Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Cán bộ,công chức,viên chức tỉnh Gia Lai thi đua thực hiện văn hóa công sở(*)

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Lời Tòa soạn: Ngày 23-7, UBND tỉnh tổ chức lễ phát động phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Gia Lai thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019-2025 nhằm hưởng ứng phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động. Tại buổi lễ, đồng chí Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Thi đua-Khen thưởng tỉnh đã có bài phát biểu quan trọng. Báo Gia Lai Điện tử xin trích đăng bài phát biểu này.

Thời gian qua, thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Cán bộ là công bộc của dân” và chủ đề hành động của Chính phủ trong năm 2019 là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”, chủ đề hành động của tỉnh “Siết chặt kỷ cương hành chính, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu, nâng cao chất lượng tham mưu, phối hợp của các cấp, các ngành”, phần lớn đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, VC) tỉnh ta đã có những chuyển biến tích cực, ngày càng hướng đến sự chuyên nghiệp, phong cách giao tiếp, ứng xử có những tiến bộ nhất định, trang phục công sở phù hợp với chuẩn mực cũng như các điều kiện về kinh tế, văn hóa và truyền thống của nước ta... Một số cơ quan, địa phương trong tỉnh đã và đang tiến đến hình mẫu trong việc thực hiện văn hóa công sở.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành (ở giữa) trao cờ thi đua của Chính phủ cho các tập thể.  Ảnh: Phương Linh
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành (ở giữa) trao cờ thi đua của Chính phủ cho các tập thể. Ảnh: Phương Linh

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện văn hóa công sở. Ở một số nơi, việc thực hiện quy định tiếp công dân chưa đảm bảo; một số CB, CC tiếp dân ở cơ sở chưa tận tình lắng nghe ý kiến người dân, thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc của người dân, doanh nghiệp. Vẫn còn một số CB, CC, VC có thái độ ứng xử với người dân chưa đúng mực, còn có biểu hiện nhũng nhiễu, gây khó; chưa biết xin lỗi khi xử lý công việc không đúng hẹn, chưa chu đáo tận tình hướng dẫn doanh nghiệp khi được yêu cầu; không nghiêm túc chấp hành nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị; còn tình trạng đi muộn, về sớm; hay tự ý rời cơ quan mà không có lý do chính đáng; ý thức trách nhiệm với công việc được giao chưa cao. 

Nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức và hành động; nâng cao ý thức, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp của CB, CC, VC; tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính; phòng-chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, qua đó tiếp tục xây dựng hình ảnh đội ngũ CB, CC, VC gương mẫu, tận tụy, chuẩn mực, chuyên nghiệp, trách nhiệm, kỷ cương, tận tình, thân thiện, góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì nhân dân phục vụ, thay mặt UBND tỉnh, Hội đồng Thi đua-Khen thưởng tỉnh, tôi đề nghị các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị trong tỉnh quán triệt tới CB, CC, VC và nhân dân cùng tham gia, hưởng ứng tích cực, triển khai có hiệu quả phong trào “CB, CC, VC thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019-2025 trên địa bàn tỉnh. Trong đó quan tâm, tập trung thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm sau.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Nữ Thu Hà trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 2 tập thể và 15 cá nhân.    Ảnh: P.L
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Nữ Thu Hà trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 2 tập thể và 15 cá nhân. Ảnh: P.L

Trước tiên, cần xóa bỏ ngay thứ văn hóa không nhúc nhích, để nước đến chân mới nhảy, đợi nhắc thì làm, không nhắc thì cũng làm nhưng làm chậm, chậm trễ trong xử lý các nhiệm vụ được giao mà nhân dân, cơ quan, tổ chức đang mong đợi.

Văn hóa công sở phải gắn với gia đình và văn hóa xã hội, CB, CC, VC phải thực sự nêu gương với người thân ở gia đình, con cái, bạn bè, đồng nghiệp và các mối quan hệ xã hội. Cần xóa bỏ thứ văn hóa đang trong giờ hành chính rời nhiệm sở không có lý do chính đáng, ăn lạm từng giây, từng phút, từng đồng thuế của người dân, sáng cắp ô đi chiều cắp ô về. Văn hóa công sở có trách nhiệm công vụ, trong đó trách nhiệm công vụ là trung tâm, văn hóa là cái gốc, văn hóa công vụ là phải đặt giá trị tập thể lên trên lợi ích cá nhân, lấy lợi ích của người dân, doanh nghiệp làm mục tiêu.

