để các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc chia sẻ khó khăn với tỉnh cũng như mong muốn, nguyện vọng của người dân. Ủy ban Dân tộc sẽ tiếp nhận ý kiến và trong phạm vi trách nhiệm cùng với các bộ, ngành báo cáo với Trung ương, Quốc hội, Chính phủ để từng bước tháo gỡ những khó khăn đó. Đối với các kiến nghị, đề xuất của tỉnh, đoàn công tác sẽ tiếp nhận, tổng hợp và chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cũng đề nghị tỉnh trong quá trình triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia phải có sự lồng ghép và tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ, cùng tham gia. Bên cạnh đó, hàng năm, tỉnh cần đánh giá chính xác những cái được và chưa được trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình, qua đó đề xuất, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.
ANH HUY

Có thể bạn quan tâm