Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Cảnh báo nguy cơ cháy nổ điện mặt trời mái nhà

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) đang là mối quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp và hộ gia đình. Tuy nhiên, loại hình này lại tiềm ẩn nguy cơ về hỏa hoạn mà hậu quả của nó là khôn lường. 
Nguy cơ cháy nổ cao
Sau khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg về giá mua ĐMTMN cao hơn với các loại điện mặt trời khác, loại hình kinh doanh này đã “bùng nổ” trên diện rộng. Theo thống kê của Công ty Điện lực Gia Lai, trước khi có Quyết định số 13, trên địa bàn tỉnh chỉ có 147 chủ đầu tư đăng ký ĐMTMN.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Công ty Điện lực Gia Lai đã ghi nhận có tổng cộng 1.503 chủ đầu tư đăng ký, đang triển khai và đưa vào vận hành các hệ thống ĐMTMN với tổng công suất 562,5 MWp. Trong đó có 932 chủ đầu tư lắp đặt hệ thống ĐMTMN đã đưa vào vận hành và ký hợp đồng với tổng công suất 25,5 MWp; 51 chủ đầu tư lắp đặt đã đưa vào vận hành và chưa ký hợp đồng với tổng công suất 51 MWp; 131 chủ đầu tư đã thỏa thuận đấu nối với công suất 120,5 MWp; 398 chủ đầu tư đang triển khai với tổng công suất 365,5 MWp. 
Hiện trường vụ cháy hệ thống điện năng lượng mặt trời tại nhà xưởng của Công ty cổ phần Điện Gia Lai. Ảnh: Lê Văn Ngọc
Hiện trường vụ cháy hệ thống điện năng lượng mặt trời tại nhà xưởng của Công ty cổ phần Điện Gia Lai. Ảnh: Lê Văn Ngọc
Ngày 23-9 vừa qua, tại Cụm Công nghiệp Diên Phú (TP. Pleiku) đã bất ngờ xảy ra vụ cháy 60 tấm pin mặt trời trên mái nhà xưởng của Công ty cổ phần Điện Gia Lai, gây thiệt hại hàng chục triệu đồng. Vụ việc khiến nhiều người có ý định đầu tư ĐMTMN phải giật mình trước nguy cơ cháy hiện hữu.
Thượng tá Đặng Ngọc Hùng-Phó Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC-CNCH) Công an tỉnh cho biết: Việc “bùng nổ” các nhà cung cấp ĐMTMN đã khiến hoạt động kiểm soát chất lượng thiết bị gặp nhiều khó khăn, nhất là kiểm soát về tiêu chuẩn kỹ thuật phòng cháy nổ. Nguyên nhân gây ra hiện tượng cháy chính là sự phóng điện hồ quang DC trên hệ thống điện mặt trời thông thường.
Hệ thống dây điện này dẫn từ các tấm module pin năng lượng mặt trời trên mái nhà xuống đến các bộ biến tần chuỗi lắp đặt liền kề với bảng mạch điều khiển. Có khoảng 50 khớp nối trong mạch DC của một hệ thống điện mặt trời dân dụng, hầu hết các kết nối này đều được thực hiện bởi các đơn vị lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời không chuyên nên tiềm ẩn khả năng gây ra lỗi trong quá trình vận hành. Ngoài ra, có một số kết nối khác bên trong các module pin năng lượng mặt trời và bộ biến tần cũng là những điểm tiềm ẩn gây nên sự cố.
“Trong quá trình vận hành sẽ có nhiều yếu tố tác động dẫn đến phóng điện hồ quang DC như: bị côn trùng, động vật cắn làm hỏng dây cáp, ảnh hưởng của thời tiết, thiên tai như lũ lụt, gió lớn, mưa đá… bị ngấm nước do các phụ kiện kém chất lượng hoặc do sự cố kỹ thuật trong thi công lắp đặt”-Thượng tá Đặng Ngọc Hùng cảnh báo. 
