Bộ Y tế tăng cường kiểm soát thực phẩm Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bộ Y tế tăng cường kiểm soát thực phẩm Tết ảnh 1
 
Để tăng cường kiểm soát thực phẩm Tết, Ban chỉ đạo liên ngành TƯ về vệ sinh an toàn thực phẩm đã thành lập 10 đoàn thanh tra liên ngành tiến hành thanh tra vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn tại 21 tỉnh thành trọng điểm.


Đặc biệt đoàn sẽ tập trung thanh tra về nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị sản xuất những mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán như: thịt, sản phẩm từ thịt, bia, rượu, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo,...

Các đoàn của TƯ và tuyến tỉnh sẽ thanh kiểm tra cả nơi cung cấp thực phẩm với số lượng lớn như: các chợ đầu mối, siêu thị, cơ sở thương mại tập trung, cơ sở nhập khẩu thực phẩm. Đối với các cơ sở vừa và nhỏ sẽ chủ yếu do cấp huyện, xã thực hiện thanh kiểm tra.

Bộ Y tế cũng vừa có chỉ thị tăng cường công tác thanh kiểm tra an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán 2012 cho Sở Y tế các tỉnh thành trực thuộc TƯ. Theo đó, Bộ Y tế chỉ đạo giám đốc Sở Y Tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm phối hợp với các sở ngành khẩn trương triển khai đợt thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012. Trong đó, cần chú trọng các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tươi sống, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm an toàn, các loại thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán, các cơ sở sản xuất, kinh doanh phụ gia thực phẩm, cơ sở dịch vụ ăn uống, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể.

Các đoàn thanh tra, kiểm tra cần kiểm tra toàn diện tất cả các khâu từ sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh, bảo quản, vận chuyển và tiêu thụ thực phẩm; thực hiện thanh tra, kiểm tra đột xuất, tập trung vào những cơ sở có dấu hiệu vi phạm, cơ sở có các sản phẩm không bảo đảm an toàn.
 
Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục các quy định của pháp luật, các kiến thức kỹ năng bảo đảm an toàn thực phẩm; kiểm tra, giám sát về an toàn thực phẩm, chỉ đạo công tác phát hiện, điều tra, xử lý ngộ độc thực phẩm đối với các đơn vị thuộc quyền quản lý.

Bộ Y tế cũng nhận định, kết quả thanh tra, kiểm tra năm 2011 cho thấy số vụ việc vi phạm có chiều hướng giảm, tình hình ngộ độc thực phẩm tập thể giảm đáng kể, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người dân được nâng lên. Tuy nhiên vẫn còn một số vi phạm như kinh doanh thực phẩm kém chất lượng, quá hạn sử dụng, vận chuyển, kinh doanh thực phẩm tươi sống, phủ tạng gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, nguyên liệu dùng để chế biến thực phẩm bị ô nhiễm vi sinh, hóa chất, rượu pha chế từ cồn công nghiệp, kinh doanh, sử dụng phụ gia thực phẩm không đúng quy định... còn diễn ra ở nhiều địa phương.

Theo Dantri

Có thể bạn quan tâm