Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Cần ưu tiên đầu tư đường bộ vùng Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Ngày 27-8, tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai tổ chức hội nghị đánh giá giữa kỳ kế hoạch kinh tế-xã hội 5 năm (2016-2020) và xây dựng kế hoạch phát triển năm 2019 vùng Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên. Các đồng chí: Lê Quang Mạnh-Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đồng chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo 19 tỉnh, thành phố trực thuộc vùng.
Đây là lần đầu tiên Bộ KH-ĐT triển khai đánh giá giữa kỳ kế hoạch 5 năm (2016-2020) và xây dựng kế hoạch năm 2019 tại các vùng để đánh giá và lắng nghe ý kiến của các địa phương. Hình thức này giúp các bộ, ngành Trung ương có cơ hội nhìn nhận từng địa phương trong bối cảnh chung cả vùng; các địa phương cũng có cơ hội quan sát, học hỏi các tỉnh thành xung quanh, từ đó đề ra mục tiêu hiệu quả hơn, xác thực hơn đối với điều kiện thực tế.
Những kết quả khả quan
“Vùng Duyên hải miền Trung có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, kết nối với các tỉnh Tây Nguyên, Lào, Campuchia, Đông Bắc Thái Lan, Myanmar. Còn vùng Tây Nguyên là trọng điểm phát triển cây công nghiệp chủ lực, là vùng phát triển nông-lâm nghiệp, thủy điện-thủy lợi, khai thác chế biến bauxit, là vùng đệm an toàn sinh thái và cung cấp nước cho khu vực Duyên hải Nam Trung bộ, Đông Nam bộ. Do vậy, vấn đề đầu tư để phát triển kinh tế-xã hội khu vực này rất được Chính phủ chú trọng”-ông Hoàng Văn Vinh-Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ-khẳng định.
 Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Đ.T
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Đ.T
Theo báo cáo của Bộ KH-ĐT, giai đoạn 2016-2020, vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn dành cho khu vực này là 256.090 tỷ đồng (chưa bao gồm nguồn dự phòng 10%), trong đó, vốn ngân sách Trung ương là 123.987 tỷ đồng (chiếm 48,4%), ngân sách địa phương là 132.103 tỷ đồng (chiếm 51,6%). Tổng số dự án thuộc nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu giai đoạn này là trên 1.400 dự án. Trong năm 2017, có 657 dự án đã hoàn thành với số vốn 13.280 tỷ đồng, chiếm 46,8% số dự án đã giao trung hạn. Số dự án khởi công mới trong giai đoạn 2016-2020 là 369 dự án với tổng số vốn gần 18.520 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2016-2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân vùng Duyên hải miền Trung đạt 8,5%, vùng Tây Nguyên đạt 7,3%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo của cả 19 địa phương đạt khoảng 80% mục tiêu theo Nghị quyết Đảng bộ địa phương. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 2-3%/năm. Tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia đạt khoảng 80-85% theo nghị quyết của Đảng bộ địa phương.
Đánh giá giữa kỳ việc thực hiện kế hoạch 5 năm (2016-2020), Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ nhận định: “Trong giai đoạn 2016-2018, kinh tế vùng tăng trưởng khá nhưng quy mô từng địa phương còn nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp. Môi trường đầu tư kinh doanh của các địa phương từng bước được cải thiện, song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, thể hiện ở việc thu hút đầu tư nước ngoài đạt thấp, chưa có các tập đoàn, nhà đầu tư lớn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất. Tính liên kết giữa các doanh nghiệp chưa cao, thiếu vai trò đầu tàu, dẫn dắt tạo lập chuỗi giá trị sản phẩm trong sản xuất kinh doanh. Hạn chế thấy rõ là các ngành và địa phương trong vùng chưa có sự phối hợp trong hoạt động liên doanh, liên kết, hợp tác để khai thác tiềm năng, thế mạnh của cả vùng”.
