Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Cần đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đó là một trong những nội dung chỉ đạo của Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành tại hội nghị sơ kết công tác tháng 5 và triển khai nhiệm vụ tháng 6-2022 diễn ra vào chiều ngày 2-6. Cùng chủ trì hội nghị có các đồng chí: Đỗ Tiến Đông-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Hồ Phước Thành-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Tham dự hội nghị có lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các sở, ban, ngành của tỉnh và UBND TP. Pleiku.

Kinh tế-xã hội tiếp tục tăng trưởng

Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2022, Gia Lai đã cơ bản thực hiện tốt công tác phòng-chống dịch, nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội đạt và vượt kế hoạch đề ra. Đồng thời, tỉnh tổ chức thành công Tuần lễ các sự kiện chào mừng 90 năm Ngày thành lập tỉnh.

Kết thúc vụ Đông Xuân 2021-2022, toàn tỉnh đã gieo trồng được 78.181,8 ha, đạt 103,6% so với kế hoạch, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2021. Đến nay, bà con nông dân đã thu hoạch hơn 98% diện tích gieo trồng; tổng sản lượng lương thực ước đạt trên 183.034 tấn, đạt 105,4% kế hoạch, tăng hơn 10.354 tấn so với cùng kỳ năm trước. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) tháng 5 ước đạt hơn 1.807 tỷ đồng, 5 tháng đầu năm ước đạt gần 10.690 tỷ đồng, đạt 37% kế hoạch, tăng 16,01% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành phát biểu kết luận tại hội nghị. Ảnh: Quang Tấn
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quang Tấn


Đặc biệt, 5 tháng đầu năm, tổng lượng khách tham quan, du lịch đến tỉnh ước đạt 405.000 lượt, tăng 70% so với cùng kỳ năm trước; tổng thu du lịch ước đạt 240 tỷ đồng, tăng 75% so với cùng kỳ năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu tháng 5 ước đạt 55 triệu USD, tính chung 5 tháng đầu năm là 368 triệu USD, đạt 55,76% kế hoạch, tăng 38,87% so với cùng kỳ năm trước. Thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 5 tháng đầu năm đạt gần 2.719 tỷ đồng, đạt hơn 50% dự toán Trung ương giao, đạt 46,7% dự toán HĐND tỉnh giao. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm chỉ đạo quyết liệt. Đến nay, toàn tỉnh có 91 xã và 118 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó 104 thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số). Toàn tỉnh có 214 sản phẩm OCOP được công nhận (25 sản phẩm 4 sao và 189 sản phẩm 3 sao). Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội được triển khai kịp thời, đúng đối tượng. Các lĩnh vực văn hóa-xã hội được quan tâm thực hiện; chế độ, chính sách cho các đối tượng thụ hưởng được triển khai kịp thời, đầy đủ. Tình hình an ninh chính trị, an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế-xã hội vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Cụ thể, tiến độ thực hiện và giải ngân vốn xây dựng cơ bản còn rất chậm; ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình hình an ninh chính trị thế giới, giá xăng dầu, vật liệu xây dựng, vật tư nông nghiệp và nhiều loại hàng hóa cơ bản khác có xu hướng tăng cao làm tăng chi phí sản xuất, vận tải, logistics; hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn gặp khó khăn, nhất là các ngành dịch vụ, du lịch, vận tải… Ngoài ra, tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp, trật tự an toàn xã hội, tai nạn giao thông còn diễn biến phức tạp; tình trạng đầu cơ, thổi giá, thu gom-phân lô bán nền đất nông nghiệp vẫn tiếp diễn.

Một trong những tồn tại được các đại biểu quan tâm là tỷ lệ giải ngân vốn xây dựng cơ bản đạt thấp so với mức trung bình cả nước, hiện mới chỉ đạt gần 16% kế hoạch vốn. Lý giải những nguyên nhân chậm tiến độ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Hữu Quế cho rằng: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tiến độ giải ngân chậm. Đối với 3 dự án trọng điểm của tỉnh gồm: Dự án xây dựng chốt chiến đấu dân quân thường trực các xã biên giới đất liền trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, Dự án nút giao thông Phù Đổng, Dự án đường hành lang kinh tế phía Đông tỉnh Gia Lai có tổng mức đầu tư trên 365,5 tỷ đồng nhưng hiện hầu như chưa giải ngân vì chậm giao vốn theo kế hoạch. Ngoài ra, một số dự án trọng điểm cấp huyện chưa giải ngân do công tác triển khai thủ tục đầu tư chậm, chưa được cấp vốn hay đang triển khai công tác khảo sát, lập thiết kế dự toán.