Cần đảm bảo an toàn tuyệt đối 
Trước nguy cơ cháy nổ từ ĐMTMN, Cục Cảnh sát PCCC-CNCH (Bộ Công an) đã ban hành công văn hướng dẫn công tác thẩm duyệt thiết kế về PCCC đối với nhà máy điện mặt trời và hệ thống ĐMTMN. Theo đó, các hệ thống điện mặt trời lắp đặt trên mái nhà của công trình thuộc danh mục dự án, công trình do cơ quan Cảnh sát PCCC-CNCH thẩm định, duyệt thiết kế về PCCC gồm: khu chế xuất, khu công nghiệp, học viện, trường đại học, bảo tàng, cảng hàng không... Riêng đối với các công trình không thuộc danh mục phụ lục trên thì không phải thẩm duyệt thiết kế về PCCC, nhưng phải được hướng dẫn, khuyến cáo thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn về PCCC. 
Vụ cháy đầu tiên tại dự án điện mặt trời mái nhà đã gây hoang mang cho nhiều người. Ảnh: Lê Văn Ngọc
Vụ cháy đầu tiên tại dự án điện mặt trời mái nhà của Công ty Cổ phần Điện Gia Lai khiến nhiều người dân hoang mang. Ảnh: Lê Văn Ngọc
Trao đổi với P.V, ông Lê Tuấn Thành-Giám đốc Công ty TNHH Thanh Phong (đơn vị chuyên về lắp đặt các dự án ĐMTMN) chia sẻ: “Nhiều người đổ xô lắp đặt ĐMTMN nhưng lại chưa thực sự hiểu rõ về nó. Do đó, nhà đầu tư phải lựa chọn nhà thầu lắp đặt, lựa chọn dây dẫn và tấm pin đảm bảo chất lượng. Nếu các nguyên liệu này không đảm bảo chất lượng hoặc đơn vị thi công không đảm bảo các yếu tố kỹ thuật cần thiết thì nguy cơ cháy nổ sẽ rất cao”.  
Anh Lê Văn Đạt-chủ đầu tư một dự án ĐMTMN với công suất 100 kWp tại xã Biển Hồ (TP. Pleiku) chia sẻ: “Khi đầu tư, tôi đã tìm hiểu kỹ về chất lượng các tấm pin và dây dẫn cũng như đơn vị lắp đặt. Dự án của tôi có hồ sơ thiết kế, hồ sơ thầu nên khi ký kết với phía điện lực họ sẽ kiểm tra về yếu tố an toàn kỹ thuật. Để ứng phó với các nguy cơ khác có thể gây ra hỏa hoạn, tôi đã lắp đặt các tấm pin trên mái tôn, đồng thời có sẵn máy bơm nước cao áp để xử lý nhanh khi có sự cố cháy nổ. Theo tôi, vấn đề đáng lo nhất là các gia đình trong khu dân cư lắp hệ thống ĐMTMN công suất nhỏ không cần duyệt hồ sơ thiết kế, chất lượng thiết bị có thể không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, cần phải được rà soát kỹ càng để tránh nguy cơ cháy nổ”.
Thượng tá Đặng Ngọc Hùng-Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC-CNCH (Công an tỉnh): “Để ngăn chặn cháy nổ hệ thống ĐMTMN, chủ đầu tư cần lựa chọn vật tư phù hợp của đơn vị cung cấp uy tín, có chứng nhận nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, sử dụng các dòng công nghệ nâng cao độ an toàn. Đồng thời, lựa chọn đơn vị lắp đặt uy tín, có kinh nghiệm về điện mặt trời, đặt bộ inverter, bảng điều khiển trung tâm ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh tiếp xúc với các vật dụng dễ cháy, phòng kín, hệ thống tiếp địa an toàn”.
LÊ VĂN NGỌC

Có thể bạn quan tâm