Là tỉnh phát triển mạnh nhất khu vực Tây Nguyên nhưng Lâm Đồng vẫn còn tồn tại vấn đề di dân tự do (được coi là tồn tại chung của cả khu vực). “Thời gian qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Lâm Đồng luôn đạt chỉ tiêu đề ra. Tuy vậy, vấn đề di dân tự do vẫn đang là một trong những điểm nóng. Đề nghị Chính phủ và các ngành có liên quan chú trọng đến vấn đề đầu tư, có những chính sách để phát triển đời sống, xã hội, cơ sở hạ tầng cho những đối tượng di dân tự do này”-ông Đoàn Văn Việt-Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nói.
Ảnh: Đ.T
Ảnh: Đ.T
Gia Lai khẳng định vị thế trong khu vực
Với định hướng của kế hoạch 5 năm (2016-2020) về lĩnh vực kinh tế-xã hội mà Đảng bộ tỉnh đã đề ra, Gia Lai đã từng bước vượt qua khó khăn, thách thức và đã đạt được nhiều thành tích quan trọng. Ông Hồ Phước Thành-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-cho biết: “GRDP của tỉnh giai đoạn 2016-2018 bình quân tăng 7,7% (Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV là 7,54%); thu nhập bình quân đầu người đạt 45,3 triệu đồng/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, phát triển mạnh khu vực 2 và khu vực 3, kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 16,62%/năm. Thu ngân sách nhà nước bình quân tăng 12,1%/năm (Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV là tăng 9-10%/năm). Tổng vốn đầu tư phát triển bình quân tăng 13%/năm. Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm đạt 2% (Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV là giảm bình quân hàng năm 1,8%), tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2018 giảm xuống còn 10,34%”.  
Chỉ trong thời gian ngắn, Gia Lai đã có những bước “chuyển mình” khá mạnh mẽ bằng việc tập trung phát triển mạnh ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất quy mô lớn, nâng cao giá trị gia tăng trên đơn vị sản phẩm, phát triển trồng trọt trên cơ sở gắn liền với áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tạo ra cánh đồng mẫu lớn nhằm tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tỉnh tập trung chuyển dịch đúng hướng cơ cấu nền kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp chế biến, ưu tiên các ngành chế biến các sản phẩm từ nông nghiệp như: cà phê, hồ tiêu, cao su, điều, cây ăn quả…; đồng thời chú ý đến công nghiệp sản xuất và phân phối điện gió, điện mặt trời.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành cho rằng: Tây Nguyên là vùng nghèo nhưng chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, vốn đầu tư hàng năm ít. Để Tây Nguyên có thể trở mình thì trước tiên phải quan tâm phát triển hệ thống giao thông. Bên cạnh các tuyến quốc lộ cần đầu tư hệ thống đường xương cá. Gia Lai là tỉnh có diện tích khá rộng (đứng thứ 2 toàn quốc), giao thông đi lại vừa xa vừa khó khăn, có những huyện từ trung tâm huyện đến trung tâm tỉnh khoảng 130 km, từ xã đến trung tâm huyện 70 km, trong khi ngân sách tỉnh hạn hẹp, chỉ mới cân đối được dưới 40% tổng chi ngân sách nên không có nguồn để đầu tư cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, Gia Lai là tỉnh không có đường biển, đường sắt mà chỉ tập trung vào đường bộ nên chi phí vận chuyển hàng hóa đầu vào cho sản xuất, đầu ra sản phẩm xuống cảng để xuất khẩu quá cao, chưa kể khi sử dụng đường bộ thì các quốc lộ đều phải trả phí BOT.
“Vấn đề phân bổ nguồn vốn đầu tư cũng cần suy nghĩ. Bởi một công trình vài trăm tỷ đồng nhưng mỗi năm chỉ cấp vốn vài chục tỷ đồng, đối với điều kiện vùng Tây Nguyên, đợi năm sau bố trí vốn để làm tiếp thì hạng mục làm trước đã... xuống cấp. Vấn đề lập thủ tục đầu tư cũng mất rất nhiều thời gian, trung bình việc lập dự án, thẩm định, phê duyệt cho đến triển khai mất nửa năm. Do vậy, đề nghị các bộ, ngành Trung ương xem xét việc phân cấp quản lý vốn”-Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành nhấn mạnh.