“Thời gian tới, đề nghị các sở, ngành, địa phương đôn đốc các ban quản lý dự án, chủ đầu tư tích cực triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2022 đã được UBND tỉnh giao; đồng thời, đề ra giải pháp tăng nguồn thu tiền sử dụng đất để cấp vốn cho các dự án theo kế hoạch. Các ban quản lý dự án, chủ đầu tư khẩn trương triển khai công tác nghiệm thu, thanh toán và giải ngân vốn kịp thời cho các nhà thầu; lập đầy đủ và chính xác hồ sơ, thực hiện thanh toán ngay khi có khối lượng nghiệm thu, không chờ đến giữa năm hoặc cuối năm mới thực hiện thanh toán”-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư nói.

 Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Hữu Quế tham gia phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quang Tấn
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Hữu Quế tham gia phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quang Tấn


Còn Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Vũ Ngọc An thì cho biết: Đến nay, các địa phương đã triển khai tiêm phòng hơn 3 triệu liều vắc xin phòng bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Sở đã xây dựng kế hoạch trồng rừng năm 2022 và giao kế hoạch chi tiết cho từng địa phương, đơn vị chủ rừng để chủ động triển khai thực hiện.

Tập trung khắc phục tồn tại, hạn chế

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Phước Thành cho rằng: Các sở, ngành cần nêu cao tinh thần trách nhiệm để phối hợp thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Sở Nội vụ chủ trì phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức họp đánh giá, tìm nguyên nhân vì sao chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) năm 2021 đứng thứ 43 cả nước, giảm 17 bậc và chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2021 đứng thứ 42 cả nước, giảm 21 bậc so với năm 2020. Từ đó, đề ra các giải pháp khắc phục ngay trong tháng 6 và những tháng tiếp theo nhằm từng bước nâng cao các chỉ số này.

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành yêu cầu: Các sở, ngành, địa phương cần đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ. Trước mắt, cần khẩn trương hoàn thành các nội dung chuẩn bị cho kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh sắp tới, đảm bảo đúng quy trình, quy định, chất lượng. Cùng với đó, khẩn trương chuẩn bị chu đáo các nội dung để tổng kết thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng Tây Nguyên thời kỳ 2001-2010 và Kết luận số 12-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và đảm bảo chất lượng quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thực hiện tốt nhiệm vụ cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; đẩy mạnh phòng-chống tham nhũng, lãng phí.

Toàn tỉnh Gia Lai có cấp độ dịch thuộc mức bình thường mới. Ảnh: Quang Tấn
Thời gian qua, các sở, ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm các biện pháp phòng-chống dịch Covid-19 theo đúng chỉ đạo của trung ương, của tỉnh. Toàn tỉnh Gia Lai có cấp độ dịch thuộc mức bình thường mới. Ảnh: Quang Tấn



Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm các biện pháp phòng-chống dịch Covid-19 theo đúng chỉ đạo của trung ương, của tỉnh. Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt, đồng bộ các nhiệm vụ giải pháp phòng-chống dịch Covid-19 với phương châm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả”. Qua đó, tạo điều kiện để phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đồng thời, đẩy nhanh hơn nữa việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 2 cho trẻ em từ 12 đến 18 tuổi, tiêm vắc xin mũi 3 cho người trên 18 tuổi và cho trẻ em từ 5 tuổi đến 12 tuổi theo kế hoạch, đảm bảo an toàn, hiệu quả. Cùng với đó, các sở, ngành, địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản; thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện, giải ngân của dự án; xử lý hoặc báo cáo ngay cấp có thẩm quyền tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Ban Chỉ đạo 389 tăng cường công tác quản lý thị trường, kiểm tra, kiểm soát, chống các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại. Tập trung xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong hoạt động mua bán xăng dầu, vật liệu xây dựng, vật tư nông nghiệp. Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố cần tăng cường công tác thu ngân sách nhà nước, phấn đấu tăng 10% so với dự toán được giao. Sở Công thương phối hợp với các sở, ngành, địa phương hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, sớm đưa các dự án năng lượng tái tạo, các nhà máy chế biến vào hoạt động. Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương theo dõi sát tình hình thời tiết, tập trung thu hoạch vụ Đông Xuân và tổ chức sản xuất vụ mùa 2022; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án nông, lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tạo điều kiện xây dựng mã số, vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói.

 

QUANG TẤN

Có thể bạn quan tâm