Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Cách mạng công nghiệp 4.0 tại Gia Lai: Cần sự "vào cuộc" của tổ chức Công đoàn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mới đây, Liên đoàn Lao động tỉnh Gia Lai phối hợp với Trường Đại học Tôn Đức Thắng TP. Hồ Chí Minh tổ chức 3 lớp tập huấn phổ biến kiến thức về “Vai trò của tổ chức Công đoàn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” cho 179 cán bộ Liên đoàn Lao động tỉnh, huyện, thị xã, thành phố, cán bộ Công đoàn cơ sở và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Tại đây, các học viên được giảng viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng giới thiệu tổng quan và truyền đạt các chuyên đề về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; vai trò của tổ chức Công đoàn dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0-cơ hội và thách thức. Sau tập huấn, các cấp Công đoàn đã về tuyên truyền, vận động công nhân, người lao động thường xuyên tiếp cận với sự phát triển của công nghệ thông tin, đào tạo tay nghề, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn.
 Cán bộ Công đoàn cơ sở tìm hiểu công nghệ robot trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ảnh: Đ.Y
Cán bộ Công đoàn cơ sở tìm hiểu công nghệ robot trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ảnh: Đ.Y
Tiếp thu kiến thức từ lớp tập huấn, ông Nguyễn Đình Hà-Chủ tịch Công đoàn Nhà máy Đường An Khê cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi người sử dụng lao động phải đầu tư nguồn vốn lớn cho máy móc, thiết bị công nghệ cao cũng như trình độ quản trị doanh nghiệp. Trong khi đó, người lao động cũng phải có trình độ chuyên môn vững vàng, liên tục học hỏi để điều khiển, vận hành máy móc, thiết bị. Ông Hà phân tích thêm: Sẽ có một bộ phận không nhỏ người lao động mất việc làm nếu không đủ trình độ đáp ứng yêu cầu công việc. Khi đó, lao động chưa qua đào tạo sẽ bị thất nghiệp và dôi dư lớn, tác động không nhỏ đến kinh tế-xã hội. “Đón đầu cuộc cách mạng này, khi đưa dây chuyền mới vào sản xuất, Nhà máy Đường An Khê đã đưa lao động đi đào tạo trước. Đơn cử, để chuẩn bị cho việc đưa dây chuyền sản xuất đường tinh luyện RE có công suất 1.000 tấn mía ép/ngày vào vận hành vào cuối tháng 12 này, Nhà máy đã cử 70 lao động đi đào tạo nâng cao tay nghề”-ông Hà chia sẻ. 
Còn bà Nguyễn Thị Dung-Chủ tịch Công đoàn Chi nhánh Công ty TNHH Ô Lam Gia Lai thì chia sẻ: Gần 900 lao động đang làm việc tại các dây chuyền của đơn vị đều là lao động phổ thông. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đơn vị đón đầu bằng cách xây dựng, hoàn thiện và đảm bảo thực thi các quy định pháp luật về lao động để phát huy thế mạnh người lao động.
Dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, mối quan hệ lao động cũng sẽ trở nên phức tạp hơn, tạo ra sự bất bình đẳng, thậm chí có thể phá vỡ thị trường lao động. Tiến sĩ Dương Thị Thùy Vân-Giám đốc Trung tâm Công nghệ Thông tin ứng dụng (Trường Đại học Tôn Đức Thắng) nhìn nhận: Công đoàn cần phát huy vai trò bảo vệ quyền lợi cho người lao động; đẩy mạnh tuyên truyền để người lao động hiểu rõ về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, từ đó thay đổi tư duy, phong cách làm việc. Hơn nữa, khi robot tham gia vào lực lượng sản xuất và dần chiếm vị trí quan trọng, tổ chức Công đoàn cần thường xuyên tư vấn, tuyên truyền, giáo dục thay đổi tư duy, nâng cao nhận thức đối với người lao động.
Cũng theo TS. Vân, ngay từ bây giờ, tổ chức Công đoàn cần phát động phong trào học tập, nâng cao tay nghề, kỹ năng mềm, kỹ năng làm chủ công nghệ. Bên cạnh đó, nghiên cứu, định hướng việc làm cho nhóm lao động có chuyên môn thấp, không đáp ứng được yêu cầu lao động công nghệ cao.
Trao đổi với P.V, bà Trần Lệ Nhung-Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh-cho biết: Toàn tỉnh có hơn 85.000 lao động làm việc tại 4.892 doanh nghiệp. Để giúp người lao động nâng cao tay nghề, đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Công đoàn các cấp có vai trò rất quan trọng. Xác định điều này, Công đoàn các cấp đã chủ động đào tạo đội ngũ, định hướng cho cán bộ Công đoàn cơ sở tuyên truyền để người lao động chuẩn bị tâm thế tốt nhất khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tác động sâu sắc đến sản xuất, đời sống. 
“Thời gian tới, ngoài tổ chức tập huấn nhằm phổ biến về cuộc cách mạng này cho cán bộ Công đoàn, chúng tôi sẽ đẩy mạnh tuyên truyền giúp người lao động nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp. Ngoài ra, tổ chức Công đoàn sẽ làm tốt hơn nữa chức năng chăm lo, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; xây dựng, củng cố và phát triển đội ngũ cán bộ Công đoàn đáp ứng yêu cầu hoạt động trong thời kỳ mới; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào các hoạt động của Công đoàn”-bà Nhung chia sẻ.
 ĐINH YẾN

Có thể bạn quan tâm