Phát triển hạ tầng giao thông
Thi công nâng cấp quốc lộ 19-đoạn qua địa phận huyện Đak Pơ. Ảnh: Đ.T
Thi công nâng cấp quốc lộ 19-đoạn qua địa phận huyện Đak Pơ. Ảnh: Đ.T
Trong Chiến lược phát triển tổng thể quốc gia giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030 và chiến lược phát triển các ngành kinh tế, Chính phủ xác định 7 vùng kinh tế trọng điểm quốc gia. Tuy nhiên đến nay, việc liên kết phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên nói riêng và với các vùng lân cận vẫn chưa triển khai thực hiện.

Năm 2019, nhu cầu vốn của vùng Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên là 79.171 tỷ đồng (tăng 17% so với kế hoạch năm 2018). Trong đó, vốn ngân sách địa phương là 37.530 tỷ đồng (bằng 102% so với kế hoạch 2018), vốn ngân sách Trung ương là 29.878 tỷ đồng (bằng 208% so với kế hoạch 2018), vốn Trái phiếu Chính phủ 1.695 tỷ đồng (bằng 22,29% so với kế hoạch 2018), vốn ngoài nước ODA là 13.566 tỷ đồng (tăng 48% so với kế hoạch 2018).

Ông Đào Công Thiên-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa-cho rằng: Để các ngành, địa phương trong vùng thuận lợi hơn trong việc liên doanh, liên kết, hợp tác để khai thác tiềm năng, thế mạnh của cả vùng, Chính phủ cần quan tâm đầu tư phát triển đường hàng không giữa các tỉnh, thành trong khu vực. Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Lê Quang Mạnh cho rằng: “Đúng là cần ưu tiên đầu tư đường bộ vùng Tây Nguyên. Trên thực tế, nhu cầu khách đi đường hàng không đang tăng rất nhanh, cũng nên xem xét tới việc mở rộng thêm nhiều đường bay giữa các địa phương, tuy nhiên, cần xem xét lại vấn đề sẽ dùng đầu tư công hay đầu tư tư nhân. Về đường sắt, Bộ Giao thông-Vận tải cũng đề nghị đầu tư một số tuyến đường sắt nhưng phải xem xét vì cần vốn đầu tư quá lớn. Chính phủ cũng rất chú ý và có định hướng với phát triển hạ tầng khu vực Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên, nhưng do nguồn vốn hạn chế nên cần xem xét kỹ lưỡng”.
Sau khi lắng nghe ý kiến thảo luận của các đại biểu liên quan tới kết quả giữa kỳ kế hoạch 5 năm 2016-2020, về Luật Đầu tư công sửa đổi, những việc cần làm liên quan tới Luật Quy hoạch và Hệ thống thông tin về đầu tư sử dụng vốn nhà nước, Thứ trưởng Lê Quang Mạnh nhấn mạnh: Kế hoạch 5 năm (2016-2020) mang tính định hướng, có tính chất xác định nhu cầu của từng địa phương. Việc đánh giá giữa kỳ nhằm chỉ ra những thiếu sót để các địa phương có những điều chỉnh trong những năm còn lại để đảm bảo hoàn thành mục tiêu đến năm 2020. Đồng thời, Thứ trưởng cho biết sẽ tổng hợp những đề nghị cũng như những vướng mắc của các địa phương liên quan tới Luật Đầu tư công sửa đổi và Luật Quy hoạch để báo cáo Bộ KH-ĐT và trình lên kỳ họp cuối năm của Quốc hội.
Hà Duy

Có thể bạn quan tâm