Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Cần chấn chỉnh sai phạm ở các trung tâm ngoại ngữ, tin học trên địa bàn Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm gần đây, các trung tâm ngoại ngữ, tin học trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã góp phần đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của địa phương, cải thiện chất lượng giảng dạy môn ngoại ngữ trong nhà trường. Tuy nhiên, để các trung tâm này thực sự phát huy hiệu quả đòi hỏi các cấp, các ngành cần tăng cường công tác quản lý, kịp thời chấn chỉnh những thiếu sót, sai phạm.
Góp phần đào tạo nguồn nhân lực
Khoảng 3 năm trở lại đây, trước nhu cầu cấp thiết của xã hội, nhiều trung tâm ngoại ngữ, tin học đã được thành lập ở các địa phương trong tỉnh. Nếu như năm 2016, toàn tỉnh chỉ có 5 trung tâm thì đến nay con số này đã tăng lên 25, gồm 24 trung tâm tư thục, 1 trung tâm công lập. Chỉ tính riêng 9 tháng năm 2019, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã cấp phép hoạt động cho 10 trung tâm.
 Đoàn giám sát của Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh làm việc với UBND TP. Pleiku về tăng cường quản lý các trung tâm ngoại ngữ, tin học. Ảnh: Q.T
Đoàn giám sát của Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh làm việc với UBND TP. Pleiku về tăng cường quản lý các trung tâm ngoại ngữ, tin học. Ảnh: Q.T
Thành phố Pleiku là địa bàn tập trung phần lớn các trung tâm ngoại ngữ, tin học của tỉnh với 16 đơn vị. Các trung tâm cơ bản thực hiện theo đúng quy định của pháp luật; có cơ sở vật chất, trang-thiết bị đáp ứng tốt nhu cầu dạy và học; đội ngũ giáo viên có đầy đủ bằng cấp, chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm. Bà Trần Thị Tâm-Phó Chủ tịch UBND TP. Pleiku-nhìn nhận: “Các trung tâm ngoại ngữ, tin học đứng chân trên địa bàn đã góp phần giúp học sinh nâng cao năng lực học ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh trong kỳ hội nhập hiện nay. Bên cạnh đó, các trung tâm này còn góp phần bồi dưỡng, nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trên địa bàn”.
Ông Phan Anh Dũng-Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ Quốc tế Langplus (59 Hùng Vương, phường Diên Hồng, TP. Pleiku) cho hay: Ngoài việc tuyển sinh và đào tạo tại Trung tâm, chúng tôi còn liên kết đào tạo với 2 trường học trên địa bàn TP. Pleiku gồm Trường Mầm non Họa Mi và Trường Mầm non Tuổi Thần Tiên với 560 học viên. Giáo trình và phương pháp dạy thường xuyên được Trung tâm cập nhật, đổi mới để phù hợp với học viên từng độ tuổi. Trung tâm cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa với các hình thức phong phú nhằm tạo sân chơi bổ ích để các em thực hành tiếng Anh và nâng cao kỹ năng giao tiếp.
Theo ông Lê Duy Định-Phó Giám đốc Sở GD-ĐT: Ngoại ngữ có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, là chìa khóa để chúng ta hội nhập với thế giới. Thực tế, các trung tâm ngoại ngữ, tin học, nhất là các trung tâm ngoại ngữ tư thục đã cùng với ngành GD-ĐT tỉnh đào tạo, bồi dưỡng cho học sinh độ tuổi từ 4 đến 15, góp phần đạt mục tiêu của Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025. Đồng thời, góp phần bồi dưỡng, nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nhằm hoàn thành các mục tiêu của đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020”.
