Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Các địa phương ở Gia Lai cấp bách khắc phục sạt lở đất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Do ảnh hưởng của bão số 12, tình trạng sạt lở đất, nhất là dọc bờ sông Ba-đoạn qua địa bàn các huyện phía Đông và Đông Nam tỉnh Gia Lai ngày càng trầm trọng. Hiện các cấp ngành, địa phương đã xây dựng biện pháp khắc phục tạm thời và lâu dài đối với các vị trí sạt lở nguy hiểm nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân cũng như các công trình giao thông trọng điểm.
Nhiều điểm sạt lở sau bão số 12
Có mặt trên con đường từ trụ sở UBND xã Ya Hội (huyện Đak Pơ) đến ngã ba đường làng Mông 1 và làng Chép ngay sau cơn bão số 12, chúng tôi chứng kiến ống cống thoát nước bị nước lũ cuốn trôi một đoạn khá dài. Nhiều đoạn đường bị sạt lở với chiều dài khoảng 10 m, toàn bộ đất chân ở lề đường bị nước cuốn trôi, xói mòn hở hàm ếch khiến cho việc đi lại thêm khó khăn.
Ông Dương Thái Thạch-Chủ tịch UBND xã Ya Hội-thông tin: “Do lượng nước đổ về lớn cuốn trôi những cống thoát nước ở khu vực này, gây sạt lở nghiêm trọng. Hiện chúng tôi đã làm rào chắn, đồng thời cử Công an xã, lực lượng dân quân trực hai bên để hướng dẫn người dân lưu thông qua đây. Xã cũng đã làm tờ trình xin UBND huyện kinh phí sửa chữa”.
Trao đổi với P.V, ông Huỳnh Ngọc Ẩn-Phó Chủ tịch UBND huyện Kông Chro-cho biết: Ảnh hưởng của cơn bão số 12 khiến 7 công trình giao thông trên địa bàn huyện bị hư hỏng, sạt lở. Trong đó, con đường từ UBND xã Đak Kơ Ning vào làng Ya Ma và Hrách bị hư hỏng nghiêm trọng, làm chia cắt 2 làng này với trung tâm xã và các khu vực khác. Do kinh phí sửa chữa lớn, huyện đã làm tờ trình đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ khắc phục. Đồng thời, chỉ đạo UBND các xã có công trình hư hỏng chủ động sửa chữa hạ tầng giao thông; khơi thông hệ thống cấp, thoát nước và duy trì trực tại các vị trí tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn”.
Dẫn chúng tôi “mục sở thị” bờ sông Ba đoạn đi qua xã, ông Hà Văn Đường-Chủ tịch UBND xã Chư Rcăm-xác nhận: Nhiều năm qua, tình trạng sạt lở bờ sông Ba đã ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt người dân, đe dọa sự an toàn của các hộ dân tại các thôn: Sông Ba, Mới và buôn H’Lang. Hiện nay, ở nhiều vị trí, dòng sông Ba đã xói mòn lấn sâu vào gần quốc lộ 25, đe dọa đến công trình giao thông trọng yếu này. “Cứ sau mỗi mùa mưa lũ, dòng sông Ba tiếp tục “nuốt” sâu vào bờ thêm 3-4 m đất”-Chủ tịch UBND xã Chư Rcăm thông tin.
Bờ suối Đak Pi Hiao-đoạn qua thôn Đoàn Kết (xã Chư Răng, huyện Ia Pa) đã sạt lở vào tận nhà dân. Ảnh: Hồng Thương
Bờ suối Đak Pi Hiao-đoạn qua thôn Đoàn Kết (xã Chư Răng, huyện Ia Pa) đã sạt lở vào tận nhà dân. Ảnh: Hồng Thương
Do ảnh hưởng của cơn bão số 12, trên địa bàn tỉnh có thêm 10 điểm sạt lở mới gây hư hỏng nhiều cơ sở hạ tầng giao thông, cống thoát nước, trường học và làm trôi 3,5 ha đất sản xuất dọc bờ sông Ba. Cùng với đó, tỉnh còn có 16 khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm cần xử lý cấp bách; 7 dự án di dời khu dân cư khẩn cấp và rất nhiều điểm có nguy cơ sạt lở bình thường tập trung chủ yếu tại thị xã An Khê, Ayun Pa và các huyện: Krông Pa, Ia Pa, Đak Pơ, Kông Chro, Phú Thiện, Chư Sê.
