(GLO)- Trước tốc độ di chuyển nhanh, mạnh bất ngờ của cơn bão số 9 (bão Molave), Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng-chống thiên tai đã có công điện đề nghị Ban Chỉ huy Phòng-chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Tây Nguyên, trong đó có Gia Lai khẩn trương triển khai các giải pháp ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra.
Theo đó, sau khi đổ bộ vào đất liền từ Đà Nẵng đến Phú Yên, bão số 9 tiếp đi vào Tây Nguyên với sức gió còn rất mạnh, khả năng gây ra mưa lớn, sạt lở đất… Dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên cho biết, từ đêm 27-10 đến hết ngày 28-10, thời tiết trên địa bàn tỉnh Gia Lai có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa phổ biến 80-120 mm, gió mạnh cấp 4-5, giật cấp 7. Riêng khu vực phía Đông và Đông Bắc tỉnh, lượng phổ biến 100-200 mm, có nơi trên 200 mm, gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9-10, nguy cơ làm tốc mái nhà, sập đổ nhà cấp 4, cột điện nhỏ và ngã đổ hồ tiêu, cà phê là rất lớn. Nguy cơ xảy ra lũ quét, ngập úng, sạt lở đất tập trung chủ yếu tại các huyện, thị xã phía Đông và Đông Nam tỉnh.
Chiều 27-10, Công ty Điện lực Gia Lai tổ chức cắt tỉa cây xanh trên địa bàn TP. Pleiku để tránh vướng vào lưới điện. Ảnh: Nguyễn Diệp |
Trước những diễn biến phức tạp và khó lường của cơn bão số 9 ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn tỉnh, hiện nay, các địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra. Ông Đinh Xuân Duyên-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa-cho biết: Trước những dự báo về cơn bão số 9, Ban Chỉ huy Phòng-chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện và các xã, thị trấn đã tổ chức lực lượng túc trực 24/24 giờ để theo dõi sát sao diễn biến thời tiết. Huyện cũng đã chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện và vật dụng cần thiết như áo phao, áo mưa, đèn pin… cùng nguồn lương thực và tiền mặt để hỗ trợ kịp thời cho người dân khi có hiện tượng ngập lụt xảy ra. Đặc biệt, huyện đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân các xã sinh sống dọc sông Ba không đi qua sông suối và những vùng bị ngập để hạn chế nguy hiểm đến tính mạng…
Tương tự, tại huyện biên giới Đức Cơ, ông Trần Ngọc Phận-Phó Chủ tịch UBND huyện-thông tin: Huyện ủy, UBND huyện đã triển khai quyết liệt những giải pháp theo đúng văn bản chỉ đạo của Trung ương và tỉnh đến người dân các xã, thị trấn. Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng như Quân đội, Công an, Bộ đội Biên phòng và các xã, thị trấn đã túc trực nghiêm túc 24/24 giờ theo dõi diễn biến thời tiết để có giải pháp ứng phó kịp thời. Đặc biệt, lãnh đạo huyện đã đi kiểm tra trực tiếp tại các xã biên giới, kêu gọi người dân về nhà, không cho ngủ lại nhà rẫy; đồng thời vận động họ gia cố nhà cửa và chuồng trại chăn nuôi đảm bảo.
Còn tại Đak Pơ, ông Nguyễn Trường-Chủ tịch UBND huyện-cho hay: Huyện đã có công văn hỏa tốc yêu cầu các thành viên Ban Chỉ huy Phòng-chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện và các xã, thị trấn, các chủ đầu tư hồ, đập thủy lợi khẩn trương triển khai rà soát các khu vực nguy hiểm, nhất là những nơi có nguy cơ sạt lở đất, ngập lụt sâu… để chủ động sơ tán dân và tài sản khi có tình huống nguy hiểm. Huyện cũng chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc chấp hành pháp luật của các chủ hồ, đập thủy lợi về đảm bảo an toàn đập, bảo đảm an toàn vùng hạ du. Các địa phương chuẩn bị nguồn lương thực theo phương châm "4 tại chỗ" để chủ động hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả…
Cũng trong chiều 27-10, UBND tỉnh đã có Công văn hỏa tốc số 2188/UBND-NL về khẩn trương triển khai công tác ứng phó bão số 9. Trong đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, các địa phương và các chủ công trình đầu tư tập trung triển khai thực hiện nghiêm các công điện của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng-chống thiên tai cũng như công văn của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ theo dõi diễn biến mưa lũ. Ủy ban nhân dân tỉnh cũng yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo theo dõi diễn biến mưa bão, căn cứ tình hình thực tế để cho học sinh nghỉ học…
NGUYỄN DIỆP