Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Các ý kiến thảo luận tập trung vấn đề an sinh xã hội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Phiên thảo luận tổ của kỳ họp đã diễn ra vào ngày 15-7. Nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, thể hiện tâm tư, nguyện vọng của đông đảo cử tri trong tỉnh được các đại biểu đề cập.

Ảnh: Đức Thụy
Ông Phạm Thế Dũng- Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu ý kiến thảo luận tại kì họp. Ảnh: Đức Thụy

Rừng và những vấn đề liên quan đến rừng vẫn luôn là vấn đề “nóng” được các đại biểu quan tâm, đưa ra bàn luận trong các kỳ họp của HĐND. Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong 6 tháng đầu năm, các ngành chức năng đã phát hiện 491 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (tăng 29 vụ so với cùng kỳ năm 2013); đã xử lý 431 vụ (xử lý hình sự 14 vụ), tịch thu 329 m3 gỗ tròn, 584 m3 gỗ xẻ các loại, 85 ô tô, xe máy; thu nộp ngân sách trên 9,5 tỷ đồng.

Đại biểu Lương Thanh Đức-Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh, cho rằng công tác quản lý, bảo vệ rừng tại một số địa phương chưa nghiêm, còn nhiều hạn chế. “Đề nghị tỉnh xem xét, kiến nghị với Trung ương về việc chuyển các Ban Quản lý Rừng phòng hộ về cho UBND các huyện quản lý thay vì Sở Nông nghiệp và PTNT để có thể gắn kết và dễ dàng hơn trong hoạt động quản lý và bảo vệ rừng tại địa phương”-ông Đức đưa ra ý kiến. Một số đại biểu khác cũng cho rằng hiện tượng cơ quan quản lý, cán bộ, kiểm lâm tiếp tay cho lâm tặc cũng là một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến thực trạng rừng ngày càng bị xâm hại nghiêm trọng.

 

Các đại biểu tiến hành thảo luận tại tổ trong ngày 15-7. Ảnh: Lê Hòa
Các đại biểu tiến hành thảo luận tại tổ trong ngày 15-7. Ảnh: Lê Hòa

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Nhĩ-Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, nêu quan điểm: “Thực trạng vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng trong những năm qua đã giảm đáng kể. Cụ thể: năm 2011 là 1.700 vụ, năm 2012 là 1.600 vụ, năm 2013 giảm còn 1.360 vụ và hiện nay là 491 vụ. Chính quyền các huyện có rừng cũng rất quan tâm và chủ động phối hợp với ngành Kiểm lâm trong công tác quản lý và bảo vệ rừng. Tôi không phủ nhận trong lực lượng Kiểm lâm, một số người có biểu hiện tiêu cực, vi phạm pháp luật và các trường hợp này đã được chúng tôi xử lý. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cần nhìn nhận và đánh giá khách quan hơn bởi bảo vệ rừng là trách nhiệm chung của các cấp, các ngành và toàn xã hội chứ không riêng gì lực lượng Kiểm lâm”.

Bên cạnh rừng, vấn đề triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới cũng thu hút được nhiều đại biểu tham gia thảo luận. Ông Phạm Đình Thu-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh-nhấn mạnh: “Các địa phương triển khai công tác xây dựng nông thôn mới cần phải bền vững chứ không được vội vàng, chạy theo thành tích. Tất cả phải được xây dựng bằng khả năng thực tế của mình, làm đến đâu chắc đến đó, tránh tình trạng sau 3 năm xây dựng lại trở thành nông thôn cũ vì công trình bị hư hỏng”.

 

Nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết của các đại biểu trong phiên thảo luận tổ. Ảnh: Hồng Thi
Nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết của các đại biểu trong phiên thảo luận tổ. Ảnh: Hồng Thi

Đại biểu Nguyễn Ngọc Hùng-Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông bày tỏ ý kiến về vấn đề xây dựng, nâng cấp đường giao thông nông thôn, nhất là một số tuyến đường dẫn đến nơi sản xuất ở các địa phương đang trong tình trạng hư hỏng nặng, mùa mưa đi lại khó khăn; đồng thời chia sẻ thêm về nguyện vọng sản xuất lúa 2 vụ của người dân nhưng không thực hiện được vì thiếu hệ thống thủy lợi.

Về vấn đề thẩm định tiêu chí nông thôn mới, đại biểu Đinh Yeng-đoàn đại biểu huyện Kbang-nói: “Đối với các xã đã hoàn thành 19 tiêu chí, đề nghị tỉnh sớm tiến hành thẩm định, nếu được thì công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, còn xét thấy tiêu chí nào vẫn chưa đạt thì để địa phương biết mà tiếp tục đầu tư, xây dựng thêm”.
    