Khắc phục sạt lở
Theo ông Trần Văn Hùng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Pa: Huyện có 18 điểm sạt lở dọc bờ sông Ba với tổng chiều dài khoảng 17,33 km (mỗi năm xâm lấn vào bờ sông 1-1,5 m). Trong đó, 1 km có nguy cơ sạt lở đặc biệt nguy hiểm gồm đoạn chân cầu Sông Ba (xã Ia Ma Rơn) và khu dân cư thôn Đoàn Kết (xã Chư Răng) dọc suối Đak Pi Hiao.
“Huyện đã xây dựng kế hoạch ứng phó với sạt lở bờ sông, bờ suối và khắc phục sự cố đến năm 2030. Ngoài theo dõi tình hình sạt lở, cắm biển báo và tuyên truyền để nhân dân biết, địa phương cũng quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác cát, sỏi để không ảnh hưởng dòng chảy. Đồng thời, xây dựng kế hoạch làm kè chống sạt lở đối với các vị trí đặc biệt nguy hiểm và nguy hiểm đề xuất Trung ương hỗ trợ và lập kế hoạch ổn định dân cư cho 257 hộ, trong đó, 16 hộ thuộc diện di dời nhằm tránh nguy cơ sạt lở để đề xuất tỉnh hỗ trợ theo quy định”-ông Hùng cho hay.
Việc khai thác dưới lòng sông Ba-gần chân cầu Lệ Bắc-cũng là một trong những nguyên nhân gây sạt lở ảnh Minh Nguyễn
Việc khai thác cát dưới lòng sông Ba đoạn gần chân cầu Lệ Bắc cũng là một trong những nguyên nhân gây sạt lở. Ảnh: Minh Nguyễn
Trong khi đó, ông Đinh Xuân Duyên-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa-cho biết: Mới đây, HĐND tỉnh đã ra nghị quyết phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện dự án xây dựng kè chống sạt lở bờ tả phía hạ lưu cầu Lệ Bắc (thuộc xã Chư Rcăm), dài khoảng 160 m với tổng kinh phí khoảng 8,8 tỷ đồng. Đồng thời, tiếp tục xây dựng và đề xuất phương án đầu tư xây dựng hệ thống kè, gia cố bờ sông, chân cầu nhằm ngăn ngừa tác động của dòng chảy ở các vị trí sạt lở nguy hiểm tại các xã chịu ảnh hưởng nghiêm trọng gồm: Ia Rsai, Ia Rsươm và Chư Rcăm.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Lương-Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và PTNT) thông tin: Để phòng-chống sạt lở, Chi cục đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương lập các dự án cần xây dựng kè chống sạt lở để đề xuất Trung ương hỗ trợ kinh phí và bố trí ngân sách địa phương, huy động các nguồn vốn thực hiện các biện pháp phòng-chống sạt lở. Hàng năm, nạo vét lòng sông, trồng cây chắn sóng nhằm hạn chế bãi bồi gây thay đổi dòng chảy. Đồng thời, tiếp tục theo dõi, giám sát các vị trí sạt lở; lập phương án xử lý tạm thời.
“Trước mắt, các địa phương cần di dời người dân đến nơi an toàn; cắm biển báo, cảnh báo về tình trạng sạt lở, khu vực sạt lở, mức độ sạt lở để phòng ngừa hoặc di dời; khoanh vùng ngăn không cho người, phương tiện vào khu vực sạt lở và triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời với tình trạng sạt lở, đặc biệt là ảnh hưởng của áp thấp sau cơn bão số 13”-ông Lương cho hay.
NHÓM PHÓNG VIÊN

Có thể bạn quan tâm