Tiếp đến, cần tập trung xây dựng văn hóa công sở. Trên cơ sở hướng dẫn của Trung ương, tập trung xây dựng lại hệ giá trị chuẩn mực cho văn hóa công sở. Như mọi thứ văn hóa khác, văn hóa công sở không thể cân, đong, đo, đếm trực tiếp mà được hình thành từ ý thức của từng người, tạo nên niềm tin, giá trị và động lực thôi thúc cách ứng xử, làm việc của mỗi cá nhân trong một cơ quan, đơn vị. Chính vì vậy, mỗi CB, CC, VC cần có niềm tin vững chắc vào những giá trị văn hóa mà cơ quan, đơn vị mình theo đuổi, niềm tin đó thường có được khi chúng ta thực hành nêu gương, bắt đầu từ cấp trên làm trước, cấp dưới làm sau, lãnh đạo làm gương, nhân viên phải noi gương, soi vào. Do vậy, cái gương phải trong, phải sáng thì người soi vào nhìn mới đẹp; cái gương bẩn, mờ thì không ai soi được. Bên cạnh đó, cần kiến tạo hiệu quả môi trường làm việc có văn hóa. Không thể có một công sở văn hóa nếu môi trường làm việc thiếu chuẩn mực, nội bộ tồn tại căng thẳng, soi sét lẫn nhau, nghi ngờ, đố kỵ, bất hợp tác; mục tiêu làm việc chỉ chú trọng đến tiền lương, lợi ích thay vì giá trị công việc được tạo ra và cống hiến. Vì thế, cần thúc đẩy sự cởi mở, tin tưởng lẫn nhau, phải giúp khơi nguồn động lực của sự sáng tạo và cống hiến. Mỗi CB, CC, VC nhà nước phải tự giác rèn luyện bản thân để trở thành những con người mẫu mực, chuyên nghiệp, sáng tạo luôn tận tụy vì lợi ích của người dân, của doanh nghiệp. Trong mọi vị trí và điều kiện công tác phải luôn nỗ lực hoàn thành trách nhiệm được giao, tạo sự tin tưởng và thân thiện với lãnh đạo, với đồng nghiệp và người dân; tích cực tham gia hoạt động của tổ chức, lành mạnh trong quan hệ, thăng tiến dựa trên năng lực và thành quả công tác.

Để thực hiện xây dựng văn hóa công sở theo các nội dung trên, tôi đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, các địa phương, cơ quan, tổ chức cần thi đua thực hiện:

Một là, thi đua hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch, đề án được giao. Triển khai đồng bộ các quy định về văn hóa công sở trong các cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tăng cường bồi dưỡng cho CB, CC, VC về văn hóa công sở, đạo đức công vụ.

Hai là, thi đua xây dựng môi trường làm việc dân chủ, văn hóa, thân thiện, hiện đại; cơ quan xanh, sạch, đẹp, an toàn, không có khói thuốc lá, không có rác thải nhựa; công sở văn minh, khoa học. Niêm yết công khai, đầy đủ thủ tục hành chính tại công sở.

Ba là, tổ chức các hội thi CB, CC, VC thanh lịch, văn minh, qua đó lan tỏa nhiều gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt; các cơ quan, đơn vị tiếp tục bổ sung vào quy chế làm việc; đưa quy tắc ứng xử vào nội dung các buổi sinh hoạt chuyên môn, sinh hoạt chi bộ… Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với chuyên đề “Xây dựng phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu, của đảng viên” gắn với thực hiện nội dung quy tắc ứng xử, văn hóa công sở. Đề cao vai trò nêu gương, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các cơ quan, đơn vị, bộ phận trực thuộc đối với kết quả, hiệu quả, chất lượng nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị. Tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất về trách nhiệm thực thi công vụ, đạo đức nghề nghiệp, quy tắc giao tiếp ứng xử nơi công sở, chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của đội ngũ CB, CC, VC, xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân sai phạm. Thực hiện nghiêm túc quy định về không uống bia, rượu buổi trưa trong ngày làm việc; không uống rượu, bia khi tham gia giao thông trên các tuyến đường; công khai số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh về các trường hợp vi phạm quy định về đạo đức công vụ, kỷ luật, kỷ cương hành chính…

