Cái Tết "trắng" của những thầy thuốc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tết là thời điểm người người, nhà nhà vui vầy bên nhau trong không khí ấm áp của gia đình. Thế nhưng, với những người khoác áo blouse trắng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Tết là những đêm thức trắng cùng nỗi đau của bệnh nhân.

Trải qua nhiều cái Tết phải đón khoảnh khắc Giao thừa tại Bệnh viện, bác sĩ Dương Thái Thuấn-Khoa Cấp cứu đã quá quen những thiệt thòi của nghề y. Giao thừa, khi hàng ngàn người đang ngây ngất với màn pháo hoa rực rỡ sắc màu ở quảng trường thì các y-bác sĩ lại phải vật lộn với những ca bệnh vào cấp cứu liên tục. Bác sĩ Thuấn tâm sự, ở khoảng thời gian nghỉ hiếm hoi, có người “thèm” quá thì chạy lên các khoa khác ở tầng trên để ngắm được pháo hoa từ xa. Cũng có người bận bịu với bệnh nhân thì chỉ nghe được tiếng pháo nổ lụp bụp. Người lại đợi đồng nghiệp đi trực cấp cứu chính tại “hiện trường” về để kể lại không khí của khoảnh khắc chuyển giao năm cũ và năm mới. Với một số y-bác sĩ, họ tất bật sơ cứu vết thương cho bệnh nhân mà không biết năm mới đã đến tự bao giờ…

 

Các bác sĩ, hộ sinh ở Khoa Sản chào đón đứa bé đầu tiên của năm mới Ất Mùi. Ảnh: Văn Ngọc
Các bác sĩ, hộ sinh ở Khoa Sản chào đón đứa bé đầu tiên của năm mới Ất Mùi. Ảnh: Văn Ngọc

Họ vội vã đón Giao thừa theo mỗi cách của riêng mình, vội vã trao nhau những lời chúc mừng năm mới để rồi lại bắt tay vào công việc với máu, với thuốc, với bông băng… 1 giờ sáng mùng Một Tết, bệnh nhân Nguyễn Quang Sang (phường Tây Sơn, TP. Pleiku) nhập viện với vết thương ở tay khiến máu chảy ròng ròng không ngừng, khuôn mặt đã bắt đầu xuống sắc. Xác định anh Sang bị đứt động mạch chủ, nếu không cấp cứu kịp thời sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng, các y-bác sĩ đã lập tức sơ cứu để cầm máu cho anh Sang. Chỉ đến khi máu ngừng chảy, anh Sang đã có thể bình tĩnh và tỉnh táo hơn thì các y-bác sĩ mới có thể thở phào. Cứ thế, suốt đêm, họ liên tục gặp những trường hợp phải chạy đua với tử thần để giành giật mạng sống của bệnh nhân.

Ngày Tết, nhiều người lạm dụng bia rượu nên đã dẫn đến những tai nạn không đáng tiếc. Người thì phải nhập viện vì tai nạn giao thông, người lại vì những vết thương do đánh nhau. Bởi thế, những ngày Tết lượng bệnh nhân nhập viện thậm chí còn cao hơn ngày thường. Với những y-bác sĩ, Tết là dịp họ phải căng mình với lượng bệnh nhân rất đông này. Bác sĩ Trọng-Khoa Cấp cứu nằm trong ca trực tối mùng Một và rạng sáng mùng Hai chia sẻ: “Ca trực của tôi có đến 117 bệnh nhân đến cấp cứu khiến các y-bác sĩ phải hoạt động hết công suất, gần như không có thời gian nghỉ ngơi. Thành ra đến sáng ai nấy mắt cũng đỏ hoe, mệt nhoài vì cả đêm thức trắng”.

Với những bác sĩ, hộ sinh ở Khoa Sản, họ cũng có một cái Tết rất riêng, một thứ “đặc sản” của khoa. 1 giờ 5 phút rạng sáng mùng Một Tết, bé gái của sản phụ Nguyễn Trần Khánh Hòa (SN 1992, phường Phù Đổng, TP. Pleiku) đã trở thành đứa trẻ đầu tiên “xông đất” Khoa Sản ở năm Ất Mùi. Khi cô “công chúa” bé nhỏ nặng 3,2 kg này vừa cất tiếng khóc chào đời cũng là lúc nụ cười rộn rã của những người mặc áo blouse trắng ở đây. Họ chăm chút cho đứa bé, cho người mẹ rồi bắt đầu chụp ảnh kỷ niệm với cháu bé để chia sẻ niềm vui đầu năm mới cùng sản phụ. Nhưng để có được niềm vui ấy, họ cũng phải hy sinh những khoảng thời gian thiêng liêng bên tổ ấm gia đình. Hộ sinh Nguyễn Thị Bích Ngọc bày tỏ: “Hai đứa con của tôi ở nhà cứ trách rằng sao chả năm nào mẹ dẫn chúng con đi xem pháo hoa cả mà mẹ toàn đi trực đúng 30 Tết. Tội lũ nhỏ lắm nhưng biết làm sao được, nghề nào nghiệp nấy mà”.

Ngày 27-2 là ngày Thầy thuốc Việt Nam-ngày “Tết” của ngành Y. Và có lẽ, nó cũng giống như cái Tết Nguyên Đán mà họ vừa trải qua, một cái Tết nhiều màu trắng. Bông trắng, gạc trắng, áo blouse trắng và… đêm trắng.

Lê Văn Ngọc

Có thể bạn quan tâm