Tăng cường quản lý
Trên thực tế, các trung tâm ngoại ngữ, tin học được Sở GD-ĐT cấp phép đang hoạt động tương đối tốt. Qua đợt kiểm tra, giám sát tại các trung tâm ngoại ngữ, tin học và làm việc với các địa phương, ngành chức năng mới đây, ông Dương Văn Tuấn-Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh-đánh giá: Sở GD-ĐT đã thực hiện nghiêm túc việc cấp phép thành lập, cấp phép hoạt động cho các trung tâm ngoại ngữ, tin học. Các trung tâm cũng đã thực hiện tốt các nhiệm vụ theo đúng quy định như thành lập bộ máy, hợp đồng lao động và thường xuyên gửi báo cáo về Sở GD-ĐT; có đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị để phục vụ nhiệm vụ dạy học; thực hiện nghiêm việc ký kết hợp đồng lao động đối với người lao động bên ngoài cũng như bên trong trung tâm. Ngoài ra, lao động người nước ngoài hoạt động tại các trung tâm đều có giấy phép do Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cấp.
Trung tâm Anh ngữ ETC chưa có giấy phép hoạt động nhưng vẫn tổ chức dạy được một thời gian dài. Ảnh: Q.T
Trung tâm Anh ngữ ETC chưa có giấy phép hoạt động nhưng vẫn tổ chức dạy được một thời gian dài. Ảnh: Q.T
“Tuy nhiên, vai trò quản lý nhà nước của UBND các huyện, thị xã, thành phố đối với các trung tâm ngoại ngữ, tin học trên địa bàn còn lúng túng, thậm chí là buông lỏng. Cụ thể như: đội ngũ giáo viên ký hợp đồng với các trung tâm thường xuyên thay đổi, dẫn đến số lao động hợp đồng ở một số trung tâm chưa đạt; có trung tâm dạy thêm văn hóa để lôi kéo thêm học sinh; hợp đồng trả lương cho người lao động bằng ngoại tệ. Đặc biệt, có trung tâm chưa có giấy phép thành lập, giấy phép hoạt động nhưng vẫn hoạt động trong thời gian dài và có cả lao động người nước ngoài, điển hình như Trung tâm Anh ngữ ETC (75A Phạm Văn Đồng, tổ 7, thị trấn Chư Sê)… Ngoài ra, Sở GD-ĐT chậm ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn công tác quản lý, kiểm tra của các Phòng GD-ĐT đối với các trung tâm ngoại ngữ trên địa bàn theo Thông tư số 21 của Bộ GD-ĐT. Do đó, thời gian tới, Sở cần tham mưu giúp UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo phối hợp giữa các địa phương, các ngành trong thực hiện”-ông Tuấn ý kiến.
Cùng quan điểm, bà Võ Thị Bảo Ngân-Phó Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh-cho rằng: Sở GD-ĐT và các địa phương cần quan tâm đến công tác quản lý, giám sát chuyên môn đối với lao động là người nước ngoài tại các trung tâm, đặc biệt là việc đưa người nước ngoài vào giảng dạy tại các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn. Thực tế, các trung tâm hiện nay chưa thật sự quan tâm đến chất lượng giáo viên người nước ngoài mà chủ yếu dựa vào họ để quảng bá, thu hút học viên.
Về vấn đề này, ông Lê Duy Định cho biết: Thời gian qua, Sở GD-ĐT đã tăng cường quản lý, kiểm tra hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ, tin học. Qua các đợt kiểm tra, Sở vừa nhắc nhở, chấn chỉnh, vừa hướng dẫn các trung tâm rút kinh nghiệm để thực hiện theo đúng quy chế và quy định hiện hành của Nhà nước. Để tạo lập môi trường dạy và học ngoại ngữ, tin học thực sự hiệu quả, thiết thực ở các trung tâm, thời gian tới, Sở tiếp tục phối hợp với chính quyền các cấp, ngành chức năng đẩy mạnh hơn nữa công tác thanh-kiểm tra, giám sát chuyên môn. Đồng thời, thường xuyên hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời các trung tâm trong việc chấp hành các quy định về tổ chức, hoạt động chuyên môn; phối hợp với chính quyền các địa phương chủ động nắm bắt hoạt động của các trung tâm đứng chân trên địa bàn để nâng cao hiệu quả quản lý.
QUANG TẤN
 
Ứng dụng Báo Gia Lai đã lên 2 kho ứng dụng:
 - Google Play: http://bit.ly/2PcYBHy
 - App Store: https://apple.co/2W9SmGa

Có thể bạn quan tâm