Phóng sự - Ký sự

“Cái bang” Pleiku

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ăn xin dưới dạng bán singum đang ngày càng phổ biến. Ảnh: Hoàng Ngọc
Ăn xin dưới dạng bán singum đang ngày càng phổ biến. Ảnh: Hoàng Ngọc
Ăn xin đang được một số người xem là “nghề”. Một “nghề” kiếm ra tiền hẳn hoi, mỗi ngày lận lưng vài trăm ngàn đồng nhờ sự thương hại của người khác. Ở TP. Pleiku, đội quân ăn xin ngày một đông, với muôn kiểu ăn xin, thậm chí là biến tướng của lừa đảo.
“Nghề” ăn xin
Đông đảo nhất có lẽ phải kể đến đội quân cái bang… “chính thống”. Số này gồm những đứa trẻ xuất thân từ những gia đình túng quẫn, có nhiều trắc trở, bỏ nhà đi bụi từ nhỏ và đến từ nhiều địa phương, thường chịu sự sai khiến, dẫn dắt của một “thủ lĩnh”. Chiều chiều, đội quân này thường “họp mặt” tại Công viên Diên Hồng. Chúng rôm rả kể cho nhau nghe những “chiến tích” trong ngày, sau đó chia nhóm chơi đùa trong thời gian chờ “chỉ thị” cho công việc buổi tối.
Nhìn chúng hồn nhiên đùa nghịch, khó ai nghĩ, khi “đi làm”, chúng hóa thân thành những con người khác. Vẻ thất thểu, bộ mặt khổ sở, ánh mắt chờ đợi, van vỉ… chúng làm động lòng nhiều tấm lòng hảo tâm. Song, vẻ khổ não ấy lập tức biến mất nếu chúng không xin được tiền.
Hỏi tên, một đứa hồn nhiên nói: “Ngu gì nói tên, bả (thủ lĩnh của đám trẻ- P.V) biết, bả cho nhịn đói à”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, “bả” trong tiết lộ của đứa trẻ kia là một phụ nữ bán vé số. Cứ chiều muộn, người phụ nữ nọ phóng xe đến chỗ tập kết của đám trẻ để giao việc buổi tối. Rất chuyên nghiệp, người phụ nữ nọ phân công kiểu như “Tối nay mày chỉ cần kiếm 4 chục, còn mày mệt thì về nghỉ, mai nhớ làm bù…”. Đi ăn xin được đám “cái bang” nhí coi là “nghề”- một nghề kiếm tiền như người lớn.
Một kiểu ăn xin mới xuất hiện nữa là kiểu “bán” ăn xin. Những người này thường cầm theo một lốc kẹo singum, vừa bán vừa xin tiền khách. Thay vì mỗi thanh singum giá 2.000 đồng thì những người này bán với giá 5.000 đồng. Hoặc nếu mời chào, chèo kéo khách không được, họ trình bày hoàn cảnh và xin tiền. Đội quân kiểu “bán ăn xin” này đa số là người già còn khỏe mạnh, hầu hết từ Thanh Hóa vào. Họ gây không ít khó chịu vì kiểu xin xỏ dai dẳng, trình bày lý do bài bản, hoàn cảnh thương tâm… Nếu không đạt mục đích, họ sẵn sàng tung ra vô số lời lẽ khó nghe.
Ngoài ra, ăn xin kiểu “khất thực” còn là một biến tướng của lừa đảo rất cần cảnh giác. Những người này tự xưng là người của chùa này, tịnh xá kia đi xin tiền công đức. Họ cũng cạo tóc, mặc áo lam đúng kiểu. Kiểu lừa đảo này đã đánh lừa rất nhiều tấm lòng hảo tâm với số tiền lớn.
Ảnh hưởng mỹ quan đô thị
Đã qua cái thời đói khổ, mất sức lao động, không nơi nương tựa… mới thành ăn xin. Đội quân ăn xin đang ngày càng đông đảo với mọi lứa tuổi và “khỏe hóa”. Ngành chức năng dường như cũng không kiểm soát hết vấn nạn đang ngày một “thịnh” ở TP. Pleiku này.
Đã có nhiều cuộc tranh luận, rằng nếu không bố thí, nếu ai cũng nói không với những bàn tay, những chiếc mũ chìa ra ở bất cứ đâu kia thì ăn xin lấy đâu đất sống. Nhưng lại cũng nhiều người dễ bị đánh lừa trước ánh mắt “giả thơ ngây” của những đứa trẻ ăn xin; trước kiểu ăn nói “có ngón có nghề” của những ông già, bà lão có thừa sự trải nghiệm để đánh vào lòng trắc ẩn người khác; hoặc lòng từ tâm của những bóng áo lam “dỏm”. Những kiểu ăn xin này đã không còn khiến người ta thấy nhói lòng như khi đứng trước những số phận đau khổ, bất hạnh, bất đắc dĩ phải hạ thấp mình để ngửa tay xin người khác bố thí từng đồng bạc lẻ.
Hoàng Ngọc

Có thể bạn quan tâm