(GLO)- Với 2 hệ thống sông lớn là sông Sê San và sông Ba chảy qua tỉnh ta cùng nhiều sông suối lớn với những con đập thủy điện, ngoài nguồn lợi điện năng, quy trình vận hành hồ chứa đúng quy định là điều tối quan trọng để đảm bảo tính mạng, tài sản của dân.
Xả lũ trong đêm
Vừa qua dư luận “nóng” lên với thông tin 2 hồ chứa Thủy điện An Khê-Ka Nak gồm hồ chứa Ka Nak (dung tích 315 triệu m3) nước và hồ An Khê (15 triệu m3) đã đồng loạt xả lũ vào khoảng 23 giờ ngày 1-11 với mức 200 m3/giây. Vấn đề nghiêm trọng là phía thủy điện chỉ thông báo cho một số lãnh đạo huyện, thị xã phía Đông và Đông Nam tỉnh ta bằng… tin nhắn từ 21 giờ 30 phút tối cùng ngày. Ngay trong đêm, lực lượng phòng-chống lụt bão ở những khu vực này cùng người dân quáng quàng với các biện pháp chống lũ. Những khu vực xung yếu, nhiều khả năng ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của dân được đặt trong tình trạng báo động.
Nước chảy xiết cô lập buôn Jứ Ma Uôk, xã Ia Broăi (huyện Ia Pa). |
Và đến 11 giờ ngày 2-11, thủy điện này đã nâng mức xả lũ lên 600 m3/giây. Nước từ thượng nguồn đổ về hạ du, cộng với mưa lớn khiến mực nước trên sông Ba và các sông suối phụ lưu khu vực Đông Nam tỉnh lên nhanh. Chính quyền các huyện đã huy động lực lượng đưa dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Ông Nguyễn Văn Lộc-Chủ tịch UBND thị xã Ayun Pa bức xúc: “Chúng tôi bị động trong việc ứng phó khi phía thủy điện chưa làm đúng quy trình xả lũ, đến sáng cùng ngày chúng tôi mới nhận văn bản chính thức”.
Cũng trong thời gian này, trên sông Ba lũ tăng nhanh, nước đã tràn qua đập tràn của Thủy điện Đak Srông 3A với mức hơn 3.200 m3/giây. 2 vai đập tràn phía hạ lưu của thủy điện này bị sạt lở nghiêm trọng. Thủy điện Sông Ba Hạ đã có lúc phải xả lũ đến mức hơn 10.000 m3/giây khiến tỉnh cận kề là Phú Yên bị ngập trong lũ. Đặc biệt, phía Thủy điện An Khê-Ka Nak dù đã đưa nhà máy vào hoạt động nhiều năm nhưng lại thiếu chuyên nghiệp, thiếu trách nhiệm trong công tác vận hành hồ chứa. Cụ thể, Thủy điện này đã xả lũ mà không hề thông báo cho Chủ tịch UBND tỉnh đồng thời là Trưởng ban Chỉ huy Phòng-chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Gia Lai.
Bức xúc về sự việc này, UBND tỉnh Gia Lai đã có công văn yêu cầu Bộ Công thương, EVN và các ngành liên quan kiểm tra, làm rõ quy trình xả lũ của Thủy điện An Khê-Ka Nak. Các bộ, ngành chức năng sau khi đi kiểm tra và làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh đã thừa nhận thiếu sót của phía thủy điện khi xả lũ không thông báo cho Chủ tịch UBND tỉnh. Đoàn công tác đã phê bình lãnh đạo Thủy điện An Khê-Ka Nak, yêu cầu nghiêm túc rút kinh nghiệm trong vận hành hồ chứa.
Đừng để dân gánh họa
Gia Lai hiện có 41 nhà máy thủy điện, tổng công suất hơn 2.170 MW và hàng chục công trình hồ chứa thủy lợi. Thủy điện dĩ nhiên phải tích nước vào mùa lũ để có nước vận hành nhà máy vào mùa khô kiệt. Song, không thể vì đơn thuần nguồn lợi kinh tế, để dân ôm mối lo chưa an toàn về những “quả bom nước” này. Chính thế, UBND tỉnh Gia Lai trước mùa mưa lũ đã chỉ đạo các sở ngành liên quan kiểm tra các hồ chứa thủy điện, thủy lợi… kịp thời phát hiện những sai sót và chấn chỉnh, khắc phục.
Trao đổi với P.V Báo Gia Lai, ông Đoàn Tiến Cường-Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Ia Ly cho biết: “Chúng tôi có 3 nhà máy với tổng công suất 1.080 MW nên bắt buộc phải thuộc nằm lòng quy trình vận hành liên hồ chứa do Chính phủ ban hành. Theo đó, trong tình huống bình thường, việc xả nước về hạ du được thông báo cho chính quyền địa phương trước ít nhất 2 giờ đồng hồ. Trường hợp này do chủ hồ tự điều tiết. Trong tình huống khẩn cấp, khi Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương phát đi cảnh báo lũ trong vòng 24-48 giờ tới thì Chủ tịch UBND tỉnh sẽ là người ban bố lệnh vận hành hồ chứa…Việc xả lũ cũng tuân theo quy định về thời gian xả và thời gian nâng mức van xả tràn để hạ du chủ động, giảm thiểu thiệt hại không đáng có. Lần xả lũ lớn nhất của Nhà máy Thủy điện Ia Ly (720 MW) là vào tháng 9-2009 với mức 11.800 m3/giây khi lưu lượng nước về là 15.600 m3/giây”.
Sở Công thương hiện cũng đã có văn bản gửi các chủ đập thủy điện, chấn chỉnh công tác vận hành xả lũ hồ chứa và triển khai các biện pháp phòng-chống lũ lụt cho vùng hạ du. Theo đó, công văn yêu cầu các chủ đập thủy điện thường xuyên quan trắc kiểm tra hồ chứa, thực hiện nghiêm quy trình vận hành hồ chứa. Các chủ đập phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật trong việc thông tin, báo cáo chậm trễ khi vận hành xả lũ, cũng như chậm đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành lệnh vận hành hồ chứa và việc tự ý xả lũ gây hậu quả nghiêm trọng cho vùng hạ du.
Giám đốc Sở Công thương-ông Bùi Khắc Quang cho biết: “Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, mùa mưa Tây Nguyên sẽ kết thúc muộn, diễn biến bất thường. Chúng tôi đã có công văn yêu cầu các chủ đập thủy điện trên địa bàn tỉnh nghiêm túc chấn chỉnh ngay công tác vận hành xả lũ hồ chứa, không được chủ quan, lơ là mà phải tập trung theo dõi diễn biến thời tiết, chủ động triển khai công tác phòng-chống, ứng phó với mưa lũ nhằm đảm bảo cho công trình và an toàn cho vùng hạ du”.
Lệ Ninh