Báo xuân 2025

Bùi Văn Ngợi: Từ Everest đến những “ngọn núi” cuộc đời

E-magazine Bùi Văn Ngợi: Từ Everest đến những “ngọn núi” cuộc đời

Năm 2008, ở tuổi 24, anh Bùi Văn Ngợi (cựu học sinh Trường THPT Lê Lợi, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) đã trở thành người Việt Nam đầu tiên chinh phục thành công đỉnh Everest (Nepal) với độ cao 8.848 m.

Song đó chưa phải là tất cả. Cuộc trò chuyện giữa P.V Báo Gia Lai với kỷ lục gia này cho thấy: Cuộc sống còn những “ngọn núi” khác cũng cần rất nhiều ý chí để chinh phục.

* P.V: Thông thường, khi đã vượt qua một mục tiêu lớn trong đời, nhiều người sẽ không tránh khỏi cảm giác chông chênh trước thực tại. Sau khi cắm cờ trên “nóc nhà thế giới”, anh có bị rơi vào cảm giác này?

- Anh BÙI VĂN NGỢI: Đây đúng là cảm giác của tôi khi đó. Suốt 1 năm trời sống với ước mơ hoài bão chinh phục đỉnh núi cao nhất thế giới nên khi trở về, tôi cứ cảm thấy chênh vênh.

Thời gian này, tôi thường viết nhật ký để tự mình nhìn lại khoảng lặng bên trong. Tôi tự hỏi: Everest đã cho mình những bài học gì? Mình rút ra được gì từ đó? Tôi nhận ra rằng, trong cuộc sống phải luôn có mục tiêu. Vậy mục tiêu tiếp theo là gì và phải làm gì để đạt được? Trả lời được những câu hỏi đó thì mới xác định được con đường mình đi và tìm thấy hạnh phúc.

* P.V: Vậy mục tiêu mới của anh thời điểm đó là gì?

- Anh BÙI VĂN NGỢI: Tôi bắt đầu học lại năm cuối vì lúc tham gia rèn luyện thể chất và chinh phục đỉnh Everest, tôi đang là sinh viên năm thứ 4 Đại học Thể dục thể thao TP. Hồ Chí Minh, phải bảo lưu kết quả học tập 1 năm. Sau khi tốt nghiệp vào năm 2009, tôi quyết tâm thực hiện 2 điều: cải thiện cân nặng và vốn tiếng Anh.

Thời điểm leo núi Everest, cân nặng của tôi chỉ có 49 kg, trong khi các vận động viên còn lại rất to cao. Nhẹ cân là một bất lợi do trang phục leo núi và ba lô rất nặng. Huấn luyện viên là chuyên gia nước ngoài, phải làm việc, trao đổi hàng ngày mà không biết tiếng Anh thì rất khó khăn. Tôi quyết định bằng mọi giá phải thực hiện được 2 mục tiêu này.

* P.V: Và anh đã hiện thực hóa ra sao? Các mục tiêu này có khó như chinh phục đỉnh Everest?

- Anh BÙI VĂN NGỢI: Tôi từng đăng ký học tiếng Anh ở một vài trung tâm tại TP. Hồ Chí Minh nhưng không hiệu quả. Tôi nhận thấy chỉ khi buộc bản thân phải sống trong môi trường hoàn toàn không dùng tiếng Việt thì mới có cơ hội cải thiện vốn ngoại ngữ.

Tình cờ, được biết TP. Siem Reap (Vương quốc Campuchia) có rất đông du khách nước ngoài, sinh hoạt phí rẻ hơn các nước khác nên năm 2013, tôi quyết định sang đây mở phòng tập thể hình để cùng lúc thực hiện các mục tiêu: vừa có thu nhập, vừa rèn luyện để cải thiện cân nặng, đồng thời học và thực hành tiếng Anh. Thậm chí trong thời gian sinh sống tại nước bạn, tôi còn tham gia thi đấu và trở thành vận động viên thể hình trong đội tuyển quốc gia Campuchia.

Hiện nay, tôi đang giữ cân nặng ổn định ở mức 70-72 kg, khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh cũng khá tốt. Nếu việc chinh phục đỉnh Everest cần rèn luyện liên tục trong 1 năm thì để cải thiện cân nặng và vốn tiếng Anh tôi phải cần đến 4-5 năm. Không chỉ là sức bền, ý chí và nghị lực mà còn là câu chuyện về “mindset” (tư duy, niềm tin, định hướng xử lý và đối mặt với các tình huống trong cuộc sống-P.V).

* P.V: Điều này khiến ta hiểu rằng không thể hài lòng mãi với một đích đến nào cả và trong cả cuộc đời mỗi người luôn phải tự xác định những mục tiêu mới để sống sao cho thật ý nghĩa.

- Anh BÙI VĂN NGỢI: Thông thường, con người ta ít khi muốn vượt ra khỏi vùng an toàn, nhưng một khi có ý chí thì ta có thể vượt lên một ngưỡng mới. Tôi nghiệm thấy cuộc đời mình sinh ra là để trải nghiệm.

Gia đình tôi ngày trước sống ở phường Thắng Lợi (TP. Pleiku), hoàn cảnh nghèo khó, có 7 anh chị em. Tôi vừa đi học vừa chăn bò, làm rẫy cà phê và hay tự hỏi: Sống một cuộc đời an phận như vậy rồi mình sẽ đi về đâu? Hồi đó, tôi giỏi môn điền kinh, thường thi đấu cho trường nên chọn thi vào Đại học Thể dục thể thao TP. Hồ Chí Minh. Cũng vì muốn sống thật ý nghĩa, muốn cống hiến gì đó nên tôi quyết định tham gia thử thách chinh phục đỉnh Everest.

Ở mỗi độ tuổi, nhận thức của con người sẽ thay đổi. Tôi đọc được trong một tài liệu rằng, trong nhiều loại hình thông minh thì có loại hình “thông minh tự nhận thức”. Điều này phụ thuộc vào trải nghiệm từ thực tế và từ việc đọc sách. Do vậy, tôi đọc rất nhiều thể loại sách khác nhau như phát triển kỹ năng sống, hạt giống tâm hồn... Con người đã có thể lực mà còn phát triển thêm trí lực thì chắc chắn sẽ có lợi thế lớn.

* P.V: Anh phát huy lợi thế này như thế nào từ khi rời Campuchia về Việt Nam? Phải chăng đó lại là một trải nghiệm lý thú khác?

- Anh BÙI VĂN NGỢI: Năm 2019, tôi về nước theo lời mời hợp tác của một công ty du lịch thể thao mạo hiểm. Sau nhiều thay đổi về công việc, tôi đang là cổ đông của Công ty Alex Tourism (TP. Hồ Chí Minh) và phụ trách mảng du lịch trải nghiệm như trekking, leo núi. Tôi cũng mở thêm Trung tâm Huấn luyện thể chất và phục hồi Everest Functional Fitness để huấn luyện thể lực cho khách hàng trước khi tham gia các tour khó.

Ngoài các ngọn núi trong nước, tôi thường hướng dẫn chinh phục các ngọn núi cao và hiểm trở tại Nepal, Indonesia và nhiều nơi khác trên thế giới. Gần đây, tôi trực tiếp huấn luyện thể chất, tư vấn dinh dưỡng và đưa nhiều người chinh phục thành công đường đến Everest Base Camp-điểm khởi đầu cho hành trình chinh phục Everest.

Tôi cũng vừa cùng học trò trở về từ đỉnh Manaslu (Nepal), đỉnh núi cao thứ 8 trên thế giới với 8.163 m. Thỉnh thoảng, tôi được mời làm diễn giả truyền cảm hứng trong một số sự kiện. Tôi hạnh phúc vì yêu việc mình làm.

3aafd29fdb9764c93d86.jpg
Anh Bùi Văn Ngợi làm diễn giả truyền cảm hứng tại một sự kiện

* P.V: Có khi nào anh cảm thấy sợ hãi trước những thử thách mới?

- Anh BÙI VĂN NGỢI: Con người thường sợ những gì họ không hiểu rõ. Tôi từng đọc được một câu rất hay: Nỗi sợ là thứ không có thật, đó chỉ là sản phẩm của não bộ. Nỗi sợ hoàn toàn khác với sự nguy hiểm. Ví dụ: Leo núi rất nguy hiểm nếu không may khe băng nứt khiến mình sẩy chân rơi xuống bên dưới, nếu thiếu oxy…

Vậy cách phòng bị là gì? Một khi trả lời được, tức là biết cách sinh tồn trong điều kiện khắc nghiệt thì khi đó sẽ không còn sợ hãi. Bản thân tôi, chính khi đối diện với thử thách sinh tồn, khi tay cầm chặt sợi dây leo núi và tập trung toàn bộ sức lực, tâm trí vào khoảnh khắc đó thì tôi mới thấy mình thực sự đang sống một cách quyết liệt nhất.

Tôi nghĩ, ở độ tuổi nào, công việc nào cũng có những khó khăn riêng. Nhưng, người mạnh mẽ là người biết chấp nhận đương đầu trước mọi điều xảy đến với cuộc đời mình.

* P.V: Đâu là câu nói truyền cảm hứng của anh mỗi khi diễn thuyết?

- Anh BÙI VĂN NGỢI: Đó là câu mà tôi thường nhắc đi nhắc lại: Để tạo ra kỳ tích, chúng ta chỉ cần là một con người bình thường, làm những việc bình thường nhưng nhất định phải với nỗ lực phi thường.

* P.V: Anh có dự án gì dành riêng cho quê hương Gia Lai không?

- Anh BÙI VĂN NGỢI: Gia Lai là nơi tôi sinh ra, lớn lên nên đầy kỷ niệm. Thời điểm lập nghiệp ở Campuchia, mỗi lần về quê, tôi đều gói một nắm đất đỏ mang theo. Quê mình có núi, có thác, có rừng, tôi cũng muốn về làm du lịch trải nghiệm nhưng còn nhiều yếu tố chưa phù hợp nên có lẽ phải hẹn thêm một thời gian nữa.

* P.V: Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị này. Chúc anh có thêm nhiều thành công mới trong năm mới!

Có thể bạn quan tâm