 Ảnh: P.L
Ảnh: P.L

Đối với CB, CC, VC, cần thi đua thực hiện tốt chuẩn mực đạo đức lối sống, đạo đức công vụ; cần-kiệm-liêm-chính, chí công vô tư, trung thực, giản dị, thẳng thắn, chân thành. Thực hiện tốt chuẩn mực đạo đức gia đình và xã hội, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Ngoài ra, thi đua thực hiện tốt chuyên môn, nghiệp vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; thực hiện nghiêm nội quy, quy định của cơ quan, đơn vị; sử dụng hiệu quả thời gian làm việc; luôn sẵn sàng chủ động phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là không ngừng thi đua học tập nghiên cứu khoa học, nâng cao năng lực, bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại đáp ứng yêu cầu thực thi công vụ trong tình hình mới. Mặt khác, thi đua thực hiện giao tiếp tốt, tác phong chuyên nghiệp, làm việc khoa học, kỷ cương, kỷ luật hành chính. Tôn trọng, lắng nghe, tận tình với người dân; hợp tác chặt chẽ và tương trợ với đồng nghiệp; cấp trên phải công tâm, khách quan, lắng nghe và tôn trọng cấp dưới; cấp dưới phải phục tùng sự chỉ đạo, điều hành, phân công của cấp trên theo đúng quy định.

Chủ tịch UBND các huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn tăng cường công khai, minh bạch, thông tin cụ thể (tại các nhà sinh hoạt cộng đồng ở khu dân cư, tổ dân phố, thôn…) như thông báo, niêm yết công khai các chủ trương, kế hoạch, dự toán và quyết toán thu, chi ngân sách về chính sách hỗ trợ người nghèo, tái định cư; về đầu tư, xây dựng các công trình công cộng, phục vụ dân sinh để dân biết, tham gia giám sát, góp ý, phản ánh với chính quyền…

Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Gia Lai, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương trên địa bàn, các cơ quan tuyên truyền của tỉnh có kế hoạch đẩy mạnh công tác tuyên truyền, mở các chuyên trang, chuyên mục, tăng thời lượng, bám sát cơ sở nhằm phát hiện, biểu dương và nhân rộng những mô hình hay, cách làm mới, các điển hình tiên tiến trong thực hiện phong trào thi đua.

Ban Thi đua-Khen thưởng (Văn phòng UBND tỉnh) chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan, giúp UBND tỉnh, Hội đồng Thi đua-Khen thưởng tỉnh theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tổ chức thực hiện, kịp thời tham mưu sơ kết, tổng kết, đánh giá phong trào thi đua; hướng dẫn các cơ quan, đơn vị bình xét, biểu dương, khen thưởng và đề nghị xét khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong phong trào thi đua trên địa bàn tỉnh.

Năm 2019 là năm quan trọng, cần có sự bứt phá để thực hiện thành công kế hoạch 5 năm (2016-2020) và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, tạo tiền đề vững chắc để tỉnh ta phát triển nhanh, bền vững trong giai đoạn mới. Việc thực hiện văn hóa công sở tiến bộ, văn minh đồng nghĩa với việc hình thành phong cách ứng xử, tác phong làm việc chuẩn mực, chuyên nghiệp, năng động, hiệu quả, kỷ luật, kỷ cương. Nhân dịp này, tôi kêu gọi toàn thể các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị, các cơ quan Trung ương đứng chân trên địa bàn tỉnh, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh hãy bằng những việc làm cụ thể, thiết thực để thi đua hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ, chương trình, đề án đã được giao; đồng thời triển khai thực hiện có hiệu quả, góp phần nâng cao văn hóa công sở, đạo đức công vụ, tính chuyên nghiệp, phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ CB, CC, VC nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước “Kiến tạo và phục vụ”.

-------------------

(*): Đầu đề do Báo Gia Lai đặt.

Có thể bạn quan tâm