Bên cạnh, nhiều đại biểu trăn trở về vấn đề giải quyết việc làm cho lao động tỉnh nhà hiện nay. Đại biểu Đinh Duy Vượt nêu ý kiến: “Không riêng gì tỉnh ta, sinh viên hiện nay ra trường thất nghiệp rất nhiều. Chỗ nào cũng thấy con em ra trường nhưng chưa tìm được việc làm”. Cùng ý kiến trên, đại biểu Phan Xuân Trường-đoàn đại biểu Chư Pah, đưa ra những nhận định khá đa chiều, trong đó thẳng thắn đặt dấu hỏi cho những con số trong báo cáo 6 tháng đầu năm 2014 đã đề cập: “Chúng ta nói, 6 tháng đầu năm giải quyết việc làm mới cho hơn 11.900 lao động, con số này dựa vào đâu? Ở đâu ra? Trong khi đó, sản xuất công nghiệp đình đốn, khó khăn khiến các công ty, xí nghiệp… cắt giảm lao động; sinh viên ra trường thất nghiệp đầy rẫy”…

 

Nhiều đại biểu trăn trở về vấn đề giải quyết việc làm cho lao động tỉnh nhà hiện nay. Ảnh: Anh Khoa
Nhiều đại biểu trăn trở về vấn đề giải quyết việc làm cho lao động tỉnh nhà hiện nay. Ảnh: Anh Khoa

Từ vấn đề thất nghiệp, đại biểu Đinh Duy Vượt suy rộng tới công tác đào tạo nghề cho lao động hiện nay. “Chúng ta có kế hoạch xây dựng mỗi huyện, thị xã, thành phố một trung tâm đào tạo nghề, chưa kể chỗ nào cũng thấy đào tạo nghề cho lao động, từ hội thanh niên, nông dân, phụ nữ… nhưng hiệu quả của hoạt động này đến đâu? Tôi cho rằng, cơ cấu ngành nghề đào tạo của chúng ta cần phải xem xét lại”. Lý giải cho điều này, đại biểu Đinh Duy Vượt, phân tích: “Chúng ta đào tạo thợ may, thợ sửa xe máy, sửa máy nổ, máy cày… trong khi đồ may sẵn giờ thị trường vô cùng phong phú; thợ sửa chữa giờ nhan nhản. Học viên hoàn thành xong chương trình đào tạo cũng khó có “đất” để cạnh tranh”. Đại biểu Phạm Đình Thu cũng đánh giá, “chúng ta đã mở rất nhiều lớp đào tạo nghề song hiệu quả lại chưa cao, gây lãng phí tiền của, công sức nhưng hộ nghèo vẫn chưa thể thoát nghèo”.

Bên cạnh đào tạo nghề, vấn đề giảm nghèo được các đại biểu nhắc tới khá nhiều, đặc biệt là xóa nghèo trong đối tượng đồng  bào dân tộc thiểu số, trong đó nhấn mạnh tới nguyên nhân giảm nghèo và hướng giải quyết. Đại biểu Phạm Thế Dũng, nêu quan điểm: “Sau giải phóng, tỷ lệ hộ nghèo tỉnh ta chiếm trên 80%. Đặc điểm phong tục tập quán sản xuất lạc hậu còn ăn sâu trong đời sống người dân địa phương, đây chính là lực cản lớn nhất trong quá trình giảm nghèo. Giảm nghèo ở một tỉnh đặc trưng như Gia Lai phải là một quá trình lâu dài, không thể ngày một ngày hai và chính sách giảm nghèo phải được áp dụng cụ thể, sát với từng nhóm đối tượng”.

Cùng quan điểm trên, đại biểu Nay Thoan-đoàn đại biểu huyện Ia Pa, khẳng định thêm: “Bên cạnh sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội, bản thân mỗi hộ nghèo phải thực sự có ý thức vươn lên thoát nghèo. Đây mới là nhân tố quyết định”. Đại biểu Phạm Thế Dũng, nhấn mạnh: “Chúng ta phải biến nghị quyết về giảm nghèo thành một quyết tâm chính trị, phải có sự vào cuộc của cả hệ thống”.  

Ngày mai, kỳ họp tiếp tục với phần thảo luận tại hội trường, phần chất vấn và trả lời chất vấn đại biểu HĐND tỉnh. GLO sẽ thông tin tới bạn đọc.

Lê Hòa-Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm