Ca trực đêm 30 Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong khoảnh khắc giao thời giữa năm cũ và năm mới thiêng liêng, có những con người vẫn vật lộn với mạng sống của bệnh nhân. Với họ, Giao thừa là những bông băng, những cơn đau, tiếng khóc và cả những tiếng cười của người bệnh.
 

Niềm vui của người cha đón đứa bé chào đời đầu tiên trong năm Giáp Ngọ. Ảnh: Lê Văn Ngọc
Niềm vui của người cha đón đứa bé chào đời đầu tiên trong năm Giáp Ngọ. Ảnh: Lê Văn Ngọc

Đồng hồ điểm 0 giờ, đêm Pleiku bỗng sôi động rộn ràng bởi những tiếng pháo hoa vụt lên sáng lóa một vùng trời. Người người nô nức vui tươi đón nhận cái khoảnh khắc thiêng liêng trong những nụ cười, những tiếng chúc tốt lành. Ở một góc nhỏ của thành phố, những bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng có những cách đón Giao thừa của riêng mình. Theo bác sĩ Bạch Anh Hùng-Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, vào thời điểm đêm 30 Tết toàn Bệnh viện có khoảng hơn 400 bệnh nhân đang nằm điều trị. Cùng với đó là hàng trăm bác sĩ, y tá cũng "trực chiến" đón năm mới cùng bệnh nhân. Và như một truyền thống, đêm Giao thừa năm nào Bệnh viện cũng tổ chức buổi lễ đón năm mới tại Hội trường cho các y-bác sĩ cùng người nhà bệnh nhân. Buổi lễ với những tiếng hát, với bánh kẹo cùng những ly rượu nhạt cũng đủ toát lên sự ấm áp của tình người tại bệnh viện.

Nhưng không phải tất cả các bác sĩ, y tá đều được đón Giao thừa trong không khí ấm áp đó. Ở những khoa "nóng" như Khoa Sản hay Khoa Cấp cứu, các bác sĩ, y tá vẫn hay đùa với nhau rằng, trong cái khoảnh khắc giao thời ấy, khi mọi người hân hoan đón Giao thừa thì họ cũng đón, nhưng mà là đón... bệnh nhân. 0 giờ, những tiếng nổ lụp bụp của pháo hoa len lỏi vào bệnh viện, trong phòng sinh của Khoa Sản, nữ hộ sinh Nguyễn Thị Hoa cùng 4 bác sĩ, hộ sinh khác vẫn mải mê chăm sóc những sản phụ đang trở dạ. Chị Hoa chia sẻ: "Chúng tôi phải theo dõi sát sao từng biểu hiện của sản phụ để có sự chăm sóc một cách chu đáo nhất. Nghe tiếng pháo hoa biết là Giao thừa đến rồi nhưng Giao thừa ý nghĩa nhất với chúng tôi là đón được mẹ tròn con vuông".

Với những bác sĩ, hộ sinh tại Khoa Sản, họ cũng có những "đặc sản" trong đêm Giao thừa. Họ tâm sự rằng, ban đầu trực đêm Giao thừa cũng thoáng chút buồn, nhưng khi nghe tiếng khóc từ những em bé mới chào đời là lòng lại cảm thấy bừng bừng phấn khởi. Đến nỗi mà đến những năm không trực Giao thừa, họ lại nhớ, lại "ghiền" nghe tiếng khóc ấy hơn những tiếng pháo nổ đùng đoàng. Đêm ấy, ngay sau khoảnh khắc Giao thừa, các bác sĩ, hộ sinh Khoa Sản ai nấy cũng phấn khởi khi đón cháu bé đầu tiên chào đời trong năm Giáp Ngọ tại bệnh viện. Đó là bé gái Chu Ngọc Như Thảo, con của chị Võ Thị Sâm và anh Chu Văn Quang trú tại phường Hội Phú, TP. Pleiku. Cặp vợ chồng trẻ rạng rỡ đón đứa con khỏe mạnh và không ngớt lời cảm ơn những người đã "vượt cạn" cùng chị Sâm. Với những bác sĩ, hộ sinh ở Khoa Sản, có lẽ đó là một Giao thừa không thể ý nghĩa hơn để chào đón một năm mới tươi vui.

 

Những bệnh nhân bị tai nạn giao thông liên tục nhập viện trong đêm Giao thừa. Ảnh: Lê Văn Ngọc
Những bệnh nhân bị tai nạn giao thông liên tục nhập viện trong đêm Giao thừa. Ảnh: Lê Văn Ngọc

Nếu như ở Khoa Sản có tiếng khóc, tiếng cười và đầy niềm vui thì ở Khoa Cấp cứu lại "khốc liệt" hơn nhiều. Ở đây người ta chỉ thấy những cơn đau quằn quại, bông băng và... máu. Giao thừa điểm, cánh cửa phòng Cấp cứu liên tục mở toang  đến đón bệnh nhân. Trong phòng trực ban, các bác sĩ và y tá chia nhau những chiếc kẹo, trao nhau những lời chúc vội rồi liền bắt tay vào "cuộc chiến". Ai nấy cũng bận rộn chạy đôn chạy đáo với công việc của mình. Bác sĩ Hoàng Đình Cư chia sẻ: "Đêm Giao thừa năm nào cũng vậy, bệnh nhân vào còn đông hơn ngày thường, nhất là các ca tai nạn giao thông nên chúng tôi phải "chạy" mướt mồ hôi. Nhiều khi mải mê khám cho bệnh nhân, quay qua quay lại rồi chẳng biết Giao thừa đến tự bao giờ nữa". Đúng như lời bác sĩ Cư, ngay sau Giao thừa, chỉ trong vòng chưa đầy 1 tiếng đồng hồ đã có gần 10 trường hợp nhập viện vì tai nạn giao thông. Các bác sĩ, y tá cứ thế tất tả suốt một đêm trắng để giành giật mạng sống của bệnh nhân với tử thần.

Năm Giáp Ngọ ùa đến sau màn pháo hoa diễm lệ, người người nô nức đón mùa Xuân. Nhưng ở đâu đó trong thành phố, vẫn có những con người thầm lặng cống hiến mùa Xuân của  mình cho những người bệnh.

Lê Văn Ngọc

Có thể bạn quan tâm