Cần đưa y đức vào Luật hành nghề y tại Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngày 6-3, Tổng hội Y học Việt Nam đã tổ chức hội thảo "Y đức và những thách thức trong việc thực hiện y đức hiện nay tại Việt Nam". Các đại biểu dự hội thảo đã đề nghị đưa y đức vào luật hành nghề y.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên khẳng định: Nâng cao y đức đối với cán bộ y tế là nhiệm vụ trọng tâm của ngành y tế. Để thực hiện được nhiệm vụ này, ngành y tế đã chủ động và có những biện pháp thiết thực như phát động phong trào thi đua trong toàn ngành, tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tổ chức Hội thi “tuyên truyền về thực hiện Quy tắc ứng xử" ngành y tế...

 

Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay cùng với cơ chế đãi ngộ chưa thật phù hợp nên vấn đề y đức là một trong những thách thức lớn của ngành. Chính vì vậy, hội thảo "Y đức và những thách thức trong việc thực hiện y đức hiện nay tại Việt Nam" là cơ hội để các y, bác sỹ trao đổi, thảo luận về những thách thức cũng như giải pháp để thực hiện y đức trong ngành.

Y đức là đạo đức của cán bộ y tế. Y đức không chỉ là sự giao tiếp lễ phép, thái độ hòa nhã với người bệnh. Người thầy thuốc có y đức còn phải học tập nâng cao trình độ chuyên môn, khám chữa bệnh giỏi, chăm sóc người bệnh chu đáo, cấp cứu người bệnh kịp thời; có trách nhiệm, tôn trọng đồng nghiệp, đoàn kết hợp tác vì sự nghiệp bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Giáo sư-tiến sỹ khoa học Phạm Mạnh Hùng- Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cho biết, ngành y tế đang phải đối mặt với 4 thách thức lớn, đó là: Mặt trái của cơ chế thị trường tạo gánh nặng cho y tế, sự đối chọi giữa tính nhân đạo và lợi nhuận, sự can dự trực tiếp của đồng tiền vào các khâu chăm sóc sức khỏe; Mâu thuẫn giữa nhu cầu ngày càng cao, yêu cầu ngày càng cao so với thực trạng hiện có; Giá thành có xu hướng cao trong khi đời sống còn nghèo và Hội nhập quốc tế (khó khăn về kiểm soát dịch bệnh và sản xuất thuốc trong nước).

Hiện nay, nền kinh tế thị trường ở nước ta đang phát triển và đổi mới, do vậy phải có những quy định cụ thể về y đức để điều chỉnh hành vi của người thầy thuốc trong quan hệ giao tiếp với người bệnh, với người nhà người bệnh cũng như quan hệ giữa thầy thuốc với thầy thuốc, thầy thuốc với xã hội.

Y tế là một ngành đặc thù, liên quan đến sức khỏe, tính mạng con người và là ngành nhân đạo, vì vậy đòi hỏi người cán bộ y tế phải tinh thông nghề nghiệp và phải có lương tâm nghề nghiệp. Bên cạnh đó, cán bộ y tế là người phải chịu trách nhiệm cao trước sức khỏe con người và tính mạng của người bệnh; phải lao động trong môi trường nguy hiểm (cấp cứu người bệnh trong thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm); phải chịu sức ép nặng nề của dư luận xã hội do thái độ hành vi không đúng của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Trong khi đó, Việt Nam lại chưa có quy định cụ thể về bảo vệ an toàn và bảo hiểm nghề nghiệp cũng như chế độ chính sách đãi ngộ thích hợp.

Các báo cáo tại hội thảo cũng nêu rõ, những yêu cầu về phẩm chất đạo đức của người cán bộ y tế gồm ý thức trách nhiệm cao trước tính mạng người bệnh và sức khỏe nhân dân, lòng trung thực vô hạn, sự ân cần cảm thông sâu sắc, tính mềm mỏng và có nguyên tắc, tính khẩn trương và tự tin, lòng say mê nghề nghiệp...

Để thực hiện được những nội dung này, ngành y tế cần tăng cường truyền thông giáo dục nâng cao nhận thức về y đức; đánh giá đúng những thành tựu của ngành để động viên kịp thời nhưng cũng chỉ ra được thực trạng vấn đề sai phạm, yếu kém về y đức của một số cán bộ y tế và có hình thức kỷ luật nghiêm khắc; đưa y đức vào chương trình giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp y tế; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở y tế...

Theo TTXVN
 

Có thể bạn quan tâm